Bình đẳng bao nhiêu là đủ: Chỉ cần 30%

08/12/2015 - 07:44

PNO - Tôi nghiệm ra rằng, gia đình nào có sự bình đẳng vợ chồng năm mươi - năm mươi là như đã có điều gì đó bất ổn rồi.

Tôi là phụ nữ, đã qua tuổi 60, có 35 năm làm vợ. Từ thực tế đời sống hôn nhân của mình, nhiều lúc cũng bực tức vì chồng ăn hiếp mình đủ bề, nhưng nếu trời cho bình đẳng vợ chồng, tôi cũng chỉ xin được 30% thôi, 70% còn lại nhường cho chồng.

Hẳn sẽ có người cho là do tôi sinh ra từ giữa thế kỷ trước nên có tâm lý phụ thuộc, phải nhờ cậy vào chồng kinh tế gia đình, cam lòng chịu đựng không dám đòi cho mình cái quyền được bình đẳng.

Binh dang bao nhieu la du: Chi can 30%
Ảnh mang tính minh họa -  Shutterstock

Xin thưa, tuy tôi đã có tuổi, lại lớn lên ở nông thôn, nhưng tôi được cha mẹ nuôi ăn học tử tế, hơn 20 tuổi đã làm cán bộ trong biên chế nhà nước, đến giờ vẫn có lương hưu đủ sống. Hơn nữa, tôi đã là công dân của TP.HCM, một đô thị lớn nhất đất nước, có cuộc sống cởi mở, được gần 30 năm rồi.

Nói vậy để thấy, trong đời sống hàng ngày, tôi không hề lệ thuộc vào chồng và cũng không phải là một phụ nữ quê mùa, thiếu hiểu biết mà không dám đòi hỏi bình đẳng.

Tôi tin rằng, không chỉ thế hệ những phụ nữ như tôi, khi lấy chồng luôn mong lấy được một người đàn cao hơn mình một cái đầu, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, để nương tựa, để thuyền theo lái; mà cả thế hệ phụ nữ hiện đại hôm nay cũng phải đến 90% mong muốn như vậy.

Khuynh hướng lựa chọn đó cho thấy phần nào người phụ nữ phải lệ thuộc vào người đàn ông của mình, không ít thì nhiều. Cuộc sống gia đình vốn phức tạp, nhiều tình huống bất ngờ có thể dẫn đến tan cửa, nát nhà, nên người chồng luôn là nhân vật chính đứng mũi chịu sào.

Tôi xin nói thẳng, phụ nữ vốn có tính nhỏ nhen, lại có cái nhìn về cuộc sống nông cạn, nên trên con đường dài xa của cuộc sống, càng đi sẽ càng thua đàn ông. Nhìn thực tế, sẽ thấy rất rõ điều đó. Ngay cả ở những đất nước tiên tiến, người phụ nữ cũng luôn ý thức bổn phận của mình, không đòi hỏi bình đẳng tuyệt đối, vì thiên chức làm vợ, làm mẹ vốn là của người phụ nữ.

Tôi nghiệm ra rằng, gia đình nào có sự bình đẳng vợ chồng năm mươi - năm mươi là như đã có điều gì đó bất ổn rồi. Một gia đình mà vợ rửa bát thì chồng phải quét nhà, vợ nấu cơm thì chồng phải tắm con… mọi việc được phân chia rạch ròi đâu đã là hay, là tốt.

Cũng như mọi tập thể lớn nhỏ trong xã hội, lúc nào cũng phải có người đứng đầu, gia đình cũng phải có người đảm đương trách nhiệm đó. Ở nước ta, người chồng thường đương nhiên được coi là người gánh vác trọng trách và luôn được miễn những công việc lặt vặt thường ngày.

Không biết các chị em khác thế nào, chứ nếu như tôi vớ phải ông chồng suốt ngày chỉ say sưa với bếp núc, bát đĩa, dọn dẹp nhà cửa… có lẽ tôi đã chia tay lâu rồi. May mắn, chồng tôi là người có bản lĩnh đàn ông nhưng cũng biết giúp vợ những gì, lúc nào… Với những gia đình mà người vợ chiếm thế thượng phong, có chồng gọi dạ, bảo vâng, theo tôi, cũng là những gia đình đang cận kề với bất hạnh.

Người phụ nữ quyền hành trong những gia đình ấy chưa chắc đã tự hào, đã có niềm vui; có khi còn thấy tủi thân, xấu hổ. Trong xã hội tất nhiên có những phụ nữ thành đạt ở nhiều phương diện, nhưng đó chỉ là thiểu số, so vô số những phụ nữ bình thường đang tồn tại hạnh phúc trên trái đất này.

Tôi lập luận như thế có lẽ trái ý nhiều người, nhất là giới trẻ. Nhưng tôi khẳng định, với tôi, gia đình chỉ cần bình đẳng đến 30% là đủ, là hạnh phúc lắm rồi! Nếu đòi hỏi hơn nữa là dễ đường ai nấy đi. Con gái đi lấy chồng, tôi cũng khuyên con như thế, dù con tôi là một trí thức hẳn hòi.

Thanh Xuyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI