Biểu tượng tình thương của khu phố

05/07/2017 - 16:23

PNO - Không chỉ hết lòng chăm lo, hỗ trợ PN nghèo, người cán bộ Hội có vóc dáng nhỏ nhắn, gương mặt phúc hậu này còn giúp bà con có nước sạch sinh hoạt, học sinh an tâm tới trường.

“Dì là biểu tượng tình thương của khu phố” - người dân sống dọc theo mé rạch Bà Tàng (P.7, Q.8, TP.HCM) đã nói với tôi như vậy về dì Đoàn Thị Kim Thu (SN 1948), Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ (PN) khu phố 2, P.7. 

Bieu tuong tinh thuong cua khu pho
Dì Thu (trái) đến nhà thăm hỏi công việc của chị Lạc

Quê gốc Quảng Bình, năm 1993, dì Thu vào TP.HCM, đến năm 1997 thì bắt đầu tham gia công tác Hội. Thời điểm trước năm 2004, người dân khu phố 2 phải mua nước uống từ dưới ghe lên, giá 50.000đ/m3, còn tắm, giặt thì cứ bám vào rạch Bà Tàng. Xót quá, dì chạy đi hỏi thủ tục, làm đơn đề nghị Công ty cổ phần cấp nước Chợ Lớn đưa đường ống nước về đây. 89 hộ đăng ký lắp đồng hồ nước, trong đó có 10 hộ khó khăn không đủ khả năng trả phí lắp đặt ngay (1 triệu đồng). Vậy là dì lại làm đơn đề nghị cho bà con được trả góp 100.000đ/tháng. 

Ở khu phố, dì thuộc nằm lòng hoàn cảnh từng hộ, luôn tìm cách hỗ trợ bà con cả vật chất lẫn tinh thần. Chị Văn Thị Mỹ Loan (SN 1980) thổ lộ: “Chúng tôi được dì Thu giúp từ cân gạo, cái thẻ bảo hiểm y tế đến học bổng, xe đạp cho con. 13 hộ ven kênh Bà Tàng này coi dì như người nhà, người ơn”. 

Chiều tối, bà Nguyễn Thị Ba đẩy xe lăn cho cậu con trai Nguyễn Văn Giàu (SN 1991) ra rạch Bà Tàng hóng mát. Từ một thanh niên khỏe mạnh, vui tính làm nghề thợ xây, giờ Giàu phải ngồi xe lăn và tinh thần không còn ổn định do bị tai nạn giao thông vào năm 2015. Ngày ngày, anh trai Giàu là Nguyễn Văn Sang (SN 1988) đi lưới cá trên rạch Bà Tàng, còn bà Ba bán vé số.

Khi Giàu mới bị tai nạn, trong nhà không có đồng nào, cũng không có gì đáng giá để bán. Một mặt bỏ tiền túi, một mặt, dì Thu tới từng nhà cán bộ, hội viên PN kêu gọi “của ít lòng nhiều” để giúp nhau khi khó. Nhờ vậy mà Giàu có kinh phí phẫu thuật. Lâu lâu, dì Thu lại mang qua nhà cho má con bà Ba chục ký gạo, mấy chai dầu ăn, cân đường. “Má con tôi chịu ơn chị Thu nhiều lắm, không biết kể sao cho hết. Mà kỳ thực thì khắp khu phố này, cứ đâu khó là chị Thu tới chứ chẳng riêng nhà tôi” - bà Ba chia sẻ. 

Ngồi cắt chỉ đống quần áo thể thao, chị Võ Thị Trường Lạc (SN 1972, ngụ tổ 17, khu phố 2) tâm tình: “Không có dì, chắc tới cuối đời tôi vẫn ở nhà lá, ngày hai bận lo tát nước ngập”. Chồng mất vì bệnh xơ gan, chị Lạc vừa nuôi con, vừa chăm sóc mẹ chồng đã ngót nghét tuổi 70. Căn nhà lá cũ xập xệ, dột trên, ngập dưới, nhưng chưa lần nào chị dám mơ đến chuyện xây hay sửa lại. Như phần đông bà con sống ven rạch Bà Tàng, chị lưới cá mang ra chợ Phú Lợi 1 bán, hôm nào trúng mánh mới kiếm được chừng 100.000-200.000đ. Thấy cảnh nhà túng quẫn, em Kim Thị Ngọc Thủy quyết định bỏ học khi mới vô lớp 7, phụ má lo cuộc mưu sinh, sống khép kín. 

Tháng 7/2015, Hội LHPN P.7 thành lập câu lạc bộ (CLB) PN giúp nhau làm kinh tế gia đình, dì Thu liền giới thiệu chị Lạc vào CLB. Từ đó, chị nhận may gia công quần áo, cờ, mỗi tháng có thêm hơn 3 triệu đồng. Bên cạnh việc đề xuất địa phương xây nhà tình thương cho chị Lạc, dì Thu còn động viên Ngọc Thủy đi học lại. Hiện, Thủy là Bí thư Chi đoàn thanh niên khu phố 2, đồng thời theo học bổ túc văn hóa cho hết THPT. 

69 tuổi đời, 49 tuổi Đảng, dì Thu vẫn cần mẫn với hàng trăm công việc. Đã thành nếp, sáng nào dì cũng dậy sớm để dọn dẹp rác trong hẻm 2733 Phạm Thế Hiển. Theo gương dì, chị em khu phố sốt sắng cầm chổi, ki ra đường. 

Nhắc đến dì, chị Lê Thị Thu Hằng, Chủ tịch Hội LHPN P.7 xúc động: “Dù đã lớn tuổi, nhưng bất kể giờ giấc, cứ có hoạt động nào của Hội là dì Thu đều tham gia rất nhiệt tình. Tại địa phương, dì chú trọng công tác chăm lo, hỗ trợ về mọi mặt cho PN, đặc biệt là PN đơn thân, mắc bệnh hiểm nghèo, qua đó giúp chị em có thêm niềm tin, động lực vươn lên trong cuộc sống”. 

 Mẫn Nhi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI