Tại sao người chăm sóc luôn là nữ?
Nếu người chăm sóc bệnh luôn là nữ, và đó là đáp án “ngay và luôn” của số đông thì công cuộc đấu tranh cho bình đẳng giới còn lâu dài và đầy thử thách.
Từ bao giờ và vì đâu người phụ nữ lại được/bị giao khoán nhiệm vụ chăm sóc gia đình, gắn chặt với cái bếp? Nếu người đang mệt nhừ bởi bệnh tật đó là phụ nữ, thì cô ấy/chị ấy/bà ấy… có nhận được viên thuốc, chén cháo từ tay ai: một người đàn ông, một cậu bé trai, hay chỉ từ một phụ nữ khác?
Mong là không phải chính người phụ nữ ấy phải tự chăm sóc mình dù bên cạnh có bóng dáng người đàn ông “cuồn cuộn” cơ bắp, lại đang khá thảnh thơi trong mùa dịch.
Dễ thấy, với những cặp vợ chồng bị lây nhiễm COVID-19 và phải đi bệnh viện điều trị, hoặc cách ly, người được trưng dụng chăm con trẻ của họ ở nhà chính là “đội quân tóc dài” như cô, dì, bà ngoại, bà nội của bé, rồi mới đến ông ngoại, ông nội… Các ông được xếp vào hàng dự bị, đợi đội hình chính thức đuối sức mới tới lượt tung ra sân.
Đôi khi yếu tố giới lên tiếng đầu tiên chứ không phải bàn bạc thống nhất xem ai sắp xếp công việc dễ dàng nhất, ai thay thế phụ giúp là tốt nhất.
|
Ảnh minh họa |
Vợ chồng làm cùng công ty, khi đơn hàng ít, công ty cắt giảm nhân công, người phải giã từ công việc, tạm quay về nhà với nghề nội trợ hầu hết là người vợ.
Khi đó, nếu nói chồng hy sinh, chấp nhận gian khó để tiếp tục làm việc, gồng gánh kinh tế gia đình cũng đúng, mà nói vợ hy sinh công việc, nhường bước cho chồng cũng đúng. Tuy nhiên, lùi lại không hề là sự chọn lựa của người vợ.
Như chuyện nhà chị Kim N. (Q.5, TP.HCM). Chị sinh đôi, thiếu tháng, hai bé con chị hay mắc bệnh vặt, thuê người trông coi thì chi phí cao lại không an tâm, nên chị chấp nhận hoãn sự nghiệp riêng, ở nhà trực tiếp chăm sóc con.
Sự chọn lựa, cân nhắc là của chị N., nhưng chị còn có thể chọn gì khác hơn nếu thiếu sự choàng vai tích cực từ phía chồng và đại gia đình.
Đường sự nghiệp của chị N. sau này có được nối dài không, nếu người chồng chỉ nghĩ anh lo kinh tế và đưa tiền là vợ anh sướng nhất rồi, không tính đến nhu cầu đi làm, thỏa mãn đam mê, giao tiếp xã hội, tự tin khẳng định mình… của vợ?
Dù trong doanh nghiệp có số nhân sự nữ lớn hơn, dù chính sách của công ty thông thoáng về giới, thì tỷ lệ nữ trên chóp tháp (ban lãnh đạo) cũng thường không cao.
Phải chăng những tiêu chí đề cử tưởng rằng trung dung nhưng coi chừng có sự trùng khớp giữa “nam tính” và “lãnh đạo tính”? Phải chăng tỷ lệ khiêm tốn ấy của lao động nữ khởi nguồn từ người vợ, người chị, người con gái chấp nhận lùi lại để chu toàn thiên chức, trọng trách trong gia đình? Hoặc do định kiến “phụ nữ học cao, làm lớn mà chi”?
Điều đó dường như rất tự nhiên trong dòng chảy cuộc sống, nếu chưa soi chiếu bằng “cặp kính” bình đẳng giới.
Trong tọa đàm “Giới - văn hóa doanh nghiệp và phát triển sự nghiệp” do VGEM (Phong trào bình đẳng giới Việt Nam), Doanh nghiệp xã hội ECUE kết hợp với ASSIST (tổ chức tư vấn, điều phối các dự án trách nhiệm xã hội/bền vững của doanh nghiệp và các chương trình phát triển bền vững) cùng AIESEC (tổ chức phi chính phủ của thanh niên) tổ chức vào giữa tháng 8/2021, thạc sĩ Lê Quang Bình (Giám đốc Doanh nghiệp xã hội ECUE) nêu quan điểm:
“Chúng ta nên hỏi tại sao, chứ không nên cứ nghĩ đó là hiển nhiên. Hãy hỏi tại sao và tò mò những điều tưởng chừng như đương nhiên ấy.
Bình đẳng giới không phải là cuộc đấu tranh đòi quyền cho nữ giới, chống lại đàn ông; đó là tiến trình xóa bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội cho mọi người nhiều hơn, được là chính mình nhiều hơn”.
|
Thạc sĩ Lê Quang Bình phát biểu mở đầu buổi tọa đàm trực tuyến “Giới - văn hóa doanh nghiệp và phát triển sự nghiệp” |
Giá trị ở sự đóng góp, bất kể giới tính
Lúc nhỏ, ở Huế, bà Phạm Thị Mỹ Lệ (Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty L&A Holdings) được mẹ dẫn đến nhà người quen chơi và ngỡ ngàng trong thú vị khi thấy bác gái điềm nhiên ngồi tiếp khách còn bác trai lăng xăng phục vụ.
Những ấn tượng lạ lạ vui vui ấy dần xua đi những định kiến giới tồn tại từ xa xưa trong xã hội và ít nhiều phủ lên tâm trí của bà lúc ấy.
Khi làm công tác nhân sự, ở vị trí chủ chốt của doanh nghiệp, bà Mỹ Lệ coi trọng bình đẳng giới, không ngần ngại tuyển dụng nhân viên nữ, không thấy phiền phức khi nữ nhân viên nghỉ sinh, nuôi con nhỏ, vì khoảng thời gian hộ sản ấy sẽ được sắp xếp cho người khác bọc lót.
Bà tự hào khi công ty tạo cơ hội ngang bằng cho mọi nhân viên, phúc lợi công bằng cho mọi người và kết quả làm việc nói lên tất cả, bất kể giới tính gì. Một cơ cấu đa dạng về giới tính mang lại hiệu quả hơn hẳn chỉ thuần nữ hoặc thuần nam.
Đồng tình với bà Mỹ Lệ, bà Phan Nam Trân (Giám đốc nhân sự FrieslandCampina Việt Nam) cũng tâm đắc cơ cấu nhân sự đa dạng về giới, đa thế hệ. Sự pha trộn này giúp môi trường doanh nghiệp có màu sắc thú vị, các nhân viên bổ trợ, học hỏi nhau, tạo động lực cho nhau.
Câu chuyện về giới không cần đặt ra mà là người ấy có những đam mê, năng lực gì để góp phần vào sự vững mạnh, thịnh vượng của đơn vị.
Trong gia đình cũng vậy, giá trị của mỗi thành viên là sứ mệnh, đóng góp của họ vào sự vui vẻ, hạnh phúc, bình an, phát đạt. Bình đẳng, tôn trọng là nền tảng để đồng hành và phát triển trong gia đình cũng như nơi làm việc.
Nữ doanh nhân Nam Trân chia sẻ hình ảnh một nữ nhân viên đang lái xe nâng (công việc ngỡ rằng chỉ dành cho cánh mày râu). Dù vất vả nhưng gương mặt chị nhân viên toát ra sự vui tươi, hân hoan vì nguyện vọng học điều khiển xe nâng đã trở thành hiện thực.
Được hỏi “từng có trải nghiệm gì về định kiến giới khi luôn là… hoa lạc giữa rừng gươm”, nữ giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Khánh Diệu Hồng (Hiệu trưởng Việt Nam hệ thống Trường TH School) tươi cười chia sẻ:
“Nữ diễn viên người Anh, cô Nichelle Nichols từng nói: “Khoa học không là trò chơi của con trai, cũng không phải là trò chơi của con gái. Đó là trò chơi của mọi người”.
|
Giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Khánh Diệu Hồng trong buổi tọa đàm trực tuyến “Giới - văn hóa doanh nghiệp và phát triển sự nghiệp” |
Con gái học trường bách khoa thường bị chê là khô, không xinh và khi tiếp cận công việc cũng nhận lấy không ít ánh mắt dè dặt. Bản thân giáo sư Diệu Hồng trong lần giúp trung hòa nguồn nước nuôi tôm và hỗ trợ nhiều kỹ thuật khác từng thấy các bác nông dân chần chừ: “Tại sao tôi phải nghe theo lời… con bé nhỏ nhỏ này”.
Giáo sư Diệu Hồng đạt học vị tiến sĩ ngành hóa học ở tuổi 26, là một trong số ít người được phong danh hiệu Giáo sư ở tuổi rất trẻ - 38 tuổi.
Bỏ qua những nghi ngại ban đầu, năng lực và kinh nghiệm của “con bé nhỏ nhỏ” cũng được thể hiện đầy thuyết phục qua kết quả thực tiễn. Và hạnh phúc của nữ giáo sư cũng chính ở khát khao sống có ích: “Nếu tôi được thăng chức chỉ vì là phụ nữ thì tôi cũng không thích đâu”.
Từ nhỏ được mẹ - cũng là một giáo sư ngành hóa học - dắt theo vào phòng thí nghiệm, cô bé Diệu Hồng đã say mê nhìn mẹ đổ các chai lọ vào nhau, tạo màu sắc, bọt khí lạ mắt, kỳ bí. Có “gen” trong người nên cô bé Diệu Hồng dường như sẵn sàng cho một hành trình khám phá chân trời khoa học…
Giáo sư - tiến sĩ Diệu Hồng cho rằng nên giáo dục bình đẳng giới từ bé. Người lớn không nên mặc định nghề nào là của nam hoặc của nữ; cứ mở rộng cơ hội tìm hiểu, khám phá, lựa chọn; tạo điều kiện cho các con đến được với đam mê, phát huy tối đa năng khiếu, sở trường.
Tô Diệu Hiền