Biểu tình ở Thái Lan và việc không lùi bước của người trẻ

26/10/2020 - 06:54

PNO - Thủ tướng Prayut Chan-o-cha kêu gọi các bên lùi một bước và đối thoại. Ông bảo đảm rằng, mọi tiếng nói sẽ được lắng nghe. Theo đó, tất cả yêu cầu cần được thảo luận tại quốc hội. Dự kiến, một phiên họp bất thường sẽ được triệu tập vào ngày 26 hoặc 27/10. Giải thích quyết định của mình, Thủ tướng Prayut nói muốn giảm nhiệt, đồng thời thừa nhận “hầu hết những người biểu tình đều có động cơ tốt”.

Người biểu tình không nhượng bộ

Thời hạn chót cho việc từ chức của thủ tướng Thái Lan được người biểu tình đưa ra là 22g tối 24/10 và việc này đã không xảy ra. Sinh viên tiếp tục lên kế hoạch hành động và không lùi bước. Mặc dù trước đó, chính phủ đã thu hồi tình trạng khẩn cấp ở Bangkok và hy vọng những người tham gia các cuộc tình do sinh viên khởi xướng sẽ lắng nghe lời kêu gọi của thủ tướng. Tuy nhiên, người dân cho rằng, phía cần lắng nghe chính là nội các của tướng Prayut.

Giới trẻ Thái xuống đường biểu tình suốt những ngày qua
Giới trẻ Thái xuống đường biểu tình suốt những ngày qua

Kể từ tháng Bảy, người biểu tình đã yêu cầu ông Prayut phải ra đi, thay đổi hiến pháp và tăng cường cải cách nhằm kiềm chế quyền lực của chế độ quân chủ. Nhưng cách tiếp cận bằng “nắm đấm sắt” của chính phủ đã tỏ ra phản tác dụng. Không chỉ bắt giữ nhiều người, lực lượng cảnh sát còn phun nước bị nhiễm hóa chất bằng vòi rồng vào người biểu tình. Điều đó càng làm dấy lên sự giận dữ.

Trong tuần qua, thủ tướng Thái Lan đã yêu cầu cơ quan chức năng phải xem xét khía cạnh pháp lý của các biện pháp đã thực hiện với người biểu tình. Giới quan sát cho rằng, chính phủ phải chứng minh sự chân thành của mình bằng cách theo đuổi sự thay đổi và phong trào dân chủ phải nhận ra rằng, tất cả yêu cầu của họ không thể được đáp ứng chỉ trong một sớm, một chiều. Thay vào đó, nên cùng nhau thu hẹp sự khác biệt với mục tiêu cuối cùng là lợi ích quốc gia.

Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đến chùa Wat Chetuphon Wimon Mangkhalaram để cầu nguyện cho đất nước ngày 24/10 - Ảnh: Wichan Charoenkiatpakul
Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đến chùa Wat Chetuphon Wimon Mangkhalaram để cầu nguyện cho đất nước ngày 24/10 - Ảnh: Wichan Charoenkiatpakul

Bị chia rẽ vì không chịu lắng nghe

Tuy nhiên, tờ Bangkok Post cho rằng, nếu bỏ cuộc tranh luận về chế độ quân chủ sang một bên thì hai yêu cầu còn lại của người biểu tình liên quan trực tiếp đến thủ tướng và các nghị sĩ đã không nhận được bất kỳ phản hồi nào từ chính phủ. Thay vào đó, chính quyền của tướng Prayut phản ứng lạnh lùng, cứng rắn chống lại các cuộc xuống đường. Các nghị sĩ phe chính phủ dùng nhiều thủ đoạn pháp lý hòng trì hoãn quá trình viết lại hiến pháp với lý do “các thượng nghị sĩ cần thêm thời gian để đọc và hiểu các dự thảo trước khi quyết định sửa đổi”.

Tờ báo có số phát hành lớn tại Thái Lan nêu quan điểm, Thủ tướng Prayut cần thừa nhận rằng, nguyên nhân sâu xa của tình trạng bất ổn chính trị là một điều luật được “thiết kế” trong hiến pháp giúp kéo dài thời gian nắm quyền của ông. Theo luật hiện hành, các thượng nghị sĩ có quyền đề cử người ngoài cuộc làm thủ tướng nếu Hạ viện không chọn được người từ danh sách các ứng cử viên do các đảng phái chính trị đề cử. Do đó, với nhiệm kỳ 5 năm, Thượng viện có thể phê chuẩn một thủ tướng ít nhất hai lần khi chính phủ hiện tại hoàn thành nhiệm kỳ bốn năm.

Phần lớn người biểu tình là học sinh - sinh viên
Phần lớn người biểu tình là học sinh - sinh viên

Thay vì thừa nhận vấn đề, tướng Prayut dường như tự cho mình là một “vị cứu tinh” ở chính trường Thái Lan. Ông thường hỏi giới truyền thông rằng, đất nước sẽ ra sao nếu không có sự can thiệp của ông hồi năm 2014. Niềm tin sai lầm này là một trong những lý do chính khiến thủ tướng có hành động cứng rắn chống lại những thanh niên đòi dân chủ.

Nếu không giải quyết vấn đề gốc rễ bằng cách lắng nghe tiếng nói của người trẻ, tướng Prayut và nội các có nguy cơ coi mình là người chiến thắng mà không thấy rằng, một đất nước đang bị chia rẽ sâu sắc như hiện nay lại chính là một thất bại toàn cục.

Năm nay, Liên Hiệp Quốc đánh dấu 75 năm thành lập và hướng đến người trẻ cho một cột mốc quan trọng về tiến bộ kinh tế và xã hội phi thường ở châu Á - Thái Bình Dương. Trong bối cảnh đó, Gita Sabharwal - điều phối viên thường trú của Liên Hiệp Quốc tại Thái Lan - cho rằng người trẻ sẽ thảo luận về cách thức có thể mở rộng quy mô công nghệ và các giải pháp mới để xây dựng các nền kinh tế và xã hội theo hướng hòa nhập hơn, xanh hơn và khả năng phục hồi nhanh hơn. 

 Quốc Ngọc (theo Bangkok Post)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI