UN Women cho biết, họ chọn chủ đề này trong năm nay nhằm tôn vinh những nỗ lực to lớn của phụ nữ và trẻ em gái trên khắp thế giới trong việc định hình một tương lai bình đẳng hơn và đưa thế giới phục hồi sau đại dịch COVID-19.
|
Chủ đề ngày 8/3/2021: “Phụ nữ lãnh đạo: Tiến tới đạt được bình đẳng giới trong bối cảnh đại dịch COVID-19” - Ảnh: UN WOMEN |
Như chúng ta đã biết, trong năm 2020, phụ nữ là giới đứng ở tuyến đầu của cuộc khủng hoảng COVID-19. Họ là nhân viên y tế, người chăm sóc, nhà tổ chức cộng đồng và là một số nhà lãnh đạo quốc gia đi đầu trong công cuộc chống lại đại dịch. Cuộc khủng hoảng dịch bệnh không chỉ khiến những đóng góp của họ trở nên nổi bật mà còn cho thấy những gánh nặng không cân xứng họ phải gánh vác trong năm qua.
Đây cũng là chủ đề ưu tiên trong phiên họp thứ 65 của Liên Hiệp Quốc về địa vị của phụ nữ, mong muốn dành năm 2021 để tôn vinh việc “phụ nữ đã tham gia đầy đủ và hiệu quả trong các hoạt động xã hội cũng như xóa bỏ bạo lực, tiến đến đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái”. Cụ thể, trong năm nay, chiến dịch kêu gọi nâng cao quyền ra quyết định của phụ nữ trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, quyền được trả công bình đẳng, chia sẻ bình đẳng về các dịch vụ y tế miễn phí và công việc gia đình, chấm dứt mọi hình thức bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái…
Những nhà lãnh đạo nữ tỏa sáng trong đại dịch COVID-19
Trước hết, nổi bật trong năm qua là các nhà lãnh đạo nữ. Từ Đức, New Zealand, Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy… các nhà lãnh đạo nữ đều được đánh giá cao trong việc đối phó với dịch COVID-19. Tài năng lãnh đạo, sự mềm mại nhưng quyết liệt trong việc xử lý hiệu quả đại dịch đã khiến những quốc gia kể trên ít chịu ảnh hưởng của dịch bệnh nhất trên thế giới.
|
Nữ Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern được ca ngợi nhiều trong năm qua khi bà đã nhanh chóng hành động ứng phó với đại dịch COVID-19 - Ảnh: REUTERS |
Thủ tướng Đức Angela Merkel đã sớm cảnh báo rằng vi-rút SARS-CoV-2 rất nguy hiểm và có thể ảnh hưởng đến 70% dân số. Bà từng nhấn mạnh: "Nó rất nghiêm trọng. Vì vậy hãy nghiêm túc”. Đến nay, tỷ lệ tử vong ở Đức khá thấp so với các nước láng giềng châu Âu khác.
Một ví dụ về lãnh đạo nữ điển hình trong đợt dịch COVID-19 khác là bà Thái Anh Văn ở Đài Loan. Từ tháng 1/2020, khi dịch bệnh mới xuất hiện, bà đã ban hành 124 biện pháp nhằm ngăn chặn đại dịch. Các biện pháp của bà được đài CNN đánh giá là tốt nhất thế giới. Hiện Đài Loan chỉ có chín ca tử vong.
Nữ Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cũng được ca ngợi nhiều trong năm qua khi bà nhanh chóng hành động ứng phó với COVID-19 từ khi nước này chỉ mới có sáu ca bệnh. Bà yêu cầu cách ly tất cả những người nhập cảnh vào nước này, sau đó cấm hoàn toàn người nước ngoài vào New Zealand. Sự rõ ràng và quyết đoán của bà đã cứu New Zealand khỏi cơn bão COVID-19 với chỉ 26 ca tử vong, một con số khá khiêm tốn so với toàn cảnh đại dịch trên thế giới.
Mặc dù vậy, chúng ta thấy tỷ lệ lãnh đạo là phụ nữ trên thế giới hiện còn rất ít. Hiện chỉ có 20 phụ nữ là người đứng đầu Nhà nước và Chính phủ ở các quốc gia, lãnh thổ trên toàn thế giới.
Tiến đến bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực gia đình
Bên cạnh việc chống dịch COVID-19, các vấn đề liên quan đến phụ nữ và bình đẳng giới cũng tạo dấu ấn rất lớn trong năm qua.
Vào tháng 10/2020, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc và UN Women, các nhà lãnh đạo thế giới đã cùng nhau tổ chức lễ kỷ niệm 25 năm Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh, lộ trình toàn diện nhất để thúc đẩy bình đẳng giới. Tại lễ kỷ niệm, hơn 100 quốc gia đã cam kết thực hiện các hành động cụ thể nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái. Cụ thể, các nước cam kết xóa bỏ phân biệt đối xử, chuẩn mực xã hội và định kiến giới, từ đó tiến đến bình đẳng giới, cải thiện cuộc sống của phụ nữ và trẻ em gái.
Một bước tiến khác trong công cuộc tiến đến bình đẳng giới là việc Sierra Leone đã cùng với Úc, Anh, Na Uy và New Zealand công khai cam kết trả lương thưởng bình đẳng cho các cầu thủ bóng đá nữ và nam. Tương tự như vậy ở Brazil, các tuyển thủ nữ sẽ được trả lương giống như các tuyển thủ quốc gia nam trong giai đoạn chuẩn bị và các trận đấu.
Hiện nay, tỷ lệ chênh lệch lương theo giới trên toàn cầu là 16%, nghĩa là thu nhập của lao động nữ chỉ đạt 84% so với thu nhập của nam giới. Đối với phụ nữ gốc Á, Phi, Mỹ Latinh, phụ nữ nhập cư và phụ nữ có con, sự chênh lệch còn lớn hơn.
Vấn đề chống bạo lực gia đình cũng được thúc đẩy quyết liệt ở nhiều nơi trên thế giới.
|
Tháng 9/2020, Kuwait đã ban hành luật mới về bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái khỏi bạo lực gia đình - Ảnh: KUNA |
Vào tháng 9/2020, Kuwait đã ban hành luật mới về bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái khỏi bạo lực gia đình. Luật này cho phép lập một ủy ban quốc gia để đề ra các chính sách chống bạo lực gia đình và bảo vệ phụ nữ, đặt ra việc thiết lập các nhà tạm trú và đường dây nóng để tiếp nhận các khiếu nại về bạo lực gia đình. Những địa chỉ này sẽ cung cấp dịch vụ tư vấn và hỗ trợ pháp lý cho phụ nữ, đồng thời bảo vệ khẩn cấp để ngăn những kẻ lạm dụng tiếp xúc với nạn nhân của họ.
Được biết, trong năm qua, khi đại dịch COVID-19 lan rộng trên khắp thế giới, tình trạng bạo lực đối với phụ nữ đã tăng đột biến. Số lượng cuộc gọi đến đường dây trợ giúp tăng lên gấp năm lần ở một số quốc gia trong những tuần đầu tiên của đợt bùng phát dịch. Một số khảo sát cho thấy, cứ ba tháng thực hiện giãn cách xã hội lại có thêm 15 triệu phụ nữ bị bạo hành. Do đó, việc đưa vấn đề xóa bỏ bạo lực gia đình thành một trong những mục tiêu hàng đầu năm nay được xem là hoàn toàn đúng đắn.
Để ngày càng nâng cao quyền, tận dụng đầy đủ tiềm năng lãnh đạo của phụ nữ trong việc chuẩn bị và ứng phó với đại dịch, các quan điểm của phụ nữ và trẻ em gái cần được lồng ghép trong việc xây dựng, thực hiện chính sách, chương trình ở tất cả các lĩnh vực và vào tất cả các giai đoạn của đại dịch, từ đó giúp phụ nữ ổn định cuộc sống, phục hồi sau những hậu quả kinh tế xã hội nặng nề mà đại dịch COVID-19 gây ra.
Tú Quyên