Bình đẳng bao nhiều là đủ: Đừng chỉ cứ khăng khăng đòi bình đẳng

21/11/2015 - 07:56

PNO - Tôi không thích cái gọi là “bình đẳng giới” mà ngày nay nhiều phụ nữ lớn tiếng kêu gọi, đòi hỏi ở người chồng, người cha trong gia đình.

Từ gia đình bố mẹ tôi cho tới gia đình nhỏ của tôi hiện tại, hoàn toàn không có sự phân định rạch ròi trách nhiệm giữa các thành viên, nhưng chúng tôi vẫn hài lòng với cuộc sống của mình và cảm thấy thật sự hạnh phúc.

Ngày tôi còn nhỏ, tất cả những việc đồng áng nặng nhọc tạo ra thu nhập để nuôi gia đình đều do một mình bố tôi làm. Vì cực nhọc và có thể vì bữa ăn ngày đó không đủ đầy như bây giờ nên bố rất gầy ốm, dù mẹ luôn chăm sóc, chiều chuộng bố chu đáo.

Binh dang bao nhieu la du: Dung chi cu khang khang doi binh dang
Ảnh minh họa - Shutterstock

Đến giờ, tôi cũng không lý giải được tại sao mẹ lại chiều bố như thế. Bố không bao giờ biết chuyện bếp núc, phụ việc nhà là thế nào. Nếu ở thời đại này, có lẽ mọi người sẽ bảo mẹ tôi làm vậy là “chiều hư chồng”. Còn người như bố tôi, chắc sẽ bị coi là người đàn ông vô tâm, không chia sẻ với vợ việc nhà.

Nhưng, mẹ tôi không bao giờ nghĩ như vậy. Mẹ bảo, bố đã hy sinh, nhận hết những việc nặng nhọc hàng ngày về phần mình, nên việc nhà đơn giản, nhẹ nhàng mẹ sẵn sàng làm hết, cho bố có thời gian nghỉ ngơi, tái tạo sức khỏe. Mẹ tôi chưa khi nào cằn nhằn hay kêu ca đòi hỏi gì ở bố, cũng không bao giờ than thở bố thiếu quan tâm san sẻ việc nhà.

Tôi nghĩ, những gì bố mẹ tự nguyện làm thật ra đã là một sự phân công ngầm với nhau. Bố làm việc của bố, việc dành cho những người đàn ông. Mẹ lo việc của mẹ, việc của những người đàn bà.

Dù bố mẹ tôi không hề biết bình đẳng giới là gì nhưng sự rạch ròi trong cuộc sống và nuôi dạy con cái đã là chất keo gắn kết bố mẹ trọn đời, mang lại cho gia đình sự ấm êm, hạnh phúc.

Đến gia đình nhỏ của tôi cũng vậy. Tôi rất ít khi để chồng phải vào bếp, lau nhà, dọn dẹp, hay rửa bát dù tôi biết anh sẵn sàng làm và có khi còn làm khéo léo, kỹ lưỡng hơn tôi. Công việc của chồng tôi vất vả, áp lực, phải đi sớm về khuya nhiều nên tôi không đành lòng để anh phải làm thêm việc nhà.

Nguyên nhân sâu xa hơn còn do tôi thích làm việc nhà. Tôi thích tự tay nấu ăn, chăm sóc chồng con từ chuyện nhỏ nhất. Tôi tin, nếu chị em cứ khư khư coi việc nấu ăn, dọn dẹp, rửa bát là một cái “nợ”, một việc buộc phải làm vì trách nhiệm, nghĩa vụ, thì chị em sẽ còn khó chịu dài dài, mệt mỏi dài dài với cuộc hôn nhân của mình.

Với tôi, việc nhà đơn giản là vợ chồng biết cùng san sẻ, thông cảm cho nhau. Mỗi khi tôi bị ốm, chồng tôi sẽ tự động làm việc nhà, đi chợ mua thức ăn, nấu cháo chăm vợ. Khi tôi ốm nghén, mang thai, chồng tôi hết sức chiều chuộng, giành làm hết việc nhà để tôi nghỉ ngơi... Có lẽ do là một phụ nữ ít đòi hỏi, nên tôi rất xúc động mỗi khi được chồng chăm sóc như vậy.

Tôi nghĩ, các chị em cũng nên xóa bớt ranh giới bình đẳng giữa chồng và vợ. Trong gia đình, tôi lo mọi việc nấu ăn, nội trợ, chăm sóc gia đình nhưng có những việc tôi hoàn toàn không biết đến, mà chồng tôi thì rất giỏi như sửa chữa những vật dụng trong gia đình bị hỏng hóc, trục trặc.

Tôi hay nói đùa với chồng: “Em may mắn lấy được một anh thợ điện, thợ xây, thợ sửa ống nước, rồi thợ sửa máy tính, ti vi, quạt...”. Nếu chị em cứ nhất quyết “bình đẳng” thì hãy chuẩn bị học để làm được những việc của đàn ông. Sao các chị không xem đó chỉ là một sự phân công lao động hợp lý giữa các thành viên trong gia đình?

Nhìn từ gia đình mình, tôi nghĩ, bình đẳng trong quan hệ vợ chồng chỉ là một khái niệm tương đối. San sẻ việc nhà, nâng niu những điều tốt đẹp, biết trân trọng những việc “nửa kia” dành cho mình, mới chính là chìa khóa của hạnh phúc.

Tường Vy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI