Bình đẳng giới hay chuyện vợ chồng Trung Nguyên

27/02/2019 - 07:43

PNO - Những biểu hiện tại phiên tòa giữa hai người đang sống những ngày cuối cùng trên danh nghĩa vợ chồng này, theo tôi, còn đáng quan tâm và có giá trị hơn hết thảy mọi câu chuyện vĩ mô đang được suy luận, phân tích.

Biết tôi làm ở Báo Phụ Nữ, ngay từ ngày đầu phiên xử ly hôn của vợ chồng ông chủ cà phê Trung Nguyên, bạn bè đã giục: “Lên tiếng bảo vệ phụ nữ đi”. Vốn được học khá nhiều về nữ quyền thời đại học, lại quan tâm đến các vấn đề xã hội, các bạn tôi liên tục chỉ ra, bày tỏ sự phẫn nộ về “những diễn biến phản nữ quyền” trong phiên ly hôn của cặp vợ chồng tiếng tăm bậc nhất Việt Nam. Trên mạng xã hội, rất nhiều cây bút uy tín đã thu góc nhìn vụ ly hôn ly kỳ này vào những câu nói về “đàn ông, đàn bà” của ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Dựa vào những phát ngôn của ông Vũ về “trật tự”, “nam nữ”, nhiều người còn phỏng đoán, bà Thảo hẳn phải đã chịu đựng cảnh “chồng chúa vợ tôi” suốt cuộc hôn nhân.

Quả thực, tại tòa, phản ứng cảm xúc của bà Lê Hoàng Diệp Thảo bộc lộ mạnh mẽ nhất khi bà tuyên bố: “Tôi là phụ nữ, nhưng tôi cần được sống như một con người, được tôn trọng như một con người”. Có lẽ, không một phát ngôn nào có thể “nữ quyền” đến thế. Không một nỗi ấm ức nào lại phác họa một bi kịch bất bình đẳng giới rõ ràng đến thế. Thế nhưng, dõi theo những diễn biến công khai tại phiên tòa vừa qua và cả những phát ngôn trước đó của vợ chồng Vũ - Thảo (dù về “hôn nhân” hay “Trung Nguyên”), tôi không thấy bức bách chuyện nữ quyền hay bình đẳng giới.

Binh dang gioi hay chuyen vo chong Trung Nguyen

Dù ông Vũ có thể hiện mạnh mẽ những quan điểm của ông về trật tự gia đình, về vai vế nam - nữ, mọi luận bàn sâu hơn, chi tiết hơn, có tính khái quát hơn của người nghe về hành xử hôn nhân của ông vẫn chỉ là phỏng đoán. Bằng chứng là, tư tưởng “trật tự”, “vai vế” còn nặng trong đa phần đàn ông Việt Nam, nhưng dẫu bị chi phối bởi điều đó từ trong sâu thẳm, rất nhiều người chồng vẫn luôn tôn trọng vợ, ủng hộ vợ phát triển.

Ở những người đàn ông hiểu biết, cái “thế bề trên” trong sâu thẳm đó đôi khi chỉ làm ra một sự tự ý thức về trách nhiệm cao hơn, về bản năng che chở, lèo lái gia đình mà họ tự nhận lấy về mình. Và cảm giác đau đớn, phẫn nộ khi trật tự bị sụp đổ đôi khi chỉ vì một ai đó trong gia đình vươn lên choáng mất tay chèo, dù mình vẫn đang cố sức và đang chèo tốt. Cái trên - dưới giữa vợ chồng, nam nữ đôi khi chỉ… đáng yêu là thế, dẫu không thể phủ nhận rất nhiều người lạm dụng nó để o ép phụ nữ.

Tôi không đủ thông tin chi tiết về ứng xử hôn nhân trước đó của Vũ - Thảo để khẳng định ông thuộc “nhóm” nào trong hai xu hướng nam quyền đó. Nhưng cần phải phân tích rạch ròi đến thế để mỗi người-ngoài biết dừng lại trước những thông tin ít ỏi họ có được, trong một vài khoảnh khắc, để không suy luận mà kết tội nhầm một con người và đặc biệt là không lý giải nhầm một hiện tượng hôn nhân đang được quá nhiều người quan tâm.

Qua phiên tòa, người vốn đồng cảm với Thảo hoặc Vũ sẽ có thêm luận chứng để càng thương cảm và ủng hộ họ. Thế nhưng, nếu bỏ qua mọi suy luận và linh cảm cá nhân của từng người quan sát, phiên ly hôn với những phản ứng thuần túy của vợ chồng Vũ - Thảo dường như đã bộc lộ bản chất của sự đổ vỡ. Những biểu hiện tại phiên tòa giữa hai người đang sống những ngày cuối cùng trên danh nghĩa vợ chồng này, theo tôi, còn đáng quan tâm và có giá trị hơn hết thảy mọi câu chuyện vĩ mô đang được suy luận, phân tích.

Binh dang gioi hay chuyen vo chong Trung Nguyen
Cuộc ly hôn gây "bão"

Vũ đã im lặng rất lâu. Từ lúc câu chuyện hôn nhân này rầm rộ trên truyền thông đầu năm ngoái, chỉ một lần truyền thông đưa tin về cuộc gặp gỡ giữa Vũ và các nhà báo thân thiết. Còn lại, ông lặng im. Ở tòa, Vũ đã lên tiếng. Vũ - Thảo thậm chí còn được cho là đã “đấu khẩu” suốt phiên tòa và dù có lúc cương lúc nhu, khi điềm tĩnh khi căng thẳng, họ không hề đối thoại. Những phát ngôn của cả ông Nguyên Vũ và bà Diệp Thảo ở tòa không cung cấp thêm cho chúng ta thông tin gì về cuộc hôn nhân này, không làm vỡ ra điều gì sâu kín hơn về xung đột vợ chồng; bởi trước đó, bằng từng kênh riêng lẻ, họ cũng đã nói chừng đó ý. Ngay trước mặt nhau, khi đang quay về phía nhau và đối đáp căng thẳng, họ cũng không nói điều gì khác với những điều từng nói, với truyền thông.

Khi bà Thảo nói: “Em khẩn nguyện anh cho các con được gìn giữ sản nghiệp của gia đình và kế thừa phát triển tâm huyết của cha mẹ”. Ông Vũ quay về phía bà Thảo, đáp: “Có tiền để làm gì khi mà hôm nay phải ngồi ở tòa như thế này? Cha mẹ có đúng hay sai nhưng đừng làm tổn thương các cháu, đưa các cháu ra tòa”. Khi hội đồng xét xử hỏi về việc có bao giờ ngỏ ý hàn gắn tình cảm vợ chồng, bà Thảo cho biết, không dưới 10 lần bà đề nghị đưa giải pháp để ông Vũ có thể đồng ý, cho các con có gia đình trọn vẹn. Tuy nhiên, bà bất lực trước những mâu thuẫn, khác biệt không thể hàn gắn. Đến lượt mình, ông Vũ nói không quan tâm bản án tuyên thế nào mà quan trọng sống với nhau bằng lương tri, lương tính. Và một trong những đối đáp gây tranh cãi về nhân cách ông Vũ nhất là khi ông trả lời đề nghị cấp dưỡng cho con bằng cổ phần của ông tại Trung Nguyên. Ông nói: “Tiền nhiều để làm gì?... Tôi từng nói với các con, bà nội của con 70 tuổi, ba cũng già, ở đây không ai cần tiền, chỉ có mẹ của con”.

Cuối cùng, một người vẫn bày tỏ nguyện vọng một cách chi tiết, những bức xúc đời thường, những thắc mắc dễ hiểu với những kể lể dễ làm mủi lòng người. Một người chỉ đáp lại bằng những khái niệm vĩ mô, những triết lý, khái quát. Một người đòi quyền lợi cho con bằng những con số cụ thể. Người kia đáp lại bằng câu hỏi tu từ: “Tiền nhiều để làm gì?”.

Quanh vụ ly hôn của ông chủ Trung Nguyên, tôi chỉ thấy bi kịch của một người phụ nữ không thể chạm tới người đàn ông ở bên kia và bi kịch của một người đàn ông, dẫu đã nói bằng cả gan ruột những trăn trở về quan điểm kinh doanh lẫn suy nghĩ về cuộc hôn nhân đời mình, vẫn không thể tìm ra một “hệ ngôn ngữ” để đối thoại với vợ. 

Binh dang gioi hay chuyen vo chong Trung Nguyen
"Nhiều tiền để làm gì?"

Có người nói, bi kịch của cuộc hôn nhân này xuất phát từ việc ông Vũ là “người đang bay”, bà Thảo là “người đang đi”. Nhưng thực tế vẫn có nhiều cặp vợ chồng “kẻ bay người đi” mà vẫn hạnh phúc. Sự đổ vỡ chỉ xảy ra khi người bay và người đi bất đồng ngôn ngữ. Thử hỏi, trong mỗi năm hôn nhân, một đôi vợ chồng hạnh phúc bình thường, có bao nhiêu lần bất đồng quan điểm? Trong mỗi lần đó, nếu chỉ nghe giãi bày riêng lẻ từ phía người vợ hoặc người chồng, ta sẽ chỉ thấy một sự khác biệt rành rành và một nguy cơ đổ vỡ nhãn tiền. Nhưng những cuộc hôn nhân thường tình đó hầu như vẫn được “cứu sống” bằng đối thoại. 

Khi đối thoại thật sự, nghe và thực sự tương tác với bên kia, người ta sẽ không thể chỉ nói bằng những suy nghĩ chủ quan đã chi phối họ trước đó. Tôi không thấy điều đó ở Vũ - Thảo. Có lẽ từng quan điểm và trải nghiệm cá nhân của họ trong cuộc hôn nhân đã quá mạnh, khiến họ không còn nhu cầu trò chuyện với người kia nữa. Những lời qua tiếng lại trong những ngày (có thể là cuối cùng) của cuộc hôn nhân 20 năm này vẫn chưa cho thấy dấu hiệu rằng, họ đã từng lắng nghe nhau về những khác biệt.

Đã có lúc tôi nghĩ, bi kịch hôn nhân của Thảo - Vũ cũng giống như bi kịch bức cận giữa người với người. Bởi con người, về bản chất là khác nhau, nên nếu gần nhau quá mức, nếu một trong hai người, vì thiếu hiểu biết mà “bức cận”, xâm phạm không gian tối thiểu của người kia thì sự khác biệt cố hữu giữa từng người sẽ lên tiếng và xé toạc mối quan hệ lẽ ra phải gần gũi ấy. Thế nhưng, nói về “bức cận” thì sẽ dễ thấy sự đổ vỡ giống như một định mệnh của mọi cuộc hôn nhân (bởi hình như đã là hôn nhân thì phải có… bức cận). Ít ra, nó sẽ làm giảm tính lý giải về sự đổ vỡ nổi tiếng này trên nền tảng hầu hết con người vẫn còn tin, còn dựng xây, còn sống đến cuối đời với hôn nhân. Vậy thì, hãy đối thoại. Hãy thử nhìn lại cuộc ly hôn được cho là “cực kỳ phức tạp và nhiều góc khuất” đó, để thấy, riêng sự thất bại của đối thoại đã đưa họ đến với những bi kịch nào. 

Câu hỏi “Tiền nhiều để làm gì?” của ông Vũ trở thành “hot trend” không phải chỉ vì nó khá “kêu”, mà còn vì nó khái quát được một trong những nỗi băn khoăn và cả nghịch lý lớn nhất của loài người. Sau những lời qua tiếng lại, vợ chồng họ vẫn không đối thoại với nhau. Ông Vũ không nói tiếp những chi tiết cụ thể mà vợ ông nêu ra, kể cả trong tâm thế “giãi bày”, “khẩn nguyện” hay “đề nghị”. Bà Thảo không một lần đối thoại với những khái niệm vẫn được chồng láy đi láy lại: “lương tri”, “lương tính”, “bản chất”... Họ chừng như đã “ông nói gà bà nói vịt”, dẫu sự “lạc đề” ấy không giản đơn như những ví von thường thấy về thành ngữ đó của ông bà ta.

Minh Trâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI
  • Chuyện tình cha mẹ tôi: Ba mê rửa chén vì muốn mẹ nghỉ ngơi

    Chuyện tình cha mẹ tôi: Ba mê rửa chén vì muốn mẹ nghỉ ngơi

    20-12-2024 06:34

    Mấy chục năm qua, chị em tôi đã quen thuộc với hình ảnh ba vào bếp. Ba tình nguyện làm "người đam mê rửa chén" vì ba yêu gia đình.

  • 70 tuổi, cha tôi vẫn miệt mài làm rẫy giữ đất

    70 tuổi, cha tôi vẫn miệt mài làm rẫy giữ đất

    19-12-2024 17:54

    Mỗi lần nghĩ đến hình ảnh cha già cặm cụi đi cắt cành, bón phân, kéo ống nước tưới cây, tôi thấy lòng đau như ai cắt từng khúc ruột.

  • Xuân… nhặt

    Xuân… nhặt

    19-12-2024 06:46

    Nhà không rộng, chỉ có khoảng ban công là có thể nuôi cây. Vậy là ba cứ đem cây về chăm sóc, tưới tắm, nâng niu.

  • Tôi đi thuê người yêu

    Tôi đi thuê người yêu

    18-12-2024 17:05

    Tại TPHCM, có một dịch vụ được chào mời vừa công khai lại vừa kín đáo: dịch vụ của những người yêu thuê giờ.

  • Tuổi ăn đám cưới, tuổi viếng đám tang

    Tuổi ăn đám cưới, tuổi viếng đám tang

    18-12-2024 10:30

    Tôi nhận ra, ở độ tuổi ngấp nghé 50 của mình, tôi đi viếng đám tang nhiều hơn những đám, tiệc khác.

  • “Tạm ứng” gối chăn

    “Tạm ứng” gối chăn

    18-12-2024 06:17

    Trong công việc, cuộc sống, người ta có thể tạm ứng nhiều thứ, nhưng tạm ứng gối chăn sẽ để lại nhiều hậu quả khó lường.

  • Chỉ đường cho hươu: Yêu người hơn tuổi

    Chỉ đường cho hươu: Yêu người hơn tuổi

    17-12-2024 18:37

    Lòng con canh cánh về mối tình ngang trái của mình. Mỗi khi nghe ai đó nói “phi công trẻ”, “hồng hài nhi”… là con lại chộn rộn, mắc cỡ.

  • Ai rồi cũng tập thể thao: Bước ngoặt huy hoàng trong công cuộc tập luyện của tôi

    Ai rồi cũng tập thể thao: Bước ngoặt huy hoàng trong công cuộc tập luyện của tôi

    17-12-2024 12:48

    Bạn thuyết phục ròng rã mấy tháng trời. Bạn bảo sẽ cùng tôi đi bộ về đích để tôi không thấy ngại.

  • Chữ hiếu trong kinh doanh

    Chữ hiếu trong kinh doanh

    17-12-2024 08:51

    Tôi thích được ngồi nghe mẹ kể chuyện xưa, được ăn cơm với mẹ, được cùng mẹ đi thăm bà con… Mấy món mẹ nấu là ngon nhất thế giới.

  • Trăm năm trong cái nắm tay

    Trăm năm trong cái nắm tay

    17-12-2024 06:03

    Người ta có thể dễ dàng đến bên nhau, nhưng liệu có bao nhiêu người đi được cùng nhau tới tuổi xế chiều?

  • “Siêu xe” của ông nội

    “Siêu xe” của ông nội

    16-12-2024 16:19

    Chiếc “siêu xe” của ông nội đã theo chủ nhân được gần 15 năm. Mỗi ngày, ông luôn dành thời gian chăm chút nó, như người bạn đồng hành đáng tin cậy.

  • Lời nói như dao

    Lời nói như dao

    16-12-2024 13:03

    Cần tránh những lời nói xúc phạm, miệt thị, thay vào đó là những lời nói lịch sự, tôn trọng, góp phần xây dựng mối quan hệ.

  • Trẻ em cần thế giới thật đầy yêu thương

    Trẻ em cần thế giới thật đầy yêu thương

    16-12-2024 06:21

    Các nghiên cứu đã chứng minh trẻ em cần được neo giữ trong thế giới thật, quan hệ thật, trách nhiệm, tình yêu thật. Hoạt động ảo không thể thay thế được.

  • Khoảnh khắc dài nhất

    Khoảnh khắc dài nhất

    15-12-2024 17:58

    Chỉ cần gặp mẹ, được ngồi gần mẹ, mọi chênh chao, chơi vơi, xáo trộn đều được lắng xuống, chữa lành.

  • Ngoại vẫn chắt chiu những hạt mè

    Ngoại vẫn chắt chiu những hạt mè

    15-12-2024 16:54

    Có lẽ vì vị mè ướp đẫm mồ hôi của ngoại, cũng có thể vì khói bếp thân thương làm thơm chén cơm nóng hổi quyện cùng vị muối mè mằn mặn.

  • Con bình thường hay đặc biệt?

    Con bình thường hay đặc biệt?

    15-12-2024 06:48

    Mong con thông minh vượt trội hay chỉ cần con khỏe mạnh, bình thường, câu trả lời của bạn là gì?

  • Ngưng đổ lỗi!

    Ngưng đổ lỗi!

    14-12-2024 19:37

    Người luôn tự coi mình là nạn nhân hiếm khi nhận ra lỗi của chính mình, cũng khó có cơ hội nhận ra khả năng của bản thân khi cố gắng.

  • Mẹ chưa bao giờ xa tôi

    Mẹ chưa bao giờ xa tôi

    14-12-2024 15:48

    Sau bao nhiêu năm cách lòng, tôi đã thật sự hiểu mẹ, hiểu rằng mẹ có những lý do để rời xa ba, nhưng chưa bao giờ mẹ rời xa tôi.