Bình Chánh, TP.HCM: Dân kêu trời vì...nhà máy trăm triệu USD

28/08/2013 - 06:56

PNO - PN - Người dân gần khu vực Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng (NMBH), xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, phản ánh: khoảng hơn một năm nay họ chịu đựng mùi hôi nồng nặc phát ra từ NM này. Hầu hết người dân tại ấp 5 và một số khu...

edf40wrjww2tblPage:Content

Ông Đoàn Văn Tùng (nhà số 114/18, ấp 5) cho biết, từ khi NMBH được xây dựng, hàng ngàn hộ dân xung quanh đã khổ sở vì mùi hôi lan vào từng bữa ăn, giấc ngủ. “Bán nhà thì không ai mua, dọn đi chỗ khác thì không có tiền, đành phải chịu thôi!”, ông Tùng ngán ngẩm.

Nhiều người dân cho biết, họ đã phải vay tiền để sửa nhà lại cho thật kín để tránh mùi hôi thối. Theo chị Đoàn Thị Kim Lý (SN 1980, nhà số 141/16, ấp 5), sau thời gian người dân phản ảnh với chính quyền, mùi hôi thối tạm biến mất được khoảng ba-bốn tháng, sau đó mọi chuyện đâu lại vào đấy. Gần đây, tại địa phương còn xuất hiện nhiều ruồi, muỗi, khiến người dân rất bất an. “Cứ có cơn mưa lớn là mùi hôi trở nên rất kinh khủng; đóng kín cửa vẫn không ăn thua, chúng tôi phải đến nhà người quen ở nơi khác “lánh nạn”.

Chị Ngô Thiên Kim - chủ nhà E8 (khu dân cư rạch Bà Tánh, xã Bình Hưng) cho biết: “Lúc đầu thấy khu vực này đẹp, tiện lợi, gom góp mãi gia đình tôi mới mua đất và xây nhà khoảng năm tỷ đồng. Ở một thời gian, đến năm 2012 thì xuất hiện mùi hôi thối nồng nặc. Gia đình rất lo lắng cho tình hình sức khỏe”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, NMBH do Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM quản lý. Trung tâm này giao Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị vận hành. Đây là NM lớn nhất nước, được đầu tư hơn 100 triệu USD, thuộc dự án cải thiện môi trường nước TP.HCM, nhằm xử lý nước thải sinh hoạt được thu gom từ các quận 1, 3, 5 và một phần quận 10. NMBH đi vào hoạt động từ tháng 6/2009.

Binh Chanh, TP.HCM: Dan keu troi vi...nha may tram trieu USD

Hàng trăm hộ dân tại khu dân cư rạch Bà Tánh, dù xây nhà tiền tỷ, rất đẹp, nhưng luôn trong cảnh khốn khổ vì mùi hôi

Theo ông Lý Thọ Đắc - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị, bùn thải phát sinh từ quá trình xử lý nước được tập trung tại khu nhà lên men sơ cấp, được đảo trộn và thông gió tự nhiên. Sau khoảng 15 ngày, bùn mới được đưa qua khu lên men thứ cấp ủ chín và đảo trộn bằng xe xúc, trước khi chuyển đi chôn lấp ở nơi khác. Do phương pháp xử lý bùn theo công nghệ ủ hiếu khí, các nhà lên men không phải là kho dạng “kín” mà là dạng “hở”, dẫn đến mùi hôi phát sinh không thể tránh khỏi.

Trước tình trạng người dân kêu trời vì ô nhiễm, NMBH đã có những cố gắng khắc phục như: sử dụng chế phẩm sinh học giảm thiểu mùi, tăng thời gian lưu trữ bùn tại nhà lên men sơ cấp, không đảo trộn mà cho phun xịt hóa chất, che bạt chắn gió, tăng cường vận chuyển bùn ra bãi đổ ở xã Đa Phước, huyện Bình Chánh…

Mới đây, trong buổi làm việc với Đoàn giám sát của HĐND TP, ông Lưu Văn Tấn - Trưởng phòng Quản lý nước thải thuộc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM - cho biết, tuy NM được vận hành với công nghệ của Nhật, nhưng lại... khá lạc hậu. Muốn xử lý triệt để mùi phải có giải pháp căn cơ hơn. Do đó, giai đoạn hai của NM nên thay đổi công nghệ.

Theo ông Cao Trung Sơn, Phó Chi cục trưởng chi cục Bảo vệ môi trường thuộc Sở Tài nguyên và môi trường TP, nguyên nhân chính gây mùi là khâu ủ sơ cấp do hệ thống thu gom xử lý khí chưa bảo đảm về lưu lượng tiếp nhận. Ông Sơn đề nghị, trước mắt đơn vị vận hành khu sơ cấp nên tăng cường lượng trấu để kéo dài thời gian phân hủy, tăng cường phun xịt chế phẩm nhằm giảm mùi hôi... Về biện pháp căn cơ, UBND TP cần cấp kinh phí để thực hiện nâng cấp nhà sơ chế xử lý bùn, ước tính khoảng 14 tỷ đồng.

Tóm lại, người dân vẫn phải tiếp tục chờ vì các cơ quan chức năng còn đang... loay hoay tìm giải pháp!

 Phạm Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI