Bình Dương chia 3 giai đoạn phục hồi kinh tế, dự kiến đến 31/12 mở cửa lại toàn bộ

15/09/2021 - 11:38

PNO - Sáng 15/9, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành kế hoạch khôi phục kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới sau thời gian dài giãn cách xã hội.

Cũng trong sáng nay (15/9), kế hoạch trên được công bố tại hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí của Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương.

Ông Nguyễn Lộc Hà, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cho biết kế hoạch khôi phục kinh tế - xã hội được địa phương chia thành 3 giai đoạn cụ thể trên tinh thần vừa chống dịch vừa đảm bảo hoạt động kinh tế trong tình hình mới.

Hội nghị thông tin về công tác
Hội nghị thông tin về công tác phòng chống dịch của tỉnh Bình Dương diễn ra vào sáng 15/9

Giai đoạn 1 (từ 15/9-31/10), Bình Dương ưu tiên triển khai việc phục hồi các hoạt động kinh tế, xã hội trên địa bàn “vùng xanh” gồm các huyện phía Bắc: Phú Giáo, Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên, thị xã Bến Cát và TP. Thủ Dầu Một. Tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp khóa chặt “vùng đỏ, điểm đỏ, mở rộng vùng xanh”. Thần tốc xét nghiệm để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng. Về tổ chức sản xuất kinh doanh và lưu thông, thực hiện phương án lưu thông liên huyện “vùng xanh” phía Bắc.

Giai đoạn 2 (sau ngày 31/10), nếu vắc xin được cung cấp liên tục, đầy đủ, khoảng đầu tháng 10, Bình Dương sẽ hoàn tất tiêm đủ 2 mũi vắc xin cho toàn bộ người dân trong tỉnh. Sau 15 ngày tiêm vắc xin phát huy tác dụng là khoảng 31/10 sẽ cơ bản đạt miễn dịch cộng đồng.

Trường hợp kiểm soát dịch bệnh thành công và không còn “vùng đỏ”, “vùng vàng” sẽ mở cửa lại các hoạt động kinh tế, xã hội một cách có chọn lọc, ưu tiên các ngành công nghiệp, dịch vụ, thương mại, loại trừ một số ngành nghề nhạy cảm, dễ gây bùng phát dịch như: karaoke vũ trường, quán bar, massage… giao ngành y tế và các ngành có liên quan tham mưu danh mục cụ thể.

Trường hợp diễn biến dịch xấu hơn, tùy theo mức độ và khuyến nghị của ngành y tế sẽ điều chỉnh quay về giai đoạn trước hoặc quản lý chặt hơn.

Từ sau ngày 31/12/2021, trường hợp kiểm soát dịch bệnh thành công và không còn "vùng đỏ", "vùng vàng" thì sẽ mở cửa lại toàn bộ hoạt động kinh tế xã hội. Một số ngành nghề nhạy cảm, dễ gây bùng phát dịch bệnh sẽ phải có tiêu chí về điều kiện hoạt động.

UBND tỉnh Bình Dương cũng dự kiến trường hợp đưa ra lộ trình nêu trên nhưng nếu diễn biến dịch xấu hơn thì tùy theo mức độ và khuyến nghị của ngành y tế sẽ điều chỉnh quay về giai đoạn trước đó hoặc quản lý chặt hơn.

Ông Nguyễn Lộc Hà - Phó
Ông Nguyễn Lộc Hà, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, thông tin về kế hoạch khôi phục kinh tế của tỉnh

Tại hội nghị, ông Nguyễn Lộc Hà, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cho biết hiện nay dịch bệnh COVID-19 trên toàn tỉnh đã cơ bản được khống chế, xu hướng F0 mới giảm dần, nhiều địa phương trong địa bàn tỉnh đã trở lại "vùng xanh". Hầu hết người dân trên 18 tuổi tại Bình Dương đã được tiêm ít nhất một mũi vắc xin… 

Tuy nhiên, quan điểm của Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương là nới lỏng giãn cách xã hội phải thực hiện từng bước, phù hợp với mức độ kiểm soát dịch bệnh, kèm theo các điều kiện phòng, chống dịch cụ thể.

Tuyệt đối không chủ quan, không nóng vội nới lỏng các yêu cầu giãn cách xã hội đối với những địa phương chưa thật sự kiểm soát được dịch bệnh…

Những ngành nghề nhạy cảm như karaoke, bar, ma
Những ngành nghề như karaoke, bar, massage tại Bình Dương có thể hoạt động sau ngày 31/12

Để chuẩn bị cho trạng thái bình thường mới sau ngày 15/9, Bình Dương sẽ củng cố y tế ở tuyến cơ sở, tiếp tục triển khai tiêm vắc xin mũi 2 cho người dân. Ngoài ra, tỉnh cũng từng bước trả lại trường học, nhà máy trưng dụng làm khu cách ly, điều trị COVID-19 thời gian qua.

Đến thời điểm hiện tại, Bình Dương có trên 160.000 ca lây nhiễm trong cộng đồng (trong đó 113.000 người đã khỏi bệnh), có 1.420 ca F0 tử vong. Toàn tỉnh có trên 1,8 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19 đã được tiêm, trong đó trên 51.000 người được tiêm mũi 2. 

Bình Dương đã thành lập 27 trạm y tế lưu động tại 15 phường đang thực hiện nghiêm ngặt Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ tại TP. Thuận An (15 trạm), Dĩ An (4 trạm) và thị xã Tân Uyên (8 trạm). Tiếp tục bố trí các trạm y tế lưu động phù hợp tại các địa phương “vùng đỏ”, “vùng xanh”, tại các khu, cụm công nghiệp gắn với trang bị đầy đủ về phương tiện, nhân lực, vật tư y tế, bình oxy và các loại thuốc điều trị cần thiết… đảm bảo người dân, công nhân lao động được tiếp cận y tế mọi lúc, mọi nơi một cách nhanh nhất.

Phạm Diện

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI