Bình đẳng giới là vấn đề toàn cầu

27/03/2017 - 13:26

PNO - Đại diện Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.HCM cho rằng, bình đẳng giới là vấn đề cần được coi trọng và nó mang tính toàn cầu chứ không riêng quốc gia hay một khu vực nào.

Ngày 24/3, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM, Hội LHPN TP.HCM, Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị TP.HCM phối hợp tổ chức chương trình giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm về thực hiện bình đẳng giới (BĐG) với đoàn lãnh sự và các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại TP.HCM. 

Binh dang gioi la van de toan cau
Bà Võ Thị Dung - Phó bí thư Thành ủy TP.HCM trao đổi với lãnh sự các nước.

Bà Võ Thị Dung, Phó bí thư Thành ủy TP.HCM cho rằng, đây là chương trình ý nghĩa, góp phần thắt chặt tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa mặt trận và các đoàn thể của TP.HCM với tổng lãnh sự các nước, qua đó vun đắp mối quan hệ truyền thống tốt đẹp, hữu nghị giữa các quốc gia với Việt Nam nói chung, với TP.HCM nói riêng. Bà khẳng định, lãnh đạo TP.HCM luôn đánh giá cao vị trí, vai trò tích cực của các tầng lớp phụ nữ (PN) trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tại TP.HCM, tỷ lệ PN tham gia vào các cơ quan chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội từ trung ương đến cơ sở ngày càng tăng.

Cụ thể, cán bộ nữ tham gia ban chấp hành đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015-2020 đạt từ 20% trở lên (tăng 3% so với nhiệm kỳ 2010-2015; nữ đại biểu Quốc hội khóa XIV tại TP.HCM đạt 30% trên tổng số đại biểu Quốc hội của TP (tăng 3,3% so với khóa XIII); TP.HCM cũng là một trong những địa phương có tỷ lệ nữ đại biểu hội đồng nhân dân các cấp cao nhất trong cả nước (bình quân chiếm tỷ lệ 40,22%)…

Chia sẻ về thực trạng BĐG hiện nay tại TP.HCM, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM, Phó trưởng ban thường trực Ban Vì sự tiến bộ PN và BĐG TP.HCM phấn khởi: “Sơ kết 5 năm (2011-2015) thực hiện Chiến lược quốc gia về BĐG tại TP.HCM giai đoạn 2011-2020, TP.HCM đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu chiến lược, những con số ấn tượng nhất phải kể đến là các chỉ tiêu về y tế, giáo dục, lao động việc làm đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra; “Tháng hành động về BĐG và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới” đã được các ngành, cấp thực hiện với nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn”. 

Theo thạc sĩ Đinh Thị Thu Trang, Phó trưởng khoa Dân vận và Công tác xã hội - Học viện Cán bộ TP.HCM, từ khi luật BĐG có hiệu lực thi hành (ngày 1/7/2007), học viện đã đưa nội dung luật vào bài giảng các lớp trung cấp lý luận chính trị, lớp chuyên viên. Trung bình mỗi năm, học viện đào tạo hơn 10.000 cán bộ, viên chức. Ban giám đốc học viện đã chỉ đạo đưa bài về BĐG vào môn dân vận và công tác xã hội, luật BĐG được lồng ghép với môn nhà nước và pháp luật. Tại học viện, việc đánh giá cán bộ, viên chức, tuyển dụng giảng viên mới đều được thực hiện trên nguyên tắc BĐG, không phân biệt đối xử. 

Phó tổng lãnh sự Thái Lan tại TP.HCM - bà Somrudee Poopornanake chia sẻ: “Chúng tôi luôn cố gắng tăng cường vị thế của PN bởi PN đóng vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế. Người Thái Lan đánh giá cao vai trò PN và chúng tôi quan tâm rất nhiều đến những PN khó khăn, khuyết tật, PN nông thôn về điều kiện lao động của họ và tìm cách cải thiện điều kiện đó”.

Tại buổi giao lưu, các đại biểu bày tỏ vui mừng vì PN Việt Nam đã và đang giữ vai trò quan trọng, giữ nhiều trọng trách, vị trí cao trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Bà Pamela Pontius, đại diện Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.HCM cho rằng, BĐG là vấn đề cần được coi trọng và nó mang tính toàn cầu chứ không riêng quốc gia hay một khu vực nào. “Chúng tôi rất coi trọng vấn đề liên quan đến PN. Tại sứ quán Mỹ, có một văn phòng chuyên tập huấn về BĐG. Chiến lược về giới của các bạn có nhiều điểm tương đồng với chúng tôi” - bà Pamela Pontius nói.

Ông Bernabe Garcia Valido, Tổng lãnh sự Cuba tại TP.HCM thông tin: “Ở Cuba, chúng tôi bình đẳng trên tất cả mọi lĩnh vực, không có sự phân biệt nào, tất nhiên bao gồm cả giới tính, màu da. Chúng tôi biết rằng PN đóng một vai trò rất quan trọng. Họ là mẹ, họ quan trọng đối với xã hội và cả với người đàn ông nữa”. 

Trong giai đoạn hội nhập quốc tế, song song với kết quả đã đạt được, vấn đề BĐG tại TP.HCM vẫn còn gặp nhiều trở ngại, thách thức. Ông Lê Minh Tấn chỉ ra rằng, tính đến cuối năm 2015, dân số TP.HCM là trên 10 triệu người, trong đó PN chiếm 52%. Là đô thị đông dân, tỷ lệ lao động nhập cư cao, trình độ dân trí không đồng đều, quan niệm và nhận thức về giới vẫn còn nhiều khác biệt, đo đó đòi hỏi phải có sự đổi mới nội dung, hình thức triển khai thực hiện BĐG.

Ông Tấn kiến nghị TP.HCM cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BĐG, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới; ưu tiên bố trí ngân sách cho việc thực hiện các mục tiêu chiến lược quốc gia về BĐG và tiếp tục bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác BĐG, vì sự tiến bộ PN ở các ngành, các cấp; triển khai thực hiện thu thập, ghi chép, thống kê số liệu liên quan giới tính trong tất cả các lĩnh vực…

Kết thúc chương trình, bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM nhấn mạnh: “BĐG là vấn đề quan trọng của xã hội ở tất cả các giai đoạn lịch sử và ở tất cả các quốc gia trên thế giới. Trong tháng Ba này, TP.HCM không chỉ có ngày Quốc tế PN 8/3, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3, mà chúng tôi còn có ngày 28/3 - ngày thành lập lực lượng Thanh niên xung phong TP.HCM, một lực lượng mà PN tự hào, tự nguyện dấn thân cùng nam giới xung kích trên mặt trận lao động sản xuất, xây dựng kinh tế mới ở các vùng đất hoang hay phục vụ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Tiếp nối bản hùng ca đó, TP.HCM sẽ tiếp tục nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia khác để thực hiện BĐG ngày càng tốt hơn. Trong buổi giao lưu hôm nay, xin nhắc lại thông điệp về BĐG vẫn còn nguyên giá trị: Nữ quyền là nhân quyền”.  

Hoài An - Mẫn Nhi 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI