Hồi tôi về làm dâu miệt vườn, chị Hai của chồng tôi đã gần 40 tuổi. Mãi lo cho các em ăn học, lấy chồng, tuổi xuân của chị qua lúc nào không hay. So với những người đồng trang lứa, chị có nhan sắc, giỏi giang, khéo tay, thời trẻ cũng nhiều người mai mối mà chị chưa ưng, chị bảo vội gì chứ, nhà nhiều
công chuyện.
Mấy buổi chiều ngồi hóng mát cùng chị Hai sau hè, nghe tiếng bìm bịp kêu, má chồng tôi thở dài ngâm nga: "Bìm bịp kêu con nước lớn anh ơi/ Buôn bán không lời chèo chống mải mê".
Chị Hai trêu: "Anh nào vậy má?". Má chợt cười buồn: "Thôi đi cô Hai ơi, lấy chồng đi cho tui nhờ". Chị Hai vừa lườm vừa nói: "Lại là cái điệp khúc đó nữa hả má". Nói thế chứ chị cũng thôi cười, lấy cái quạt mo cau huơ huơ mấy con muỗi bay vo ve. Trời tối rồi, vô nhà thôi má ơi!
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Tháng Ba âm lịch, bìm bịp gọi bạn tình, người nông dân bắt đầu làm đất, gieo mạ để cấy vụ hè thu. Nhà chồng tôi có mảnh ruộng nhỏ cho người ta thuê, mỗi mùa được vài giạ lúa. Chị Hai làm công nhân ở thành phố, vốn tính tham công tiếc việc, chị tăng ca suốt, thành thử cũng không có cơ hội quen ai. Cứ mỗi lần về nhà, nói chuyện với ba má được mấy câu thì thế nào cũng bị giục lấy chồng. Nói thì nói mà chị vẫn đi về một bóng.
Sau những ngày bìm bịp kêu giòn giã, bỗng một hôm nó ngừng kêu, báo hiệu trận mưa to sắp đến. Quả nhiên, cơn mưa đầu mùa dai dẳng suốt cả đêm, sáng ra nước sông dâng cao, chợ quê bày bán đủ loại cá tươi rói. Bữa đó chị Hai đi chợ sớm, mua được mớ cá ngon. Thì ra hôm ấy có gia đình nhà trai đến xem mắt. Đó là một người đàn ông quê Thanh Hóa, hơn chị Hai một con giáp, góa vợ, có 2 đứa con gái giờ đã lớn, 1 đứa có gia đình còn 1 đứa học lớp Mười hai. Người làm mai là một chị làm cùng công ty với chị Hai, nói ảnh hiền lắm, cũng là người có của, không phải lo vất vả.
Rồi chị Hai cũng đi lấy chồng. Ngày vu quy mà ba má không vui. Thôi vậy, “có chồng còn hơn ở giá”. Anh rể tôi cưới được chị Hai, ngượng ngùng gọi tiếng ba, tiếng má như người miền Nam, lúng ta lúng túng nhưng trong bụng thì mừng như bắt được vàng, cả nhà tôi thấy vậy cũng an ủi. Thôi, nếu thương chị thì cầu mong chị hạnh phúc, chắc gì người chưa vợ sẽ xứng đôi.
Chị Hai thôi làm công nhân, về mở tiệm bán đồ ăn sáng. Chị quán xuyến trong ngoài, công việc buôn bán thuận lợi, chẳng mấy chốc kinh tế gia đình càng khá giả. Vậy mà đang yên đang lành, anh rể tôi lại mê cờ bạc, đi chơi thâu đêm suốt sáng rồi đổ nợ. Đứa con gái riêng của chồng chị, trong lúc trọ học cũng không may gặp tai nạn thập tử nhất sinh, chi phí chữa bệnh khiến gia đình rơi vào cảnh khánh kiệt. Tự dưng tai họa ập xuống, vợ chồng gây nhau suốt. Đau đớn, chán nản, chị chỉ muốn bỏ nhà ra đi, lúc đó chị đã có 1 đứa con gái nhỏ.
Có một hôm chị về mà không có anh rể. Thấy chị ôm con nhỏ và cái túi đựng mấy bộ quần áo, má chồng tôi lẳng lặng bế cháu vào nhà rồi đưa võng ru cháu ngủ, mặc cho chị ra sau hè, rửa mặt rất lâu. Mấy con bìm bịp trong bụi dừa nước cứ kêu đều đều bản giao hưởng của miền sông nước. “Buôn bán không lời chèo chống mải mê”. Không những không lời mà chị Hai chuyến này lỗ nặng.
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstok |
Nói vậy chứ chuyện vợ chồng, sao mà so sánh như buôn bán. Hôm sau, anh rể cũng về xin lỗi và năn nỉ, thề bỏ cờ bạc, còn mở cuộc họp gia đình, ký vào tờ giấy cam đoan, đứa con gái riêng cũng về Bắc ở với chị nó. Chị Hai một lần nữa làm lại từ đầu, vì con, chị mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Chị từng bước, từ mềm dẻo đến cứng rắn, cứu anh khỏi con đường cờ bạc. Còn về quán ăn sáng, chị đa dạng các món và cải thiện chất lượng bằng cách học hỏi không ngừng. Đúng câu “Gái có công, chồng không phụ”. Chị và anh rể cùng nhau vực dậy kinh tế gia đình.
Thoắt cái đã mười mấy năm. Đường lộ đã cao thêm mấy phần, còn phía sau hè, hàng dừa nước vẫn dịu dàng bên bờ mương xanh, khoảng sân nhỏ má ngồi với chị Hai chuyện trò, vang tiếng bìm bịp kêu báo hiệu con nước ròng, nước lớn.
Kim Loan