Bình đẳng bao nhiêu là đủ: Từ nhà ra chợ còn xa vạn dặm

01/12/2015 - 07:52

PNO - Việc bình đẳng cứ thế, chỉ từ nhà ra đến chợ mà như đường xa vạn dặm. Một ngày của các chị em có cảm giác thăm thẳm…

Đều đặn mỗi ngày, trời còn mờ sáng là chị Hiên bật dậy, khoác vội cái áo lạnh mỏng, sắp xếp quang gánh thúng mủng. Xong đâu đó, chị đánh thức chồng. Anh Hi dậy, chở vợ từ nhà ở An Lạc ra chợ An Đông (Q.5). Sắp xếp hàng họ cho vợ xong, anh quay về lo bữa ăn sáng, đưa hai con đến trường, rồi đi chợ, nấu ăn, giặt giũ, lau dọn nhà cửa. Tầm hai ba giờ chiều chị mới về đến nhà. Ăn uống, nghỉ ngơi qua loa, chị lại lo sắp xếp đồ đạc chuẩn bị cho buổi chợ sớm ngày mai.

“Chồng tôi bị tinh giản biên chế gần chục năm rồi. Cũng vác đơn xin việc khắp nơi mà không ai nhận. Thôi thì hoàn cảnh đẩy đưa, ông ấy không kiếm tiền được thì mình gồng thêm một chút, chứ biết sao giờ?

Bình đẳng giới là gì tôi không rõ lắm, chỉ biết những ngày đầu ông ấy nghỉ việc, vợ chồng cũng cơm không lành canh không ngọt. Ổng buồn đời, cứ đắm chìm vào những cuộc nhậu; con cái nheo nhóc, nhà cửa lộn xộn. Trước đây, tôi có nhờ nhỏ em ở xóm phụ chuyện nhà, nhưng đó là thời trong nhà còn có hai nguồn thu nhập; giờ hoàn cảnh vầy, phải cắt xén bớt thôi.

Nói ông ấy hoài không được, một bữa nản quá, tôi ngồi thụp giữa nhà than: kiểu này chắc tôi không sống nổi! Lúc đó, nước mắt chẳng biết ở đâu thi nhau chảy tràn. Vậy mà ông ấy hoảng, líu ríu hứa hẹn “cải tà quy chánh”. Rồi ông ấy làm thiệt. Từ đó tới nay, vợ chồng cứ thế mà sống. Việc chồng chồng gánh, việc vợ vợ mần. Vợ chồng mà, những lúc khó khăn càng phải nương vào nhau…”, chị Hiên kể, nhẹ bâng.

Binh dang bao nhieu la du: Tu nha ra cho con xa van dam
Ảnh mang tính minh họa: Internet

Chị em tiểu thương tại chợ Nguyễn Tri Phương (Q.10) có cùng hoàn cảnh “quanh năm buôn bán ở mom sông, nuôi đủ năm con với một chồng” như chị Hiên là không ít. Chị Thúy, chủ gian hàng trang sức vàng bạc đá quý, phân bua: “Thoạt nhìn tưởng tui không cực, 7g sáng ra cửa hàng, ngồi suốt đến 17g. Thân đàn bà con gái mà, ngày yếu không kể, ngày khỏe khỏe cũng mỏi lưng, đau khớp, chóng mặt, nhức đầu.

Vậy mà nhờ chồng ra phụ bán để khỏi mướn người, ông ấy bĩu môi dài cả thước: Xời, bà bán vòng cổ vòng tay chứ có vất vả bán mắm bán cá gì đâu. Đàn ông mà chàng ràng ở chợ, người ta cười cho… thúi đầu.

Ông ấy ở nhà chẳng làm gì. Cơm nước cũng ăn tiệm. Nhà cửa bề bộn thấy thương. Đó là tụi tui không có con cái, tui đã cực “thấu mấy ông trời” như vậy. Mà biết sao giờ? Làm thân đàn bà thiệt đủ đường!”.

Góp lời, chị Hà bán tạp hóa nói như mếu: “Giúp đỡ gì cô ơi. Bình đẳng giới gì cô ơi. Mình buôn bán cả ngày rã rời, về thấy chồng hôm say hôm xỉn, góp ý là đá thúng đụng nia, chống nạnh: Sao, giờ sao? Bà ỷ bà có chút tiền rồi khi dễ tui hả? Mình là thân đàn bà 12 bến nước, trong nhờ đục chịu. Cô thử hỏi khắp chợ này xem, hoàn cảnh như tụi tui nhóc hết”

Thật vậy, chồng của các chị tiểu thương buôn bán tại nhiều chợ mà chúng tôi có dịp nói chuyện đa phần đều thất nghiệp hoặc không có nghề ổn định. Siêng siêng thì xách xe chạy vòng vòng kiếm vài cuốc xe ôm, nhưng rồi cũng nướng hết tiền vào chiếu nhậu.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI