Hạnh phúc khi trèo lên ngọn núi cao
Sống ở nội thành Paris, vài năm nay, một tuần ba lần vào sáng thứ Hai - Tư - Sáu, người bạn đời tuổi Dậu của chị dậy sớm lái xe ra vườn Parc de sceaux (PDS) đi bộ với các bạn trang lứa, thưởng thức “sâm sức khỏe”, như họ nói.
|
Hình ảnh chú gà đi bộ anh để lại mỗi sáng... |
Làm việc khuya khó dậy sớm nên chị không tham gia nhóm “sâm sức khỏe” ấy. Mỗi khi thức dậy, chị lại thấy trên nắp laptop mảnh giấy vẽ con gà đi bộ với bảng chỉ đường ra PDS. Lần đầu thấy nét vẽ mẫu giáo của họa sĩ tuổi Dậu, chị đã cười lớn. Giờ quen rồi, chị không cười nữa, nhưng rưng rưng trước sự hài hước của anh.
Anh có chỉ số đường huyết cao nên bắt đầu uống một số trà cây cỏ, trong đó có khổ qua rừng. Hôm kia, châm bình nước xong, chị lấy khăn trùm giữ ấm. Ấm thì ấm, nhưng hơi luộm thuộm, người đàn bà tuổi rồng đang suy nghĩ cách thay thế, chợt nhớ ra chiếc nón len anh vẫn đội mùa đông. Ôi thôi vừa vặn. Chị mang “bình đội nón” dễ thương cho anh xem, anh ngớ ra, cười sặc, “hai đứa” vui cả ngày!
Hai năm cách xa vì COVID-19, gặp lại nhau ở Paris ai cũng khen chị tươi tỉnh, dù đi qua những hoạt động văn hóa hao sức, tốn của. Nếu ai hỏi vì sao, chị nói vì mình hạnh phúc khi đã trèo lên được ngọn núi cao, tới được cái mục tiêu xác tín.
Rất sợ lệ thuộc, nhưng vì công việc, năm năm trước chị buộc phải dùng điện thoại di động. Trong cửa hàng bán sim, cậu bán hàng hỏi chị muốn số đuôi đẹp không. Thế nào là đẹp, chị không rõ, chỉ nhớ khi nhỏ cứ mỗi lần điểm trung bình trên bảy thì được ông nội thưởng món quà. Hay như chơi bài cào dịp tết với đám con nít thì số đẹp tức phải tám hay chín nút. Nhưng hóa ra, theo cách luận nửa bài cào nửa dị đoan của cậu bán hàng hoạt khẩu, thì cụm đuôi nào mà cậu đang có cũng đẹp. Tỷ như năm với ba bằng tám, năm với bốn bằng chín, ba ba đẹp đôi, sáu bảy tiến lên... Hoang mang trước quá nhiều số đẹp, chị xin số bất kỳ. Chàng bán sim đưa chị đuôi 007, chị bật cười, kêu nó quá đẹp: vừa dễ nhớ vừa giống... điệp viên!
Vì một lý do cá nhân, chị không thích hoàng hôn với cái đẹp bất an. Hoàng hôn luôn khiến chị sầu não, nên mua hay thuê nhà chị đều chọn hướng đông để thấy bình minh. Nhưng cứ đến thu - đông, tâm trạng chị lại trở nên bải hoải. Phải rất lâu, nhờ uống thuốc, nhờ lao động chị mới tập được cho mình tâm thế bình an bất luận thời tiết.
Thấy chị quá nhọc nhằn công việc, cô em doanh nhân xót xa và thuyết phục chị nghỉ. Chị cảm ơn tình cảm của em, nhưng chị nói chị vui - niềm vui tiểu nông được cày xới vuông ruộng sở hữu, niềm vui cha mẹ được chăm nom con cái… Rằng định tính hạnh phúc là riêng tư, định tính bình an cũng vậy. Ai dám chắc những người đang lừng lững cao có một tâm an?
Xưa nay, khi nói tới cảm giác hạnh phúc, ai ai cũng khoe được, bởi nó thực chất, hiển hiện: một món lộc bỗng đâu rơi xuống đầu/một chồi hoa bỗng dưng nhú ra trên nhánh cây tưởng như đã chết/một món ăn khoái khẩu lúc đang đói… Nhưng ý nghĩa hạnh phúc thì luôn là câu hỏi khiến ai ai - dù đang hoặc có vẻ như hạnh phúc - cũng e dè, bởi nó vô chuẩn, tùy quan niệm cá nhân; trong đó quan niệm hạnh phúc gắn liền với bình an là quan niệm thông thường nhất.
Bình an là sao? Là khi ta biết hưởng thụ những thứ đang có thay vì than tiếc những thứ mình chưa đủ. Là khi ta biết tri ân những điều tốt, người tốt; thấy mình không vô ích.
Sức mạnh của bình an
|
Và chiếc nón của người bạn đời |
Kẻ thù của tâm an là sân hận đeo đẳng, chỉ khi dứt bỏ được nó ta mới thật sự bình an. Chị may mắn làm được điều này từ mấy mươi năm trước, khi quyết định chia tay mối tình sâu đậm chín năm. Chia tay không phải bởi họ không chung thủy, mà bởi từ sự thiếu chung thủy, họ đánh mất nhân cách để tìm phí trăng hoa. Ghen có thể tiếp tục yêu, nhưng khinh thì không thể. Kể từ lúc buông được cái neo tình cửu vạn đó, chị thấy mình đủ mạnh để không mất thời gian cho những thứ vô nghĩa, đủ mạnh định nghĩa lại nhiều thứ, an nhiên trong các giá trị thỏa đáng.
Nói giá trị thỏa đáng, chị nhớ chuyện bên Nga cách đây mấy mươi năm, khi đạo diễn Đ. còn là sinh viên điện ảnh. Một tối, bỗng dưng Đ. chạy tới chị với gương mặt đầy máu, do bị đánh bởi một sinh viên say rượu người Liên Xô đang học khoa kinh tế. Chỉ cú thụi duy nhất, nhưng nhà kinh tế tương lai có sức mạnh của dân chơi đấm bốc nên gò má Đ. phải khâu chục mũi. Khỏi phải nói chàng sinh viên kinh tế sắp tốt nghiệp kia hoảng sợ ra sao, bởi với chủ trương ưu ái người nước ngoài của Liên Xô khi đó, chắc chắn chàng bị đuổi nếu trường biết chuyện.
Cùng với nước mắt, đôi tay vốn ưa tung sức đã chắp lại xin Đ. tha thứ. Không biết đứng đâu giữa thương và giận, Đ. chỉ chàng sang gặp chị - đại diện tập thể sinh viên Việt Nam. Lạc lòng nước mắt nhưng vị tha thì ức, chị và tập thể Việt Nam quyết định “trừng phạt” bằng cách buộc anh ta, đêm thứ Bảy, phải quy tụ tối thiểu ba mươi sinh viên nơi phòng họp, xin lỗi công khai.
Nói trừng phạt vì chẳng ai hy sinh đêm thứ Bảy cho những chuyện tầm phào. Vậy rồi không biết chàng ta ỉ ôi sao mà phòng họp đông kín cho cuộc xin lỗi bình yên: Một sinh viên không bị đuổi, một tập thể không mang tiếng ác, một thói xấu được khuyến cáo. Về sau, biết được “phiên tòa” bí mật này, khoa nước ngoài đã cảm ơn tập thể sinh viên Việt Nam.
Cuối năm, con gái chị từ Pháp về Việt Nam thực tập. Hai mươi tám tuổi, nhưng hơn nửa lần con số đó con đã về thăm quê mẹ, và phân nửa số lần thăm đó con đã gặp những sự cố không vui: hoặc bị giật ví, rạch túi, bị ăn gian cước taxi… Nhưng không vì như vậy mà con chán quê hương, thậm chí còn quyết định về đây lập nghiệp.
Hỏi vì sao con không sợ, không nản những chuyện có lúc làm con bật khóc, cô gái trả lời giản đơn: “Những người xấu đó đâu có đại diện cho đất nước”. Với con, đất nước này có vô vàn người tốt, điều tốt; mà bằng chứng là con có rất nhiều bạn để vui chơi, để chung tay tổ chức các dự án cộng đồng.
|
Bình an là ở trong ta (Ảnh minh họa) |
Câu trả lời của đứa con sinh trưởng bên Tây mang tới cho bà mẹ gốc Việt liệu pháp bình tâm. Từ con, mẹ nhìn lại những tiêu cực từ loe ngoe đến tày đình xảy ra trên xứ sở bằng con mắt khác. Rằng cái xấu xa, dẫu hạ đẳng, dẫu vênh vang phú túc; hoàn toàn không đại diện cho xứ sở này.
Chị vừa nhận email của ông bạn đồng niên từ Việt Nam gửi sang. Anh viết: “Tôi bây giờ phân nửa thời gian làm việc kiếm sống, phân nửa viết lách. Viết là một phần quan trọng vì nhờ viết tôi nghe lòng yên ổn hơn. Chắc chắn chị và anh hiểu tâm trạng này. Chúng ta cùng thời đại, cùng những mối quan tâm…”. Chị bất giác nhìn ra cửa sổ, hướng đông mùa đông châu Âu đã lâu không thấy nắng. Nhưng đâu có sao, bình an ở trong ta mà.
Đạo diễn Việt Linh