PNO - PNO – Hiện tượng gà chết hàng loạt do bệnh Niucatxơn gây ra không chỉ ở huyện Tuy Phước mà còn lan rộng ra huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Tại xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát (Bình Định), qua khảo sát chúng tôi ghi nhận ở đây các đàn...
edf40wrjww2tblPage:Content
Thông tin từ ngành thú y Bình Định, hiện tượng gà chết hàng loạt ở Bình Định thời gian qua là do gà nhiễm bệnh Niucatxơn (dịch tả gà). Gà bị bệnh Niucaxơn không nguy hiểm cho người như cúm gia cầm (CGC), nhưng sức hủy diệt và lây lan trên gia cầm rất lớn.
Một trại chăn nuôi còn trơ chuồng vì gà chết hàng loạt bởi bệnh Niucatxơn
Ông Trần Đình Trong, cán bộ thú y xã Cát Nhơn, cho biết: Toàn xã Cát Nhơn có 58.000 con gia cầm, trong đó có 28.500 con gà. Từ ngày 21/1, xuất hiện tình trạng gà chết hàng loạt. Đầu tiên xảy ra tại hộ ông Trần Văn Đức ở thôn Chánh Nhơn. Ngày đầu phát hiện, chỉ mới 70-80 con chết, sau 3 ngày đàn gà 1.000 con của ông Đức chết sạch. Gà chết cùng hiện tượng xuất huyết da, tím mồng. Chi cục Thú y Bình Định về xã lấy mẫu xét nghiệm, đến nay chưa có kết quả.
Ngày 1/2, đàn gà 2.000 con của ông Phạm Văn Chí ở thôn Đại Ân cũng bắt đầu chết, chỉ qua 1 ngày, trang trại của ông Chí không còn con gà nào. 10 ngày sau (10/2), thú y xã Cát Nhơn tiếp tục nhận được thông tin đàn gà 2.000 con của ông Nguyễn Phúc Tài ở thôn Đại Ân chết sạch chỉ trong vòng 3 ngày. Thiệt hại nặng nhất là hộ ông Trần Lộc ở thôn Phong An, xã Cát Trinh bị chết đến 4.000 con gà, lâm cảnh trắng tay. Những trường hợp gà chết hàng loạt nói trên ngoài được lấy mẫu đưa đi xét nghiệm còn mổ xác tại chỗ tìm nguyên nhân chết. Ngành thú y huyện Phù Cát xác định gà chết do mắc bệnh Niucatxơn.
Theo ông Trong, gà chết, người dân tự ý đem thả trên sông suối, di truyền mầm bệnh. Trong hai ngày 9 và 11/2, UBND xã Cát Nhơn thành lập đoàn kiểm tra, phát hiện 2 điểm tập trung xác gia cầm chết tại 2 thôn Chánh Nhơn và Đại Ân, 1 điểm trên suối cống xã Tùng và 1 điểm trong núi. Số xác gia cầm chết nói trên được thu gom và xử lý tại khu vực núi Bà.
Trước tình hình trên, tối 18/2, UBND huyện Phù Cát (Bình Định) triệu tập khẩn cấp lãnh đạo và thú y các xã, thị trấn nắm bắt tình hình. Theo báo cáo của các địa phương, hiện đã có 11/18 xã, thị trấn trên địa bàn Phù Cát xảy ra hiện tượng gia cầm chết. Thống kê sơ bộ hiện có đến 25.200 con gà và 8.000 con vịt bị chết. Sáng 19/2, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, bà Trần Thị Thu Hà và lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định đã về 1 số địa phương trọng điểm của huyện Phù Cát như: Cát Minh, Cát Hanh, Cát Nhơn…để kiểm tra tình hình dịch bệnh trên gia cầm.
Ông Trần Văn Minh - Trưởng trạm Thú y huyện Tuy Phước, nhận định, trước đây theo hướng dẫn của ngành thú y, bà con chăn nuôi phòng bệnh Niucaxơn cho đàn gà bằng phương thức: Gà 3 ngày tuổi dùng vacxin Laxota hoặc vacxin chủng F nhỏ vào mắt, mũi của gà; 14 ngày sau nhỏ lại lần nữa cũng bằng 2 loại vacxin nói trên. Đến khi gà 35 ngày tuổi phải được tiêm vacxin chủng M. Được phòng trừ bệnh Niucaxơn theo phương thức trên đàn gà trên địa bàn rất ổn định. Tuy nhiên mới đây, bà con chăn nuôi phòng trừ bệnh Niucaxơn cho gà bằng cách cho uống vacxin NDIB. Do thực hiện không đúng quy trình nên cách phòng trừ bệnh này không hiệu quả, dẫn đến đàn gà dù được phòng trừ vẫn mắc bệnh.
“Theo quy trình, vacxin NDIB pha vào nước, đổ vào máng cho gà uống. Nhưng trong nước không được có thành phần clo, không bị ánh sáng mặt trời tác động vào vacxin và lượng vacxin đã pha phải được sử dụng trong 2 tiếng đồng hồ. Tuy nhiên, nước bà con chăn nuôi sử dụng dùng để pha thuốc hầu hết là nước máy, nhiều thành phần clo; máng cho gà ăn uống bị ánh sáng mặt trời tác động trực tiếp và pha thuốc xong cứ đổ vào máng cho gà uống tùy nghi nên nhiều con uống không đủ liều, dẫn đến mắc bệnh”, ông Minh nói. Theo ông Minh, tốc độ gây tử vong của bệnh Niucatxơn trên đàn gà là rất cao, nhanh hơn cả dịch CGC. Khi đàn gà đã bị mắc bệnh này mà người chăn nuôi nóng ruột, vội vàng cho gà uống thuốc kháng sinh thì tốc độ chết của gà càng nhanh. Đặc biệt, mầm bệnh Niucatxơn lây lan trực tiếp nếu điều kiện giết mổ bừa bãi.
Tình trạng mua bán, giết mổ gia cầm sống ngoài vòng quản lí của thú y vẫn diễn ra từng ngày ở Bình Định trong khi bệnh dịch gia cầm đang hoành hành
Rõ ràng đã nhận định rõ mối nguy hại từ bệnh Niucatxơn, ngành thú y Bình Định vẫn không có khuyến cáo cụ thể hay động thái nào trước tình trạng buôn bán, giết mổ gia cầm sống trong tỉnh. Tại các chợ đầu mối ở Bình Định, những lò mổ gia cầm di động vẫn hoạt động trên khắp các vỉa hè, tuyến phố. Có mặt tại đường Hoàng Hoa Thám nằm bên hông chợ Đầm (TP Quy Nhơn, Bình Định), chúng tôi được chứng kiến nhiều lò mổ gia cầm lộ thiên. Gọi là “lò mổ” nhưng cảnh nhếch nhác đến… rùng mình. Gà, vịt được giết mổ nằm lăn lóc, tràn lan trên nền xi măng. Lông gà, long vịt vương vãi khắp nơi. Đáng sợ nhất là nước thải được đổ chảy lênh láng trên đường.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, bà Trần Thị Thu Hà, chỉ đạo: “Ngành chức năng phải khẩn trương trong việc xét nghiệm mẫu gà, vịt chết tìm nguyên nhân để kịp thời kiểm soát dịch bệnh. Trước khi có kết luận, các địa phương phải bao vây, tiêu độc sát trùng các điểm dịch; nơi nào chưa có hiện tượng gia cầm chết thì tăng cường công tác tiêm phòng. Tuyên truyền cho hộ chăn nuôi phải khai báo khi xảy ra tình trạng gà, vịt chết hàng loạt, nếu vi phạm phải xử lý hành chính. Đặc biệt, ngành thú y phải tăng cường công tác kiểm tra hoạt động thu mua, giết mổ gia cầm tại các chợ”.
Báo Phụ nữ TPHCM, ngân hàng BIDV phối hợp với Đảng ủy - UBND - UB MTTQ Việt Nam phường Nguyễn Thái Bình (quận 1) trao quà tết cho các hoàn cảnh khó khăn.