Nếu chỉ ngồi một chỗ trông chờ vào kênh phân phối duy nhất là các chuỗi siêu thị, chắc chắn họ sẽ phải nhận về rất nhiều hệ lụy. Tuy vậy, đó không phải là bài học duy nhất của những đơn vị tham gia kinh doanh trong bối cảnh kinh tế hội nhập cùng với rất nhiều hiệp định thương mại tự do được ký kết.
Bài học về xây dựng hệ thống phân phối
Thử đặt vấn đề ngược lại, nếu Big C chưa từng ngưng nhập hàng may mặc Việt Nam, mọi hoạt động kinh doanh vẫn đang tiếp diễn bình thường, bỗng đùng một cái, chuỗi siêu thị này kinh doanh không còn hiệu quả nữa, dẫn đến việc bị chuyển nhượng và ngưng hoạt động. Hệ lụy tất yếu kéo theo chính là tình trạng bắt buộc phải dừng đột ngột việc nhập sản phẩm của các doanh nghiệp Việt đang ký kết hợp đồng cung cấp sản phẩm với siêu thị trong thời điểm đó. Cũng là Big C và câu chuyện ngưng hợp đồng, nhưng ở một hình thái và hoàn cảnh khác. Chuyện gì sẽ xảy ra?
Tất nhiên, chẳng ai muốn chuyện này xảy ra, nhưng các doanh nghiệp một khi đã tham gia thị trường kinh tế, bắt buộc phải lường trước tình huống xấu nhất đó. Như vậy, lý do gì để các thương hiệu may mặc Việt bị sốc khi Big C đột ngột ngưng hợp đồng cung cấp với họ? Phải chăng, vì ngoài Big C, họ không còn biết phải mang sản phẩm của mình bán cho ai? Tình trạng phụ thuộc đầu ra, không thể tự phát triển kênh phân phối sản phẩm, không thể phát triển thương hiệu để tự đứng trên đôi chân của chính mình là một trong những vấn đề mà phần lớn doanh nghiệp Việt đang mắc phải.
Theo chuyên gia tư vấn thương hiệu Đoàn Đình Hoàng, trong tất cả chuỗi giá trị thì phân phối đóng vai trò như một cái yết hầu. Các doanh nghiệp Việt Nam có thể rất giỏi trong khâu sản xuất, rất xuất sắc trong khâu chế biến, nhưng tới khâu phân phối thì gần như đuối. Phân phối là cái yết hầu, lên tới yết hầu mà bị nghẽn lại thì mọi hoạt động khác đều bế tắc và không còn giá trị.
Ông Hoàng cũng cho rằng, mặc dù thực tế đã có một vài doanh nghiệp nỗ lực vượt qua “câu chuyện” phân phối, chẳng hạn như Vinamilk có hệ thống cửa hàng bán sữa riêng, Co.opmart ráng cầm cự để có được chuỗi cửa hàng của chính mình, Vinmart tham gia thị trường và đã tạo được chuỗi phân phối đáng kể... nhưng các doanh nghiệp này không thể đại diện cho tất cả.
Big C ngưng nhận hàng từ các nhà cung cấp thời trang Việt đã bộc lộ nhiều vấn đề đối với các nhà sản xuất hàng tiêu dùng trong nước
Hệ thống phân phối phải cực kỳ đa dạng, là cái cổng kết nối để chính thức chuyển hóa hàng hóa thành doanh thu. Vậy mà, nhìn lại thực tế, Big C, Metro, Lotte, Aeon mall, Familymart, Circle K, Lazada... tất cả đều là của các tập đoàn nước ngoài. May mà chúng ta còn giữ lại được hợp tác xã thương mại, tiền thân của Co.opmart hiện thời, còn những cái tên như Hanoi, Satra… gần như mất hút. Đó là những câu chuyện cay đắng.
Tuy vậy, sau những sự cố bẽ bàng như cú sốc Big C vừa rồi, mảng tối của bức tranh kinh tế mới thật sự lộ diện. Chúng ta phải thấy đó là một sự thật dù ê chề, nhưng rõ ràng là một dấu hiệu hoàn toàn may mắn. Bởi khi thấy được cái sai của mình nằm ở đâu, các doanh nghiệp mới có cơ hội thay đổi, các bên tham gia thị trường mới có thể nhận thức đúng đắn hơn về câu chuyện của mình.
Nếu như trước đây, họ cảm thấy việc đầu tư vào hệ thống phân phối là công đoạn thừa thãi, chăm chút vào đội ngũ bán hàng hay tập trung quảng bá thương hiệu trên các phương tiện truyền thông, website là lãng phí… thì bây giờ, chính họ sẽ phải nghiêm túc hình dung ra từng mắt xích của việc phân phối là gì, và bắt đầu để tâm đến nó từ công đoạn nhỏ nhất.
Nhiều năm gần đây, các doanh nghiệp thông minh đã bắt đầu xây dựng hệ thống phân phối cho chính mình. Theo ông Nguyễn Lâm Viên - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vinamit - một doanh nghiệp nhỏ chỉ cần 100 đến 500 điểm phân phối là đã có thể vững vàng đi qua mọi cạnh tranh khốc liệt của thị trường.
Không chỉ phát triển hệ thống phân phối trong nước, có doanh nghiệp còn xây dựng cả hệ thống phân phối ở nước ngoài, với nền tảng sản xuất theo công nghệ và tiêu chuẩn quốc tế, dựa trên những nhu cầu của cộng đồng người tiêu dùng trên toàn cầu. Chỉ cần sức mua trong nước có dấu hiệu bất ổn là họ mang ra nước ngoài bán ngay. Sự linh động này, trong một chừng mực nào đó, có thể giúp các doanh nghiệp dễ dàng vượt qua mọi khủng hoảng kinh tế.
Bài học về thay đổi tư duy kinh doanh
Rất nhiều doanh nghiệp hiện vẫn giữ tư duy kinh doanh cũ, đó là một trong những nguyên nhân khiến sản phẩm Việt thua trắng ngay trên sân nhà. Theo chuyên gia thương hiệu Đoàn Đình Hoàng, tư duy đó chỉ phù hợp với giai đoạn bao cấp. Trong lúc người tiêu dùng hiện đại bỏ tiền ra mua một sản phẩm, họ không còn quan tâm đó là sản phẩm họ cần, mà họ chỉ để ý đến việc họ sẽ có được những giá trị gì từ sản phẩm đó.
Chẳng hạn, giữa một doanh nghiệp bán ra một cái áo theo cách thông thường với một doanh nghiệp bán một cái áo thông qua ứng dụng - tức là người tiêu dùng chỉ việc ngồi một chỗ xem hàng hóa qua màn hình điện thoại và hoàn tất mọi thủ tục mua nó chỉ bằng một cú click, thì đương nhiên, người tiêu dùng sẽ chọn mua cái áo theo cách thứ hai.
Bằng cách này, họ không còn mua sản phẩm (cái áo) nữa, mà là họ đang mua giá trị (sự tiện ích, sự nhanh chóng, mức thời gian tiết kiệm được…). Vì vậy, các doanh nghiệp muốn bán được hàng, hãy thay đổi ngay tư duy “chúng tôi đang bán cho bạn một sản phẩm”, thành tư duy “chúng tôi đang bán cho bạn một giá trị từ sản phẩm bạn cần”. Người tiêu dùng thời hiện đại không trả tiền để mua một sản phẩm nữa, họ trả tiền cho giá trị mà sản phẩm sẽ mang đến cho họ.
Trở lại câu chuyện của Big C, rất nhiều doanh nghiệp Việt đang tư duy theo hướng cũ. Họ chỉ nghĩ rằng họ làm ra sản phẩm và ký gửi vào siêu thị để bán, mà quên rằng khách hàng của họ là ai, đang thực sự cần gì. Bây giờ, một số lượng rất lớn khách hàng tiềm năng đâu còn tốn nhiều thời gian để đi siêu thị nữa. Họ quá bận rộn với việc công sở, việc nhà, xem ti vi và lướt web để mua sắm tất tần tật những thứ họ cần cho ngày mai. Những dịch vụ giao hàng nhanh, giao hàng tiện ích sẵn sàng làm giúp họ khoản di chuyển mất thời gian đó với chi phí siêu rẻ, thậm chí là miễn phí. Vậy thì, những mặt hàng nằm trên kệ siêu thị từ ngày này sang tháng nọ còn chờ để bán cho ai?
Ông Hoàng nhìn nhận, những sự kiện đáng buồn vừa qua như chuyện Asanzo, Big C chính là lời cảnh báo cho doanh nghiệp và các thành phần tham gia thị trường về mảng tối của một bức tranh. Nó thậm chí đã hiển hiện rồi, để nhắc nhở các doanh nghiệp rằng, nếu không chịu thay đổi thì chính họ sẽ bị thay đổi.
Phải ý thức rằng, cuộc chiến ngày hôm nay là cố gắng liên kết và kiểm soát được một chuỗi giá trị. Và đây là thời điểm thuận lợi để xây dựng chuỗi giá trị đó, vì nền tảng công nghệ hiện nay cho phép bán hàng online. Doanh nghiệp có thể đấu nối nền tảng bán hàng online đó với chợ, siêu thị, cửa hàng khác thành một hệ thống, kiểm soát, chăm sóc khách hàng, biết khách hàng mua ở đâu, nên chăm sóc họ như thế nào.
Người ta đang chào bán những giải pháp như thế trên thị trường để doanh nghiệp tiếp cận, xây dựng hệ thống ERB, hệ thống Omni Channel (bán hàng đa kênh)… giúp doanh nghiệp phát triển chủ động hơn. Đó cũng là cách chơi theo đúng chuẩn thế giới.
Finelife Foodstore Lumière An Phú - một thương hiệu thuộc sở hữu của Saigon Co.op vừa khai trương tại chung cư Lumière Riverside (phường An Phú, TP Thủ Đức, TPHCM).
Nhiều thương hiệu trong lĩnh vực từ hàng gia dụng, thời trang, tới mỹ phẩm… đang ghi nhận doanh số tăng vọt khi chuyển đổi bán hàng qua hình thức livestream.
Quyết định giảm lãi suất 0,25% của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) khiến giá vàng thế giới giảm mạnh, giá vàng SJC trong nước giảm gần 1,2 triệu đồng/lượng.