Biểu tình tiếp diễn ở Myanmar khi đã có ít nhất 21 người chết

03/03/2021 - 14:52

PNO - Truyền thông địa phương đưa tin, lực lượng an ninh đã bắn đạn cao su, hơi cay để giải tán các cuộc biểu tình chống chính quyền ở Myanmar hôm 3/3, làm một số người bị thương.

Trước đó hôm 2/3, Bộ trưởng Ngoại giao các nước láng giềng Đông Nam Á kêu gọi người dân và quân đội Myanmar kiềm chế, nhưng không đoàn kết trong việc kêu gọi quân đội thả nhà lãnh đạo chính phủ bị lật đổ Aung San Suu Kyi và khôi phục nền dân chủ.

Ít nhất 21 người đã thiệt mạng kể từ cuộc đảo chính quân sự vào tháng 1/2 – cột mốc chấm dứt nỗ lực tiến bộ của Myanmar đối với chế độ dân chủ, và gây ra các cuộc biểu tình phản đối trên khắp đất nước, thậm chí là ở quốc tế.

Ngày 3/3, hãng tin Myanmar Now tiết lộ 9 người bị thương khi cảnh sát bắn đạn cao su ở Mandalay. Ngoài ra, có báo cáo chưa được xác nhận về các vụ nổ súng làm bị thương người biểu tình ở thị trấn trung tâm Myingyan và Magway. Truyền thông đưa tin 5 người bị thương ở thị trấn Monywa.

Những người biểu tình cũng xuống đường ở bang Chin phía Tây, bang Kachin phía Bắc, bang Shan phía Đông bắc, khu vực trung tâm Sagaing và thị trấn phía Nam Dawei. Salai Lian, một nhà hoạt động ở bang Chin, nói với Reuters: “Chúng tôi muốn chứng tỏ rằng không ai ở đất nước này muốn chế độ độc tài”.

Người dân khắp các khu vực tại Myanmar liên tục xuống đường phản đối chính quyền quân sự, đòi tự do cho bà đổ Aung San Suu Kyi
Người dân khắp các khu vực tại Myanmar liên tục xuống đường phản đối chính quyền quân sự, đòi tự do cho bà Aung San Suu Kyi

Quốc tế lo ngại về tình trạng hỗn loạn gia tăng, nhưng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã không đạt được bước đột phá trong cuộc họp ngoại trưởng trực tuyến về vấn đề tại Myanmar vào thứ Ba 2/3.

Chỉ có bốn thành viên - Indonesia, Malaysia, Philippines và Singapore - kêu gọi trả tự do cho bà Suu Kyi và những người bị giam giữ khác.

Trong một cuộc phỏng vấn cùng ngày, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho biết cuộc đảo chính là một bước lùi "bi thảm" đối với Myanmar, và việc lực lượng an ninh của nước này sử dụng vũ lực sát thương với dân chúng là "thảm họa".

Truyền thông nhà nước Myanmar cho biết, quân đội chỉ định bộ trưởng ngoại giao tham dự cuộc họp ASEAN để “trao đổi quan điểm về các vấn đề khu vực và quốc tế”, nhưng không đề cập đến trọng tâm các vấn đề của Myanmar.

Nỗ lực của ASEAN nhằm tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng đã vấp phải sự chỉ trích từ nội bộ dân chúng Myanmar, với lo ngại rằng tổ chức sẽ hợp pháp hóa chính quyền và không giúp ích gì cho đất nước.

Nhà hoạt động Thinzar Shunlei Yi nói với Reuters khi được hỏi về nỗ lực của ASEAN, kêu gọi biện pháp trừng phạt các doanh nghiệp có liên hệ với quân đội.

Trong khi đó, bản tin tối 2/3 trên kênh truyền hình nhà nước Myanmar cho biết những kẻ kích động đang tập hợp người dân trên mạng xã hội, thành lập “các tổ chức bất hợp pháp”.

Sau khi mặt trời lặn ở các khu vực của Yangon, người dân bước ra ban công để hô vang các khẩu hiệu chống quân đội, bao gồm "cuộc cách mạng phải thành công". Những người khác đập xoong chảo để biểu thị sự phản đối chính quyền quân sự hàng đêm.

Linh La (theo Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI