Chiều 26/2, UBND TP.HCM tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược quốc gia và chương trình hành động của thành phố về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ, sơ kết 4 năm thực hiện đề án phòng ngừa ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Bên cạnh nhiều thành quả, thành phố còn được tổ chức Phụ nữ Liên Hiệp Quốc (UN Women) ghi nhận và xếp thứ 27 trong số 30 thành phố có “Sáng kiến thành phố an toàn và không gian công cộng an toàn với phụ nữ và trẻ em” trên toàn thế giới. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại và thách thức.
Thông tin, dữ liệu còn nhiều bất cập
Ông Trần Ngọc Sơn - Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB & XH) TP.HCM - chỉ ra những tồn tại, thách thức trong thực thi Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới. Cụ thể, một số chỉ tiêu, mục tiêu còn khó triển khai trong thực tế do chưa có hướng dẫn chuyên môn và chỉ đạo thống nhất từ bộ, ngành trung ương; một số mô hình thí điểm chỉ dừng lại bề nổi, chưa giải quyết căn cơ các vấn đề trọng tâm.
Ví dụ, việc lồng ghép giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động còn nhiều bất cập, thiếu sự chỉ đạo thống nhất; thông tin dữ liệu tách biệt về giới tính chưa được thống kê một cách đầy đủ; dữ liệu cấp phép cho doanh nghiệp không yêu cầu thống kê về giới. Bên cạnh đó, hệ thống dữ liệu của bảo hiểm xã hội thành phố và quận, huyện cũng không phản ánh được tình hình tham gia và thụ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế của lao động trong các ngành, lĩnh vực.
Trong trường hợp lao động nữ ít được tiếp cận và thụ hưởng các chính sách liên quan đến bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, nguy cơ thành phố sẽ phải bỏ ra khoản chi rất lớn cho an sinh xã hội để hỗ trợ khi họ ốm đau, thai sản, tai nạn nghề nghiệp, trợ cấp mất việc…
Bình đẳng giới trong lĩnh vực văn hóa, thông tin cũng còn nhiều thách thức, các hành vi xuất bản các ấn phẩm, sản phẩm thông tin có định kiến giới chưa bị xử lý. Phụ nữ và em gái trong cùng điều kiện có thể gặp nhiều trở ngại hơn so với nam giới và trẻ em trai trong việc tiếp cận các hoạt động văn hóa, truyền thông...
Trong lĩnh vực y tế: tỷ số giới tính khi sinh ở nhiều nơi còn được coi là vấn đề chuyên môn của ngành y tế. Thông tin, kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho trẻ vị thành niên và thanh niên thường chưa đáp ứng được nhu cầu đặc thù của giới. Cha mẹ, đặc biệt là người cha, chưa được trang bị kiến thức và kỹ năng phù hợp để nói chuyện với con ở tuổi vị thành niên và thanh niên về tình dục an toàn…
Việc xây dựng thành phố an toàn với phụ nữ và trẻ em, Trung ương chưa hướng dẫn cụ thể tiêu chí đánh giá, đo lường nên khó khăn trong việc triển khai thực hiện.
Việc thu thập, xử lý và báo cáo thông tin, dữ liệu và số liệu tách biệt về giới tính trong lĩnh vực gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình giữa các ngành văn hóa và thể thao và số liệu của tòa án, cơ sở y tế, công an, tư pháp… chưa thống nhất cũng ảnh hưởng đến dự báo tình hình để có giải pháp phù hợp triển khai các hoạt động liên quan đến gia đình.
Ông Trần Ngọc Sơn trăn trở: “Cơ chế phối hợp liên ngành, liên lĩnh vực về bình đẳng giới gặp khó khăn, bất cập, bởi vẫn còn quan điểm coi việc thực hiện bình đẳng giới là... trách nhiệm của ngành LĐTB & XH!”.
Trăn trở của ông Sơn được các đại biểu đồng cảm. Thạc sĩ Lê Thị Thanh Nhã - nguyên Phó phòng Gia đình, Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM - cho biết, vẫn còn định kiến xã hội về thực thi bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ. Trách nhiệm vẫn đổ dồn lên một số người có trách nhiệm và điều này là không ổn. “Càng không ổn khi nam giới tham gia quá ít vào các hoạt động bình đẳng giới, phòng ngừa bạo lực trên cơ sở giới. Chúng tôi cần sự “chia lửa” từ các anh, từ toàn xã hội” - bà Đoàn Thị Tú Linh - Phó phòng LĐTB & XH TP.Thủ Đức - khẳng định.
Nam giới ở Q.10, TP.HCM tham gia các hoạt động tuyên truyền, phòng ngừa bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái. Ảnh: Hoài An
Ông Võ Văn Hoan - Phó chủ tịch UBND TP.HCM, Trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ TP.HCM - khẳng định, vấn đề bình đẳng giới cần có sự quan tâm, chỉ đạo và vận hành đồng bộ của từng ngành, từng lĩnh vực và ngay cả trong từng hộ gia đình nhằm phối hợp trong tham mưu, triển khai và giải quyết một cách căn cơ tình trạng bất bình đẳng về giới, đảm bảo cuộc sống của mọi thành viên được an toàn, bình đẳng và hạnh phúc.
Ông Hoan cho rằng, bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ, phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới sở dĩ còn nhiều thách thức là do những trở ngại ngay trong nhận thức. Sự “đơn độc” của ngành LĐTB & XH và của những người “có trách nhiệm vì được giao trách nhiệm” trong lĩnh vực này là có thật. Bởi vậy, cần một nhận thức mới hơn, hành động trong mỗi chúng ta về công tác này.
Ông Hoan chỉ ra những việc cần làm ngay sau hội nghị như là một kế hoạch 5 năm với những công việc cụ thể để thực thi các nhiệm vụ, chỉ tiêu. Trong đó, phải kiện toàn Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ, tăng tỷ lệ nam giới tham gia; nhân rộng các mô hình nam giới tham gia phòng, chống bạo lực. Cần phải thống kê được các con số chính xác, khoa học. Lập đường dây nóng về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, không để tình trạng không thể thống kê số liệu.
Các cấp Hội Phụ nữ TP.HCM tham gia bảo vệ phụ nữ và trẻ em hiệu quả
Từ năm 2017 đến 30/10/2020, các cấp Hội LHPN TP.HCM tiếp nhận 190 trường hợp phụ nữ, trẻ em bị xâm hại tình dục, bị bạo lực gia đình, bị bỏ rơi, bị bóc lột, bị giết hại, kết quả có 80/190 vụ việc được thụ lý giải quyết, đưa ra xét xử, 110 vụ việc đang giải quyết.
Với nhiều giải pháp, các cấp Hội tại TP.HCM đã tham gia có hiệu quả công tác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em; đã thực hiện giám sát các cơ quan chức năng giải quyết các vụ việc liên quan; phối hợp với các đơn vị liên quan để tham gia can thiệp, hỗ trợ nạn nhân khi cần… Ngoài ra, Hội cũng phân công luật sư tham gia hỗ trợ pháp lý, theo dõi tiến độ giải quyết. Với các vụ việc phức tạp, Hội chủ động làm việc với cơ quan công an để nắm bắt thông tin vụ việc được đầy đủ, chính xác.
Thiếu hụt cán bộ nữ ở những vị trí quan trọng
Đại diện Sở Nội vụ TP.HCM cho biết, trong nhiệm kỳ 2016 - 2021, tỷ lệ các ứng viên nữ của thành phố trúng cử đại biểu Quốc hội là 9/30 (đạt tỷ lệ 30%), đại biểu HĐND thành phố là 46/105 (43,81%), đại biểu HĐND cấp quận/huyện là 371/943 (39,43%), đại biểu HĐND phường/xã/thị trấn là 3.751/9.310 (40,29%).
Đối với các sở, ngành: thủ trưởng đơn vị đa số là nam, chỉ 3 đơn vị có thủ trưởng nữ là Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư và Ban Quản lý an toàn thực phẩm. Một số sở, ngành chưa có lãnh đạo là nữ như Sở Y tế, Sở LĐTB & XH, Sở Xây dựng, Thanh tra thành phố…
Ở các quận/huyện: có 2/24 quận/huyện có chủ tịch UBND là nữ (8,33%), 4/24 quận/huyện không có nữ trong thường trực ủy ban (16,66%).
Đối với UBND phường/xã/thị trấn: có 89/322 chủ tịch UBND là nữ (24,64%), 57/322 đơn vị không có nữ trong thường trực ủy ban (17,7%).
Về tổng thể, tỷ lệ nữ đảm nhiệm vị trí chủ chốt tại UBND các cấp của thành phố có tăng nhưng chủ yếu tăng ở cấp xã, cấp thấp nhất trong bộ máy chính quyền. Tuy nhiên, vẫn còn 57/322 (tỷ lệ 17,7%) phường/xã/thị trấn chưa có nữ lãnh đạo chủ chốt.
Khảo sát thực trạng nữ quản lý, nữ lãnh đạo và nữ trong diện quy hoạch các cấp được Sở Nội vụ thực hiện vào năm 2012 và 2017 cho thấy, tỷ lệ nữ trong hệ thống chính trị đã tăng trong những năm gần đây, nhưng tỷ lệ nữ trong các vị trí quản lý cấp trưởng vẫn ở mức thấp, đại đa số ở vị trí cấp phó. Vì vậy, nữ giới tham chính dù có tiếng nói nhưng không quyết định. Vẫn còn một số sở, ngành chưa có lãnh đạo nữ; tỷ lệ nữ được quy hoạch vẫn thấp hơn so với nam, đặc biệt ở vị trí cấp cao và ở một số lĩnh vực thuộc chuyên ngành kỹ thuật.
Sự thiếu hụt cán bộ nữ ở một số vị trí quan trọng khiến việc hoạch định chính sách thiếu tiếng nói đại diện của nữ giới.
Chương trình chăm lo Tết Nguyên đán Ất Tỵ vừa được Hội LHPN TP Thủ Đức (TPHCM) khởi động vào sáng 30/12 với ngày hội “Xuân yêu thương - Tết nghĩa tình”.
Ngày 23/12,Hội LHPN tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành Hội LHPN tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026; tổng kết hoạt động, phong trào phụ nữ năm 2024.