Bình đựng nước cầm tay có thể chứa vi khuẩn gấp 40.000 lần bệ bồn cầu

04/09/2024 - 19:05

PNO - Theo một nghiên cứu, bình đựng nước tái sử dụng nếu không được vệ sinh sạch sẽ, chứa lượng vi khuẩn gấp 40.000 lần so với bệ bồn cầu.

Nhiều người nghĩ rằng vì chỉ uống nước lọc nên không cần vệ sinh bình đựng.
Nhiều người nghĩ rằng vì chỉ uống nước lọc nên không cần vệ sinh bình đựng - Ảnh: Glamour

Theo cuộc thăm dò của WaterFilterGuru trên 1.000 người Mỹ độ tuổi trung bình là 40, về sở thích và thói quen sử dụng bình đựng nước của họ, thì có hơn 60% người rửa sạch bình đựng nước một lần hoặc nhiều hơn mỗi ngày, nhưng những người khác thì không siêng năng như vậy. 25% người tham gia khảo sát chỉ rửa bình đựng nước vài lần mỗi tuần và có đến 10% chỉ rửa sạch chúng vài lần mỗi tháng.

Các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm các chai nước có thể đổ đầy lại và không được rửa sạch giữa các lần để đầy, và phát hiện, trong mỗi chai nước không được vệ sinh tối thiểu 1 tuần/lần, lượng vi khuẩn cao nhất có thể gấp 40.000 lần so với bệ ngồi bồn cầu.

1
Bản phân tích số lượng vi khuẩn trong bình đựng nước gấp 40.000 lần bồn cầu của WaterFilterGuru - Ảnh: WaterFilterGuru

Một cuộc thăm dò của Talking Point (Singapore) vào năm 2024 trên 1.1000 người trên Instagram cho thấy: 52% người rửa bình đựng nước hàng ngày, 19% rửa 2-3 lần/tuần, 18% rửa 1 lần/tuần, và 11% rửa 1 lần/tháng.

Chuyên gia dinh dưỡng Michaella Mazzoni (Singapore) khuyên chúng ta nên rửa bình đựng nước mỗi ngày, vì sau mỗi lần chạm môi vào bình đựng nước, chúng ta có khả năng truyền vi khuẩn sang bề mặt bên ngoài và bên trong bình. Theo thời gian, vi khuẩn này có thể sinh sôi, gây nấm mốc.

“Khi chúng ta ăn, các hạt thức ăn giữ lại trong miệng. Và khi uống nước, một số hạt thức ăn có thể bị rơi vào chai nước. Sau đó, vi khuẩn và nấm mốc sẽ có điều kiện phát triển, đặc biệt là khi bình nước không được rửa sạch kỹ lưỡng mỗi ngày”, chuyên gia về chất lượng nước Kwok Chen Ko (người Singapore) cho biết.

1
Nên dùng những chiếc bình có cấu trúc dễ vệ sinh - Ảnh: Glamour

Adison Wong - phó giáo sư tại Viện Công nghệ Singapore - nhấn mạnh, người thường sử dụng bình đựng nước cần lưu ý đặc biệt với 2 loại vi khuẩn có thể gây đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn là pseudomonas và vi khuẩn lam. Trong một số trường hợp, pseudomonas có thể gây nhiễm trùng đường hô hấp nếu chúng đến phổi qua khoang miệng.

Mặc dù những mối nguy hại cho sức khỏe này phần lớn là vô hình, nhưng giáo sư cũng gợi ý bạn có thể để ý lớp phủ nhớt thường có mùi khó chịu để phát hiện nước trong bình có dấu hiệu nhiễm khuẩn. Theo Wong, lớp nhớt này được gọi là màng sinh học - giống như một nơi trú ẩn để vi khuẩn phát triển và sinh sôi tự do.

Nên mua loại bình đựng chất liệu gì?

Theo phó giáo sư Sierin Lim của Đại học Công nghệ Nanyang, chất liệu của bình đựng nước cũng ảnh hưởng đến mức độ phát triển của vi khuẩn và nấm mốc. Ông cũng thực nghiệm một số thí nghiệm cho thấy tốc độ hình thành và phát triển của các loại vi khuẩn ở các loại bình đựng nước có chất liệu khác nhau.

Thí nghiệm chỉ ra, thủy tinh có tốc độ hình thành vi khuẩn chậm nhất, tiếp theo là polypropylen, thép không gỉ và cuối cùng là polycarbonate, một loại nhựa trong suốt, bền. Ông cho biết: “Polypropylene có khả năng thấm ướt thấp hơn so với polycarbonate, nên sẽ đẩy nước ra xa hơn, trong khi polycarbonate sẽ thu hút nước”.

Kwok cho biết, bạn nên rửa bình đựng nước hàng ngày với chất tẩy rửa, rửa sạch cẩn thận từ trong ra ngoài, đặc biệt những khu vực tiếp xúc với môi, như vành và nắp bình. "Có thể sẽ rất khó để vệ sinh ống hút và chai có miệng hẹp, nên nhất định phải có một chiếc chổi kích thước phù hợp, chẳng hạn như dụng cụ vệ sinh dành riêng cho ống hút", ông nói.

Tuy nhiên, có nhiều yếu tố hay cấu trúc đặc biệt của bình dẫn đến khả năng phát triển của vi khuẩn và nấm mốc, vì thế, ưu tiên hàng đầu khi mua hàng nên là một bình nước có cấu trúc dễ vệ sinh. Mazzoni cũng nói thêm: "Dù vệ sinh sạch sẽ thường xuyên hay dùng chất liệu gì, bình đựng nước cũng nên được thay thế sau mỗi 6-12 tháng".

An Huỳnh (theo Glamour, Channelnewsasia, Waterfilterguru)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI