Bình đẳng và công lý - “Di sản” để lại của “RBG khét tiếng”

23/09/2020 - 18:09

PNO - "On the Basis of Sex" (2018) được mở đầu bằng "Ten Thousand Men of Harvard" của A. Putnam viết vào năm 1918, một ca khúc quen thuộc mà bất cứ sinh viên Trường đại học Harvard nào cũng biết.

Bộ phim mở ra với cảm giác khá ngột ngạt, ống máy lia xa rồi cận mặt, những người đàn ông trong bộ com-lê, thắt cà-vạt. Lọt thỏm giữa đám đông mà nam giới áp đảo đó, Ruth Bader Ginsburg (do Felicity Jones thủ vai), nhỏ bé, tóc xoăn nhẹ, gương mặt rạng rỡ, háo hức, mặc một chiếc váy xanh duyên dáng, tự tin bước đi trong ánh nắng của Đại học Harvard.

Sự ra đi của Ruth Bader Ginsburg ngày 18/9 vừa rồi đã làm đảo lộn  cả chính trường Mỹ
Sự ra đi của Ruth Bader Ginsburg ngày 18/9 vừa rồi đã làm đảo lộn cả chính trường Mỹ

Sự xuất hiện không bình thường đó, đã bắt đầu hé lộ phần nào về “RBG khét tiếng”, biệt danh của Ruth Bader Ginsburg - một trong chín phụ nữ ít ỏi (trong tổng số gần 500 sinh viên) của khóa học năm 1956, sau này trở thành người phụ nữ thứ hai được ngồi ghế thẩm phán SCOTUS trong lịch sử hơn 220 năm của nước Mỹ; đồng thời, cũng là biểu tượng của công lý, bình đẳng; người mà cái chết của bà vào mấy ngày trước đã làm đảo lộn cả chính trường Mỹ.

Một căn cước bị chối từ

On the Basis of Sex thuộc thể loại phim tiểu sử, bám sát câu chuyện có thật về cuộc đời của Thẩm phán Tòa án Tối cao Ruth Bader Ginsburg, do Mimi Leder làm đạo diễn, kịch bản được viết bởi Daniel Stiepleman - cháu trai của Ginsburg.

Với cuộc đấu tranh miệt mài vì những điều tốt đẹp, Bader Ginsburg hoàn toàn có thể được xem như một nhân vật cách mạng/hoặc mang tính cách mạng. Nhưng thay vì kể toàn bộ “công trình” của người đàn bà “cứng đầu nhất nước Mỹ”, On the Basis of Sex tập trung vào vụ án phân biệt giới đầu tiên mà Ginsburg tranh luận tại tòa án liên bang vào những năm 1970.

Sau khi nghe vị giáo sư trưởng khoa chia sẻ định nghĩa “một chàng trai Harvard nghĩa là như thế nào” (thông minh, ngoan cường, hết lòng vì pháp quyền, tận tâm với quốc gia và trung thành với truyền thống, tôn trọng và bảo vệ chế độ xã hội), cô sinh viên năm nhất Ruth Bader Ginsburg bị ấn tượng mạnh.

Để tạo thiện cảm tốt với trưởng khoa trong tiệc chiêu đãi, cô đã hỏi chồng mình - Martin (do Armie Hammer thủ vai) - nên mặc cái gì để “trông giống với một người đàn ông Harvard hơn”. Câu trả lời của Martin - “Không phải nhờ chiếc váy mà là chính em” - như “dội” một cú mạnh vào suy nghĩ của cô.
Rồi từ đó, hàng loạt tình huống trớ trêu, tréo ngoe khi Ruth Bader Ginsburg khoác lên mình căn cước là người nữ với vị trí của một sinh viên, một người mẹ, khi đi làm và thực hiện ước mơ ở một đất nước mà nữ giới không có tiếng nói. 

Trong bữa tiệc chiêu đãi chào chín sinh viên nữ, ông hiệu trưởng hỏi các cô vì sao có mặt ở đây và chiếm một ghế ở Harvard mà đáng ra thuộc về một người đàn ông. Ở một tiết học của môn hợp đồng pháp luật đại cương, một vị giáo sư khác cố tình ngó lơ cánh tay xin được trả lời câu hỏi của cô, bất chấp các sinh viên nam khác trả lời không được.

Khi Ginsburg “giành” được quyền nói, tất cả cười cợt, miệt thị, đầy xúc phạm. Cầm tấm bằng tốt nghiệp hạng nhất đi xin việc, không có nơi nào thuê. Tất cả chỉ vì Ginsburg là một phụ nữ, một người mẹ, một người Do Thái. Tuyệt vọng, cô quyết định bỏ giấc mơ luật sư của mình để đi dạy, nói về quyền bình đẳng một cách “sách vở” và trở thành “bình hoa” bên cạnh chồng trong các bữa tiệc.

Quyền công dân giống như bánh kẹo được quan tòa ban phát?

Sau một cuộc tranh luận rất gay gắt với cô con gái Jane, và Martin đưa cho cô một vụ liên quan đến việc Sở Thuế vụ từ chối một người đàn ông tên Charles Moritz một khoản khấu trừ thuế, để thuê một y tá chăm sóc người mẹ tàn tật của mình, ước mơ cũ của Ginsburg trỗi dậy. Cô muốn đưa vụ này ra tòa, nó sẽ trở thành tiền lệ, để những vụ khác dựa vào, nhằm đánh đổ cả hệ thống phân biệt mà cô gọi là “chết tiệt” kia. 

Ginsburg đi tìm một trong những luật sư vĩ đại nhất nước Mỹ Miss Kenyon, để hỏi về một vụ phân biệt giới mà trước đó, bà này từng đưa ra tòa nhưng thua cuộc. Nhưng Miss Kenyon đã dội một gáo nước lạnh: “Sẽ không tìm thấy công lý trong phòng xử án”, “Sai lầm của chúng ta là nghĩ mình đã thắng. Chúng ta bắt đầu hỏi xin, “Làm ơn”, như thể quyền công dân giống như bánh kẹo được quan tòa ban phát”…

Song, tòa án sẽ không bị ảnh hưởng bởi thời tiết trong ngày; nhưng sẽ chịu tác động bởi bối cảnh thời đại - thầy Freund nói vậy. Và như thế, luật pháp không có hồi kết. Nó đã và sẽ luôn là một tác phẩm đang được viết tiếp. Ginsburg, với sự đồng hành của chồng và những người bạn đã chọn cách viết tiếp.

On the Basis of Sex dồn nén ở những phân cảnh cuối cùng - khi vụ kiện Sở Thuế vụ được đưa ra tòa án liên bang. Bảo thủ hay cấp tiến, đều được bộc lộ hết qua những diễn ngôn mà các nhân vật trong phim đưa ra trước tòa. Cuộc đụng độ giữa hai hệ tư tưởng, hai hệ giá trị cũ - mới, căng thẳng, hồi hộp, kịch tính.

Ginsburg tìm thấy tiếng nói thầm thì bên trong mình. Ginsburg đã bắt đầu trở nên “khét tiếng”. Dẫn ra những trường hợp nữ giới trong lịch sử mà tiếng nói của họ bị bóp nghẹt, Ginsburg đã có một màn tranh biện thẳng thừng, đanh thép về “thay đổi xã hội cấp tiến”. Màn tranh biện hơn bốn phút lịch sử, Ginsburg đã để lại một diễn từ khai phóng về quyền bình đẳng của con người trước một nước Mỹ tự đắc với những giá trị Mỹ được thiết lập và quản trị bởi nam giới.

Nhưng Ginsburg không yêu cầu xóa bỏ gần một thế kỷ tiền lệ, cô chỉ xin đặt ra một tiền lệ mới, giống như những tòa án đã làm trước đó, khi luật pháp đã lỗi thời. Cô cũng không yêu cầu những người ngồi đó thay đổi đất nước. Bởi, nó đã diễn ra mà không cần đến sự cho phép của tòa. Vượt lên khỏi những định kiến thường nhật, On the Basis of Sex cho phép khán giả muốn nhiều hơn một kết quả của một câu chuyện còn rất nhiều dang dở - cho tới tận ngày nay, khi nguyên mẫu của bộ phim trút hơi thở cuối cùng vào ngày 18/9 - thì sự truy nguyên và kiến giải về thân phận con người vẫn còn đó. 

Sarah Grimke từng nói: “Tôi không xin đặc ân nào cho giới tính của tôi. Tôi chỉ thỉnh cầu những người anh em hạ bàn chân trên cổ chúng tôi xuống”. Và Ruth Bader Ginsburg - biểu tượng văn hóa của thời đại này đã để lại cho chúng ta một thông điệp, mà chỉ có chúng ta mới tự “cởi trói” được cho chúng ta. 

Trailer On the Basis of Sex:

 

 

Cốc Vũ

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI