Ngòi bút, cánh hoa dầu… thành biểu tượng
Công trình kiến trúc được thiết kế theo ý tưởng “con thuyền nghệ thuật chở đạo lý” với biểu tượng “ngòi bút chiến đấu” vừa được đưa vào sử dụng tại vòng xoay An Hội, TP Bến Tre (tỉnh Bến Tre). Hình ảnh gợi nhớ đến câu thơ của cụ Đồ Chiểu: “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”. Biểu tượng mới xuất hiện tạo không ít tranh luận về việc hình ảnh ngòi bút và cánh buồm được cách điệu. Tuy nhiên, về mặt ý nghĩa lớn lao hơn, đây là sự tôn vinh và nhắc nhớ đến một thi nhân kiệt xuất của Bến Tre, danh nhân văn hóa thế giới đầu tiên của vùng đất Nam Bộ: nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu.
|
Biểu tượng của TPHCM hiện nay |
Tỉnh Bến Tre có khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt: mộ và khu tưởng niệm Nguyễn Đình Chiểu (xã An Đức, huyện Ba Tri). Nay, ngòi bút cụ Đồ Chiểu trở thành biểu tượng, làm điểm nhấn mới cho thành phố xứ dừa, đồng thời cũng là một chỉ dấu văn hóa có ý nghĩa của vùng đất. “Ngòi bút chiến đấu” của cụ Đồ Chiểu không chỉ là niềm tự hào của nhân dân Bến Tre mà đó còn là tinh thần, phẩm cách cao đẹp của một thi nhân Việt Nam, một cá nhân kiệt xuất vươn tầm thế giới.
Mỗi vùng đất có riêng những biểu tượng văn hóa mang tính đại diện. Đó có thể là con người hoặc cảnh quan văn hóa, sản vật, công trình kiến trúc lâu đời, đời sống sinh hoạt của cộng đồng cư dân… Một trong những biểu tượng đẹp, để lại ấn tượng sâu sắc về vùng đất phương Nam lâu nay là hình ảnh cây đờn kìm (được đặt tại quảng trường Hùng Vương, tỉnh Bạc Liêu). Đây không chỉ là dấu ấn văn hóa trên quê hương cố soạn giả Cao Văn Lầu mà còn là bản sắc văn hóa của miền Tây Nam Bộ.
Những hình ảnh mang dấu ấn riêng của từng tỉnh/thành có: sếu đầu đỏ, sen hồng (Đồng Tháp), cua Cà Mau, cá ba sa (TP Châu Đốc, tỉnh An Giang), trái thanh long (Bình Thuận), tháp Trầm Hương (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa)… Mới đây, TP Thủ Dầu Một đã khánh thành biểu tượng cánh hoa dầu tại phố đi bộ Bạch Đằng. Công trình ra mắt đúng dịp kỷ niệm 79 năm ngày Quốc khánh 2/9, thu hút đông đảo người dân và du khách đến tham quan, chụp ảnh. Hoa dầu cũng trở thành biểu tượng nhận diện mới cho ngành du lịch tỉnh Bình Dương. Biểu tượng của những vùng đất mang hình ảnh các loài hoa còn có: TP Thủ Đức với hoa hướng dương, Đà Lạt với dã quỳ và atiso, Hải Phòng với hoa phượng đỏ, Hà Giang với hoa tam giác mạch…
Khi ngòi bút, cánh hoa dầu… trở thành những biểu tượng mới đã gợi nhớ biết bao dấu ấn văn hóa của từng nơi chốn trên dải đất hình chữ S. Đó không chỉ là hình ảnh nhận diện cho mỗi địa phương mà còn là câu chuyện lịch sử - văn hóa của đất và người.
|
Công trình kiến trúc được thiết kế theo ý tưởng “con thuyền nghệ thuật chở đạo lý” và “ngòi bút chiến đấu” tại Bến Tre - Nguồn ảnh: UBND TP Bến Tre |
Di chỉ văn hóa trên bản đồ du lịch
Trải qua từng thời kỳ, những biểu tượng còn ôm chứa câu chuyện của lịch sử với những thăng trầm, đổi thay của vùng đất. Lịch sử Sài Gòn thời Pháp thuộc ghi nhận biểu tượng đầu tiên mà người Pháp thiết kế cho “hòn ngọc Viễn Đông” (được đưa vào sử dụng năm 1870) - hình ảnh 2 con hổ Đông Dương, trên mảnh đất có cây cối và con tàu, đại diện cho công nghiệp đóng tàu Ba Son lớn nhất Đông Dương lúc bấy giờ. Nay, logo được UNBD TPHCM sử dụng là hình ảnh bến Nhà Rồng - nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, với cờ đỏ sao vàng, hoa sen và mặt trời.
Sài Gòn - TPHCM có những kiến trúc cổ xưa đến những công trình hiện đại nổi bật, tất cả đều là biểu tượng văn hóa của đô thị có lịch sử hàng trăm năm. “Biểu tượng không dừng lại ở khía cạnh vật thể, mà triển khai rộng hơn những gì phóng chiếu từ nội hàm lịch sử, văn hóa thị dân; là khởi sinh, tiếp biến cho đến tổng hòa những chỉ dấu nội tại để nhận diện Sài Gòn. Đó là những tiêu điểm văn hóa, là sự tỏa sáng của những nhân vật được xem là biểu trưng cho linh hồn của nơi chốn” - trích lời mở đầu tác phẩm Sài Gòn những biểu tượng, Phanbook phát hành.
|
Biểu tượng của TPHCM thời Pháp thuộc - Ảnh tư liệu |
Những biểu tượng (đã được UBND tỉnh/thành phố tương ứng xác nhận) có tính đại diện cao, mang giá trị bản sắc và trở thành những di chỉ văn hóa trên bản đồ du lịch. Hà Nội có Khuê Văn Các, Nam Định có chùa Phổ Minh, Hải Dương có đền Kiếp Bạc… Lịch sử 4.000 năm dựng nước và giữ nước ở lại trong hình ảnh biểu tượng voi và Hai Bà Trưng (Vĩnh Phúc), đền Hùng (Phú Thọ), đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng (Ninh Bình), thành nhà Hồ (Thanh Hóa), cây đa Tân Trào (Tuyên Quang), cầu Hiền Lương (Quảng Trị)… Bên cạnh đó, ở mỗi địa phương còn có những tượng đài về các vị anh hùng lịch sử, danh nhân văn hóa, hiền tài nước Việt.
Những biểu tượng mang dáng hình thành phố là vẻ đẹp của đô thị, góp phần quảng bá du lịch cho địa phương và định vị dấu ấn bản sắc trên bản đồ du lịch thế giới. Thế nên, việc lựa chọn và thiết kế công trình kiến trúc có tính biểu tượng cần thận trọng. Sẽ trọn vẹn hơn khi được người dân đón nhận bằng sự yêu thích và niềm tự hào.
Lục Diệp