Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra những quyết sách quan trọng để phát triển đất nước nhanh và bền vững. Trong đó, tính bền vững luôn cần những chính sách liên quan đến sự phát triển phụ nữ một cách toàn diện.
Trong bối cảnh Việt Nam đạt tăng trưởng kinh tế ấn tượng trong hơn hai thập niên qua, Đảng và Nhà nước vẫn không ngừng nỗ lực, tăng cường các giải pháp để xóa bỏ bất bình đẳng giới, mang lại những thay đổi tích cực và đề cao các đóng góp của phụ nữ trên mọi lĩnh vực. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, số lượng và chất lượng phụ nữ tham gia gánh vác trọng trách trong các cơ quan Đảng, Nhà nước cũng như trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội đều tăng đáng kể. Khả năng tiếp cận các nguồn lực, quyền và cơ hội của phụ nữ được cải thiện.
Tuy nhiên, việc chỉ đạt được quyền bình đẳng thông qua những con số chính thức mà không làm chuyển biến các quan hệ xã hội thì các quan niệm sai lệch về nữ giới vẫn tồn tại. Điều này sẽ châm ngòi cho hiện tượng mà thế giới văn minh gọi là “sự phân biệt đối xử tích cực”. Trên thực tế, hiện tượng này phổ biến qua cách hiểu “do có lợi thế nữ” nên được “châm chước” cho những chọn lựa vào các vị trí công việc.
Trước hết, về nhận thức, nữ quyền không phải là ban sức mạnh cho phụ nữ mà đơn giản là thay đổi cách nhân loại phải nhìn nhận về sức mạnh vốn có của phụ nữ. Lịch sử không ít lần chứng kiến phụ nữ có khả năng cách mạng hơn nhiều so với nam giới bởi họ luôn có được sự mới mẻ và không bị “bủa vây” bởi thói quen bảo thủ. Trong một thế giới ngày càng đa dạng, bình đẳng chính là góp phần vào sự đa dạng đó, bởi bình đẳng giới không còn là cuộc chiến về giai tầng xã hội nữa, mà trở thành nỗ lực để đạt đến sự đa dạng trong phát triển đội ngũ, lực lượng lao động.
Cách hiểu chưa đúng, chưa toàn diện về bình đẳng và nữ quyền khiến sự phân biệt về giới vẫn tồn tại. Một nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng, nền giáo dục và gia đình ở Việt Nam vẫn “tuân theo” các mô-típ giáo dục giới tính truyền thống, trong đó định sẵn một số công việc được xem là an toàn và tốt hơn cho phụ nữ, làm hẹp đi cơ hội việc làm và đóng góp cho xã hội của nữ giới. Các chương trình hướng nghiệp thiếu hệ thống, kém thực tiễn vô hình trung khiến các bậc cha mẹ tự dựng rào cản cho con gái họ trước các cơ hội.
Rõ ràng, định kiến về giới có tác động từ giáo dục và hướng nghiệp. Không ít người vẫn có quan niệm rằng sự nghiệp của phụ nữ nên được thiết kế xoay quanh gia đình, trong khi nam giới có nhiệm vụ tăng tối đa thu nhập. Một vấn đề nữa là, chúng ta có nhiều quy định nhằm bảo vệ quyền của phụ nữ, nhưng không phải lúc nào các điều luật cũng được áp dụng triệt để, nhất là trong chế độ thai sản.
Vai trò trung tâm của phụ nữ trong xã hội đã bảo đảm sự ổn định, tiến bộ và phát triển lâu dài của các quốc gia. Phụ nữ chiếm 43% lực lượng lao động nông nghiệp của thế giới và con số này đã tăng lên 70% ở một số khu vực. Chúng ta tin tưởng, kỳ vọng rằng, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục có những sách lược mạnh mẽ giúp đất nước tiếp tục phát triển bền vững, mang lại hạnh phúc thật sự cho nhân dân. Con đường phía trước sẽ được đo đếm bởi các chỉ số tăng trưởng và “chỉ số phụ nữ” luôn là một chỉ số quan trọng.
Quốc Ngọc (TP.HCM)