Bình đẳng giới nhìn từ chuyện 'đùi gà' và 'nước cam'

08/03/2020 - 09:07

PNO - Hai phụ nữ ly hôn chồng, hoàn toàn không phải vì lý do “đùi gà” và “nước cam”. Những nguyên nhân sâu xa hơn ẩn chứa từ sự ích kỷ của người chồng khi sống trong một môi trường giáo dục kiểu “đùi gà” và “nước cam”.

Khi sự ích kỷ mặc nhiên được thừa nhận

Một cô bạn thân học cùng trung học với tôi sau khi lấy chồng được vài năm, nhân một lần tụ tập, cô có vẻ đầy bức xúc và kể chuyện về bữa ăn ở gia đình nhà chồng thế này.

Mỗi lần, khi ăn một con gà, con gà đó được chia ra làm nhiều phần và thường thì hai cái đùi sẽ được dành cho bố chồng và chồng, tiếp theo là những bộ phận của con gà kém ngon hơn một chút sẽ dành cho bà mẹ và những đứa cháu, sau nữa sẽ là người chị chồng, phần còn lại những miếng xấu xí nhất thuộc về cô và Ô-sin. 

Phụ nữ ngày nay da số hụt hơi giữa việc nhà, chăm sóc son và công việc xã hội. Ảnh minh hoạ
Phụ nữ ngày nay da số hụt hơi giữa việc nhà, chăm sóc son và công việc xã hội. Ảnh minh hoạ

Cô có vẻ lúng túng đến khổ sở khi kể lại câu chuyện đó và thanh minh rằng, không phải cô kỳ kèo gì về miếng ăn ở giữa thế kỷ XXI này nhưng rõ ràng cách đối xử không công bằng như vậy làm cô rất ức chế.

Bởi gia cảnh nhà bạn tôi hoàn toàn không có chút gì tương tự với bối cảnh trong các truyện ngắn của Nam Cao và Nguyễn Công Hoan, hơn nữa chồng cô còn sở hữu tới ba chiếc xe hơi và khá nhiều bất động sản. 

Tôi cũng từng nghe nhiều người bạn khác phàn nàn về cách phân biệt đối xử như vậy. Thậm chí có bà mẹ chồng pha một ly nước cam, điềm nhiên đưa cho con trai trước mặt con dâu, coi như đó là thông lệ. Cách đây hai năm, tôi lần lượt nghe tin hai cô bạn này đã ly hôn chồng, hoàn toàn không phải vì lý do “đùi gà” và “nước cam”. Những nguyên nhân sâu xa hơn ẩn chứa từ sự ích kỷ của người chồng khi sống trong một môi trường giáo dục kiểu “đùi gà” và “nước cam” như vậy từ tấm bé. 

Những câu chuyện tưởng chừng cỏn con ấy đầy rẫy trong cuộc sống hằng ngày. Đôi khi, tôi phải chứng kiến một phụ nữ vì say xe, đề nghị đồng nghiệp đổi chỗ gần trên cabin mà anh ta, một trí thức cổ cồn trắng, nhất định khăng khăng không đổi, chỉ vì đã… ngồi quen chỗ rồi, mới đâm ra ngẫm nghĩ về một nền giáo dục không chỉ tồn tại trong sách giáo khoa.

Có thể nhiều người cho rằng, những câu chuyện trên đây không phải là hiếm song cũng không quá phổ biến. Nhưng nếu để ý, ta sẽ dễ dàng nhìn thấy cảnh một bà già hay một phụ nữ bụng mang dạ chửa đứng khổ sở giữa nơi công cộng mà không có bất kỳ đấng mày râu nào có ý định nhường chỗ. Trong những bàn tiệc gia đình hay cơ quan, phụ nữ nghiễm nhiên “được quyền” mở rượu rót bia hay phục vụ đồ ăn, điều sẽ ngược lại hoàn toàn ở những nước phương Tây. 

Một lần trên giảng đường, tôi có hỏi vui các sinh viên cả nam lẫn nữ về những tình huống giao tiếp. Kết quả 100% sinh viên nam mù mờ về những tình huống đơn giản nhất. Thậm chí các em còn cho rằng khi vào cửa nam nên vào trước để… dẫn đường, còn khi lên cầu thang, nếu phụ nữ mặc váy, đàn ông nên đi sau để đề phòng nữ… bị ngã.

Các tác phong bình thường như nhường cho phụ nữ và người lớn tuổi vào thang máy hay lên xe buýt trước, kéo ghế ngồi và phục vụ đồ ăn trên bàn tiệc cho phụ nữ được coi là một hành động lố lăng nịnh đầm. Các sinh viên nữ cũng hết sức ngạc nhiên khi nghe thấy rằng lẽ ra nam giới phải làm như vậy.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hằng ngày, ta chẳng khó gì khi bắt gặp cảnh trong một cơ quan, phụ nữ mướt mồ hôi kê bàn ghế trong khi quý ông đồng nghiệp điềm nhiên ngồi làm việc; hay vào giờ cơm tối, các bà nội trợ cuống quýt lau nhà thổi cơm sau khi đã quần quật 8 tiếng ở cơ quan, còn các đức ông chồng ngồi thanh thản xem ti vi. 

Vì thế một số chị em nếu làm quen được anh Tây nào thì lấy làm ngạc nhiên, rồi từ ngạc nhiên đi tới cảm động và dẫn tới việc đồng ý nhanh chóng khi họ ngỏ lời cầu hôn. Tất cả những cô bạn lấy chồng Tây của tôi thường kể về điều khiến họ “yêu” nhất ở chồng họ là “ông ấy chiều vợ lắm. Khi vợ rửa bát thì ông ấy cũng làm cùng. Ông ấy giành việc chăm con, lau nhà…”. 

Ở trong cái khổ mãi cũng quen?

Rõ khổ một điều rằng phụ nữ của chúng ta hầu như chưa được đối xử như thế bao giờ, luôn đinh ninh rằng việc nhà cho dù có nặng nhọc đến đâu cũng là chuyện của phụ nữ nên khi được chia sẻ tí chút thì lấy làm cảm động, thành ra khổ quen rồi nên không biết rằng mình đang khổ.

Điều này cũng giống như trong một cuộc hội thảo về bình đẳng giới, có diễn giả nói vui rằng: “Các chị thực ra dại lắm, cứ tung hô bình đẳng giới nhưng có ngờ đâu vơ việc vào gấp đôi. Phụ nữ phong kiến chỉ phải thổi cơm, quét nhà. Nay các chị vừa phải làm thêm việc nước mà thổi cơm, quét nhà có bỏ được đâu”.

Thực ra vấn đề không phải ở chỗ công việc nhiều, mà sự bất bình đẳng chính là do nền văn hóa của hầu hết các nước châu Á quy định, thậm chí tồn tại ngay cả ở những nước tiên tiến như Hàn Quốc và Nhật Bản. Ở đây, các bé trai hầu như không được giáo dục nhiều về sự chia sẻ, bảo vệ và tôn trọng nữ giới.

Thậm chí có cậu bé mới 5 tuổi trót mang đồ chơi cho một bạn gái hàng xóm còn bị mẹ mắng rằng “sao mày ngu thế?”. Khi con trai đã lớn, các ông bố bà mẹ vẫn truyền cho con họ suy nghĩ như hàng ngàn năm trước, rằng đàn ông là đối tượng được phục vụ còn phụ nữ sinh ra là để phục vụ nam giới. 

Khái niệm này không được nói rõ thành lời, thành câu nhưng nó như một bức tường kính vô hình hằng ngày lơ lửng trên đầu mỗi gia đình. Nó thể hiện qua những việc rất nhỏ nhặt rằng quần áo của bé trai thay ra đương nhiên có mẹ, chị gái hay em gái chịu trách nhiệm giặt hộ; trong bữa ăn, bé trai không phải tự phục vụ, càng không phải phục vụ người khác. 

Cũng không nhiều bà mẹ dặn dò con trai rằng nếu thấy một bạn trai bắt nạt bạn gái trong lớp thì con phải can thiệp ngay hoặc con nên giúp đỡ các bạn gái việc nọ việc kia. 

Thực hành bình đẳng giới. Ảnh minh hoạ
Bình đẳng giới là câu chuyện rất dài.  Ảnh minh hoạ

Thôi thì cứ tự thực hành

Rất nhiều cô dâu sắp hoặc mới về nhà chồng thường được cha mẹ chồng hỏi vui rằng: “Sau này con có hầu được chồng con như mẹ hầu bố thế này không?”. Khái niệm “hầu chồng” cho đến giờ vẫn được coi là tiêu chuẩn hoàn hảo để đánh giá phẩm chất của một phụ nữ và những người phụ nữ “hầu chồng” chu đáo như thể chăm sóc một em bé thường được người xung quanh khen ngợi như một mẫu phụ nữ lý tưởng. 

Sự nhầm lẫn giữa khái niệm chia sẻ và chăm sóc lẫn nhau với “hầu hạ”, “phục vụ” có mặt ở phần lớn các gia đình Việt Nam và tràn ra cả ngoài xã hội. Trong khi đó, những đứa trẻ trai ở phương Tây ngay từ tấm bé đã được giáo dục về tác phong độc lập, sự chia sẻ và chăm sóc nữ giới mà trước hết là đối với mẹ của mình, chị em gái và các bạn nữ cùng lớp. 

Trong các cuốn sách dạy về nguyên tắc giao tiếp cũng ghi rõ từng việc nhỏ nhặt như trong các cuộc xã giao thì nam phải được giới thiệu với nữ trước, trên bàn tiệc thì phụ nữ được phục vụ đầu tiên, bắt đầu từ người lớn tuổi nhất, người có chồng được phục vụ trước người độc thân, con dâu trước con gái.

Vì vậy, khá nhiều người nước ngoài bày tỏ với tôi sự ngạc nhiên và bất bình cực độ khi họ chứng kiến một phụ nữ đang phải làm một việc gì đó trong khi đồng thời lúc ấy cũng có mặt một người đàn ông Việt Nam mà anh ta lại không tỏ thái độ giúp đỡ. 

Những nguyên tắc xã giao về sự tôn trọng phụ nữ không được đưa ra cả trong gia đình và nhà trường, vì thế trong các cuộc giao tế ở phạm vi quốc gia, quốc tế, nhiều khi mỗi người tự tìm cho mình một cách ứng xử riêng, thành ra mỗi nơi một kiểu.

Tôi vẫn còn nhớ trong một buổi nói chuyện ở Hội đồng Anh, do nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên chủ dẫn, có ba khách mời nam (trong đó có một người nước ngoài) và một khách mời nữ, tôi đã thực sự ấn tượng về cách giới thiệu khách mời của người dẫn chương trình. Ông đã tuân thủ theo đúng nguyên tắc xã giao quốc tế, đó là già trước trẻ sau, nữ trước nam sau, khách trước chủ sau. 

Để kết bài này, tôi xin kể lại một câu chuyện. Ấy là khi tôi đến một tỉnh lỵ nhỏ ở miền Bắc nước Pháp. Tôi muốn sang đường nhưng tìm mãi không thấy lối dành cho người đi bộ, đành đứng trên vỉa hè chờ lúc nào vãn xe thì sang, vả lại đường cũng rất vắng.

Bỗng nhiên, tôi thấy một chiếc xe phanh kít lại trước mặt, rồi tiếp tục những chiếc xe đi ngược chiều đang phóng với tốc độ kinh hồn cũng dừng lại theo. Tôi đang đứng ngơ ngác chưa hiểu ra sao thì bỗng một lái xe thò tay qua cửa sổ vẫy rối rít. Thì ra những chiếc xe kia dừng lại để nhường cho khách bộ hành qua đường, cho dù chỉ là một khách bộ hành duy nhất, cho dù không có tín hiệu đèn xanh đèn đỏ để họ phải bắt buộc dừng lại.

Tôi đi giữa hai hàng xe, má bỗng nóng đỏ vì ngượng, vì cảm động và cũng vì chưa quen được đối xử như thế bao giờ. 

Di Li

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
  • Kim Chi 09-03-2020 23:59:49

    Một bài viết rất hay của chị Di Li. Để thay đổi được ý thức hệ này chắc còn nhiều thời gian và đòi hỏi có sự chung tay của giáo dục nhà trường, gia đình, truyền thông,...

  • Shu 09-03-2020 07:26:00

    Phương Tây và một vài nước châu Á khác VN họ gọi đơn giản là lịch sự, còn đàn ông nước mình thì chỉ đơn giản là sống bất lịch sự quen rồi, để cải thiện thì rất khó nên hiện giờ phụ nữ VN kết hôn với người nc ngoài rất nhiều. Vì đàn ông không chịu thay đổi nên phụ nữ đành đổi thay. :D

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI