PNO - PNO - Trước tình hình dịch cúm gia cầm (DCGC) đang diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, những ngày qua tại Bình Định gia cầm chết hàng loạt ở nhiều xã khu đông huyện Tuy Phước.
edf40wrjww2tblPage:Content
Lao đao vì gia cầm chết hàng loạt
Chúng tôi đến xã Phước Hiệp, một trong các xã khu đông gồm Phước Sơn, Phước Hòa, Phước Quang, Phước Thắng, Phước Hiệp, Phước Hưng… (huyện Tuy Phước) đang “nóng” về tình trạng gia cầm chết hàng loạt. Theo người dân tại đây, tình trạng gia cầm chết đã xảy ra từ trước tết Nguyên đán và kéo dài đến nay.
Vớt xác gà chết trên các kênh mương thủy lợi ở Tuy Phước
Ông Lê Anh Tú, một trong những chủ hộ chăn nuôi gia cầm lớn ở thôn Giang Bắc, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước (Bình Định), nói trong nước mắt: “Nhà tui đầu tư nuôi hơn 9 thiên gà (9.000 con) để phục vụ thị trường Tết, thế nhưng vào thời điểm chuẩn bị xuất bán thì đàn gà nặng 1.4kg -1.6kg/con lăn ra chết. Bắt đầu từ ngày mồng 6 tháng Chạp, trong chuồng gà có 5 con có biểu hiện khác thường như tím mồng, đen đầu, sưng chân, xuất huyết chân… rồi chết. Ngày đầu chỉ có 5 con gà chết, ngày thứ ba thì tăng lên 200 con, 6 ngày sau toàn bộ đàn gà 6.000 con của gia đình tui chết sạch. Từ ngày đầu tiên gà bị bệnh, tôi đã mời bác sỹ thú y của Công ty thú y Hoàng Kim đến kiểm tra. Dựa trên những biểu hiện bệnh, bác sỹ thú y kết luận gà bị cúm. Để chắc chắn, tôi mời 10 bác sỹ thú y ở khắp nơi trong tỉnh về trai gà kiểm tra, thực hiện các biện pháp, chích ngừa thuốc nhưng càng chích gà càng chết. Sau khi hai trại gà 6000 con chết, trại gà còn lại 3000 con tôi lập tức tiêm ngừa cúm, hiện nay đàn gà phát triển bình thường. Sát trại gà mà tôi ngừa cúm, trang trai bên cạnh không tiêm phòng cúm nên gà bị chết hết. Sau đợt dịch này, tôi thiệt hại hơn 450 triệu đồng, nợ tiền cám đến 400 triệu đồng”.
Những chuồng gà xơ xác, trống hoác sau dịch bệnh ở Phước Hiệp
Hiện tại, Phước Hiệp có hơn 10 hộ xảy ra hiện tượng gà chết hàng loạt từ trước Tết đến nay. Theo anh Huỳnh Văn Đệ, ngụ thôn Giang Bắc: “Thời điểm gà chết hàng loạt diễn ra từ đầu tháng 12, khi đó đàn gà của tôi vẫn khỏe mạnh, hy vọng thoát dịch. Tuy nhiên, trước thời điểm xuất chuồng 3 ngày (ngày 26 tháng Chạp), 2.000 con gà của gia đình tôi chết sạch. Hiện tượng gà chết cũng bị tím mồng, đen mào, xuất huyết chân. Buổi sáng, gà còn bình thường đến trưa đã giãy đành đạch rồi lăn ra chêt. Vỏn vẹn từ ngày 21 đến 23 tháng Chạp, gà chết sạch chuồng. Chúng tôi đã báo tình hình lên chính quyền địa phương. Cán bộ xã có đến kiểm tra, ghi số liệu… người dân rối quá nên tự đem gà chết đi chôn, lấp tránh bệnh lây lan. Toàn bộ số gà chết, chúng tôi mang lên núi Tình Giang thuộc địa bàn thôn chôn lấp. Sau đợt dịch gà này, tôi thiệt hại hơn 140 triệu đồng, nợ 90 triệu tiền cám. Gia đình tôi chưa biết xoay sở thế nào với tình hình chăn nuôi đang gặp khó khăn hiện nay”.
Ông Nguyễn Văn Đức - Chủ tịch UBND xã Phước Hiệp, cho biết: “Trước tết Nguyên đán, địa phương có nhận được thông tin người chăn nuôi phản ánh về tình trạng gà chết. Có 3 hộ đăng ký với xã xin tiêu hủy gia cầm chết. Xã đã cử cán bộ đến lấy mẫu xét nghiệm gửi ngành thú ý. Kết quả kiểm tra cho thấy, gà chết do bệnh Niucaxơn, không phải do cúm nên không lây lan. Sau khi kiểm tra thống kê, chúng tôi vận động các hộ chôn cất, tiêu hủy gà hợp về sinh, không vứt ra sông, suối tránh mầm bệnh lây lan. Hai ngày qua, xã đã lập 3 đoàn ra 3 công trình thủy lợi trên địa bàn xã thu gom xác động vật chết để chôn, phun thuốc sát trùng, rải vôi… Hiện tại, xã chưa thống kê được đầy đủ số gà chết trên địa bàn trong thời gian qua”.
Người dân thẫn thờ trước dịch bệnh, gà chết và nguy cơ trắng tay
Hy vọng nhỏ nhoi còn sót lại của gia đình ông Tú là đàn gà 3.000 con
Trước Tết Nguyên đán, tại huyện Tuy Phước, kết quả xét nghiệm cho thấy có trường hợp gia cầm dương tính với cúm. Trong các ngày 10 -12/2, toàn huyện Tuy Phước đã ra quân dọn dẹp, thu gom xác gia súc, gia cầm.
Trước tình hình gia cầm chết hàng loạt tại địa phương, ông Trần Kỳ Quang - Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước (Bình Định), cho biết: “Trong thời gian qua, gia cầm chết rất nhiều tại Tuy Phước. Các mẫu phân tích, kiểm tra của ngành thú y, xác định số gia cầm chết trên địa bàn là do bệnh Niucaxơn gây nên. Ngày 10 -12/2, mỗi xã khu đông thu gom được 4.000 -5.000 con gà bị chết, đem chôn lấp. Trước tình hình này, ngày 15/2, địa phương tiếp túc tổ chức tiêm phòng dịch đợt 2 trên toàn bộ đàn gia cầm đã tiêm đợt 1”. Được biết, toàn huyện Tuy Phước đã tổ chức tiêm phòng dịch đợt 1 cho hơn 511.000 gia cầm, trong đó có 12.000 con vịt.
Trước tình hình gà chết hàng loạt, người chăn nuôi nghi ngại do dịch DCGC gây nên, ông Nguyễn Văn Quốc - Phó chi cục trưởng Chi cục thú y Bình Định, kết luận: “Trước Tết Nguyên đán, Chi cục Thú y Bình Định tiếp nhận thông tin gia cầm chết ở một số xã khu đông huyện Tuy Phước. Qua kiểm tra, xác định gia cầm chết do 3 nguyên nhân: do đợt lũ lịch sử làm đàn gà suy yếu, thời tiết lạnh kéo dài, người chăn nuôi chủ quan khi nuôi gà ngắn ngày không tiêm phòng bệnh Niucaxơn. Trước tình hình này, ngành thú y Bình Định đã tổ chức tiêm phòng vắc xin cúm đại trà cho toàn bộ gia cầm trong tỉnh, tổ chức tiêm phòng đợt 2 cho những gia cầm đã tiêm đợt 1 (ngày 18 -29/2). Riêng huyện Tuy Phước, ngành thú ý đã ứng 600.000 liều thuốc tiêm phòng dịch”.
Gia cầm bị ”ngăn sông cấm chợ” khi lên Tây Nguyên
Thiệt hại lớn do dịch bệnh thời gian qua khiến nhiều hộ chăn nuôi ở Bình Định khốn đốn, các hộ may mắn thoát dịch lại không bán được gia cầm vì cảnh “ngăn sông cấm chợ” khi lượng gia súc, gia cầm xuất lên Tây Nguyên bị chặn ở Gia Lai.
Thống kê của ngành thú y Bình Định cho thấy, mỗi tháng tỉnh này xuất đi các tỉnh Tây Nguyên hơn 10.000 con heo; hơn 700 con heo, bò; hơn 30.000 gia cầm và hơn 1 triệu quả trứng gia cầm các loại. Lượng hàng xuất tỉnh kể trên góp phần đảm bảo cung cấp nhu cầu thực phẩm cho người tiêu dùng nhiều địa phương, đồng thời giúp sản phẩm chăn nuôi của Bình Định ổn định đầu ra, người chăn nuôi yên tâm sản xuất.
Thực hiện chỉ đạo theo văn bản số 38 của Ban chỉ đạo 127 TW về việc tăng cường kiểm tra gia súc, gia cầm nhập lậu qua biên giới các nước Lào và Campuchia cùng Công điện số 12/CĐ -BNN-TY của Bộ trưởng Bộ NN- PTNT chỉ đạo việc tăng cường kiểm tra giám sát nhằm ngăn chặn dịch cúm gia cầm lây lan qua biên giới, ngày 20/8/2013 UBND tỉnh Gia Lai ban hành công điện số 18 và Công điện số 01/CĐ - UBND ban hành ngày 9/1/2014 với nội dung “Tạm dừng nhập gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, giam cầm vào tỉnh Gia Lai,; kể cả quá cảnh qua địa bàn, dù đã được cấp giấy kiểm dịch”. Công điện này đồng nghĩa với việc tỉnh Gia Lai “đóng cửa” tiêu thụ gia súc, gia cầm của các tỉnh đi lên địa bàn Tây Nguyên.
Quy định “bế quan” của UBND tỉnh Gia Lai làm ngành chăn nuôi tỉnh Bình Định long đong, người dân mất thị trường tiêu thụ. Trước tình hình đó, ông Phan Trọng Hổ - Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định, cho biết: “Công điện số 18 của UBND tỉnh Gia Lai ban hành nằm ngoài phạm vi chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 127 TW và Công điện của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT. Ngoài ra, việc bít cửa đối với gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm quá cảnh qua Gia Lai là không phù hợp với Pháp lệnh Thú y và Nghị định số 33/2005/NĐ-CP (ngày 15/3/2005) của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thú y và các văn bản hướng dẫn của Bộ NN-PTNT về quy định kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật.
Trước sự bất hợp lý về quy định “ngăn sông cấm chợ” sản phẩm gia súc, gia cầm mà tỉnh Gia Lai ban hành, ngày 10/10/2013 UBND tỉnh Bình Định đã có văn bản số 4178/UBND-TH kiến nghị Bộ NN-PTNT xem xét, chỉ đạo tạo điều kiện thuận lợi trong việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật đã được cơ quan thú y có thẩm quyền kiểm dịch theo quy định của pháp luật được quá cảnh địa bàn tỉnh Gia Lai trên QL 19 để đến thị trường các tỉnh Tây Nguyên, nhằm tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi của Bình Định.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, cửa ngõ Gia Lai vẫn đóng im ỉm. Tỉnh Gia Lai vẫn “nói không” với gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm từ Bình Định đi qua địa bàn”.
Báo Phụ nữ TPHCM, ngân hàng BIDV phối hợp với Đảng ủy - UBND - UB MTTQ Việt Nam phường Nguyễn Thái Bình (quận 1) trao quà tết cho các hoàn cảnh khó khăn.
Cầu Tân Kỳ Tân Quý, quận Bình Tân thông xe giúp giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông và từng bước hoàn thiện phát triển mạng lưới giao thông khu vực.