Bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực: Nam giới cần đi đầu!

28/11/2022 - 06:16

PNO - Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2022 (từ ngày 15/11 - 15/12) đang diễn ra tại TPHCM với nhiều hình thức.

 Để có bình đẳng giới thực sự thì nam giới phải thay đổi nhận thức và đi đầu nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, cũng như phòng ngừa, ứng phó bạo lực trên cơ sở giới.

Cần xóa bỏ những quan niệm sai

Tại buổi tọa đàm “Chia sẻ vai trò của nam giới trong phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới” được Hội LHPN quận Gò Vấp tổ chức chiều 23/11, ông T.S.T. - ngụ phường 6 - chia sẻ: “Tôi từng phải ly hôn vì bị vợ bạo hành cả thể xác lẫn tinh thần. Khó có thể tin, một người đàn ông lại có thể bị vợ bạt tai, ném đồ đạc vào người… Nhưng tôi đều trải qua hết. Khi mọi chuyện đã qua, tôi không hề trách móc, phiền hà, mà ngược lại tôi học được nhiều và biết trân trọng hạnh phúc gia đình hiện tại của mình, vợ chồng biết yêu thương, tôn trọng và chia sẻ mọi chuyện với nhau. Tôi nhận ra, từ phía mình đã không có sự cảm thông, chia sẻ với vợ. Khi có mâu thuẫn, tôi và cô ấy chưa biết cách dung hòa, nhẫn nhịn, để cơn nóng giận chi phối khiến chúng ta mắc sai lầm, gia đình đã không thể hàn gắn lại được”. 

 Tại quận Gò Vấp, cánh mày râu hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới
Tại quận Gò Vấp, cánh mày râu hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới

Ông Nguyễn Văn Tính - Phó phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM - khẳng định: “Bạo lực gia đình không chỉ có bạo lực về thể xác mà còn là bạo lực về tinh thần, tình cảm. Nam giới chúng ta mỗi người nên tự hỏi ta đã và sẽ làm gì để góp phần phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới?”. Và ông đề nghị: “Chúng ta hãy thử một lần, khi đi làm về thấy vợ nấu cơm, lau nhà thì hãy thử làm việc đó thay vợ. Khi ấy, ta sẽ thấy vợ mình đã vất vả và giỏi giang như thế nào”. 

Ông Đ.D.H. (phường 13, quận Gò Vấp) đồng tình: “Mọi việc trong nhà từ nấu cơm, rửa chén, lau nhà, vệ sinh máy lạnh, máy giặt… tôi đều biết làm. Tôi nghĩ tất cả nam giới đều phải được học và biết làm việc nhà để vợ chồng có thể chia sẻ cùng nhau. Phụ nữ hiện nay không chỉ quanh quẩn chuyện bếp núc mà cũng đi làm ngoài xã hội, thậm chí là làm kinh tế rất giỏi để san sẻ gánh nặng với người đàn ông. Vậy hà cớ gì chúng ta vẫn giữ quan niệm xưa cũ: việc nhà là của vợ!”. 

Các ý kiến nhìn nhận, trong quan hệ vợ chồng vẫn rất cần sự chia sẻ, thấu hiểu và tôn trọng lẫn nhau. Nếu chẳng may có bất hòa, cả hai phải biết gạt bỏ cái tôi của mình, biết lắng nghe và trao đổi vấn đề cùng nhau, vợ nói chồng nghe, chồng nói vợ nghe. Đổi lại, phụ nữ - người vợ cũng cần biết chọn thời điểm để nhắc nhở chồng. Hãy tôn trọng các mối quan hệ xã hội, bạn bè, công việc của nhau. Ví dụ, nếu chồng có lỡ nhậu say thì đừng vội trách móc, hãy đợi lúc tỉnh táo mà góp ý nhẹ nhàng. Trong quan hệ ứng xử giữa vợ - chồng, nếu có lỡ lớn tiếng hoặc có thói quen hay càm ràm thì phải biết kiểm soát lời nói, tránh làm tổn thương, gây xúc phạm hay thách thức, “châm dầu vào lửa”. Những chuyện nhỏ nhặt, không đáng thì cho qua, không nên quá xét nét làm mất hòa khí gia đình. 

Bình đẳng giới không phải là “chúng ta nói, chúng ta nghe”! 

Tại buổi tọa đàm, nhiều giải pháp phòng chống bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới được đề cập. Các ý kiến đều mong mỏi làm sao cho những buổi tọa đàm về bình đẳng giới không dừng lại “chúng ta nói, chúng ta nghe” mà phải được nhiều người cùng nghe, cùng hành động. Muốn thế, phải tăng cường thông tin tuyên truyền xuống từng khu phố, tổ dân phố và đến từng gia đình, nhất là các khu nhà trọ. Hình thức tuyên truyền cũng phải được thay đổi bằng hình ảnh, video, các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao…

 Nhiều ý kiến chia sẻ của nam giới tham gia phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới
Nhiều ý kiến chia sẻ của nam giới tham gia phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới

Ngoài ra, để lan tỏa những điều tốt đẹp, các câu lạc bộ xây dựng gia đình hạnh phúc nên lôi kéo, kết nạp những gia đình chưa hạnh phúc vào các hoạt động.

Ông Lê Khánh Lương - Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: 

Cần sự vào cuộc đồng bộ của báo chí truyền thông 

Trong lĩnh vực bình đẳng giới, truyền thông được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm để triển khai thực hiện các chính sách và giải pháp quan trọng nhằm nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi, góp phần xóa bỏ định kiến, tiến tới bình đẳng giới thực chất. Những năm qua, các cấp ngành, địa phương, đã có nhiều cố gắng trong công tác truyền thông bình đẳng giới, tạo ra những hiệu ứng tích cực, thu hút sự quan tâm chung tay hưởng ứng của người dân, cộng đồng, góp phần rút ngắn khoảng cách giới trong hầu hết các lĩnh vực. Thế nhưng, bình đẳng giới nói chung và công tác truyền thông về bình đẳng giới trong thời gian qua vẫn còn những tồn tại, hạn chế, mới tập trung vào một số thời điểm trong năm; hình thức, công nghệ chưa phong phú; nội dung chưa chuyên sâu... Cần nhìn nhận, việc phấn đấu đạt được mục tiêu bình đẳng giới là một quá trình lâu dài và đòi hỏi phải có nhiều nỗ lực cả trong việc ban hành và tổ chức thực hiện chính sách nhằm đảm bảo mọi người dân được tham gia, đóng góp và thụ hưởng một cách công bằng các thành quả của sự phát triển kinh tế - xã hội mang lại. Để làm được điều này, cần sự tham gia, vào cuộc một cách đồng bộ của các cơ quan, tổ chức và mọi người dân, đặc biệt là các cơ quan truyền thông và đội ngũ các nhà báo. 

Quốc Ngọc (ghi)

Mỗi buổi sinh hoạt phải tổ chức được sân chơi cho tất cả các thành viên, có vợ chồng, con cái để tạo sự gắn kết. Đối với nam nữ thanh niên trong độ tuổi kết hôn phải được học các kiến thức tiền hôn nhân. Mặt khác, cần nâng cao vai trò của hội phụ nữ, cán bộ hội, chi tổ hội, tổ hòa giải cộng đồng; tăng cường phối hợp giữa hội với các đoàn thể khác, cảnh sát khu vực, khu phố, tổ dân phố để nắm bắt tình hình đời sống người dân, kịp thời can ngăn khi có chuyện bất hòa, tránh để xảy ra bạo lực. Khi xảy ra bạo lực phải có sự vào cuộc cùng lúc của các cơ quan và phải được xử lý nghiêm. 

Tại buổi tập huấn lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong hoạt động do Hội LHPN TPHCM tổ chức ngày 24/11, tiến sĩ

Trần Thị Thu Hiền - Phó trưởng Khoa Giới và Phát triển, Học viện Phụ nữ Việt Nam - cho rằng: “Nhìn nhận bạo lực gia đình là hệ quả của mâu thuẫn hay nóng giận là cách nhìn phiến diện, thiếu chính xác. Nguyên nhân sâu xa là bất bình đẳng về quyền lực, là định kiến giới”.  

Với chủ đề “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới”, Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2022 (từ ngày 15/11 - 15/12) đang được tổ chức với nhiều hình thức truyền thông, hướng đến nhiều nhóm đối tượng. Tại buổi lễ phát động này, bà Trịnh Thị Thanh - Phó chủ tịch Hội LHPN TPHCM - kêu gọi: “Mỗi cá nhân, mỗi gia đình và toàn xã hội hãy tích cực hành động ngăn chặn và lên tiếng tố giác các hành vi bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em. Hãy hành động vì cộng đồng an toàn, bình đẳng, không bạo lực, xâm hại; cùng nhau hướng đến một xã hội không còn bất bình đẳng giới; tất cả phụ nữ và trẻ em gái cần xóa bỏ mặc cảm, tự ti bản thân, tự mình phấn đấu trong học tập, lao động, tiếp thu kiến thức, kỹ năng để tự bảo vệ mình. Phụ nữ và trẻ em gái hãy dũng cảm lên tiếng khi bị xâm hại, bạo lực, phân biệt đối xử; nam giới cần tiên phong thúc đẩy bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó bạo lực trên cơ sở giới”. 

Ngay sau phát động, hội LHPN các quận huyện, thành phố Thủ Đức đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng thiết thực. 

Song An

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI