Biểu tình chống ông Trump lan rộng vì mạng xã hội

13/02/2017 - 18:58

PNO - Twitter, Facebook, Instagram vô tình trở thành công cụ đắc lực cho làn sóng phản đối các sắc lệnh của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Không lâu sau khi Tổng thống Donald Trump ban hành lệnh cấm nhập cảnh đối với bảy quốc gia đa số Hồi giáo, nhà hoạt động xã hội Dex Torricke-Barton viết trên Facebook: “Tôi nghĩ đến việc tổ chức một cuộc biểu tình”. Trong vòng vài giờ, hơn 1.000 người bày tỏ sự quan tâm. Kết quả, cuộc biểu tình diễn ra một tuần sau đó, ở trước tòa thị chính San Francisco, thu hút hàng ngàn người tham gia.

Từ việc tổ chức các cuộc biểu tình đến quyên tiền cho người tị nạn và di cư, phương tiện truyền thông xã hội dần trở thành công cụ chống lại ông Trump.

Tại quận Queens, New York, 27 phụ nữ tham gia viết thư cho đại diện nhà nước và địa phương trong cuộc vận động “Giờ viết thư” trên Facebook. Hay trên trang web Ravelry của cộng đồng thêu móc đan tại Mỹ, các thành viên kêu gọi tổ chức phong trào “mũ hồng”, biểu tượng cho cuộc biểu tình của phụ nữ sau lễ nhậm chức của ông Trump.

“Dự án thành công nhờ kết hợp giữa kỹ thuật số và thực tiễn. Chúng tôi khai thác triệt để phương tiện truyền thông xã hội,” Jayna Zweiman, một trong những người sáng lập dự án “mũ hồng” cho biết.

Bieu tinh chong ong Trump lan rong vi mang xa hoi
Phong trào "mũ hồng" vào tháng 1/2017 thu hút hơn 100.000 phụ nữ tham dự.

“Năm 1969, hoạt động tuần hành phản đối chiến tranh ở Việt Nam phải mất nhiều tháng chuẩn bị. Nhưng cuộc diễu hành của phụ nữ vừa qua đạt được quy mô lớn hơn nhiều chỉ trong thời gian ngắn,” Christopher Huff, giáo sư xã hội học từ đại học Beacon nhận xét.

Nhiều giám đốc điều hành và nhân viên tại Silicon Valley, cũng như giới công nghệ toàn thế giới bày tỏ sự phản đối sắc lệnh của ông Trump ở quy mô chưa từng thấy trong các ngành công nghiệp khác.

Tập đoàn Meetup tại New York, chuyên cung cấp dịch vụ miễn phí giúp mọi người thành lập, tìm kiếm, kết nối với những hội nhóm có cùng mục tiêu, sở thích, đam mê, tuyên bố hỗ trợ người dân tham gia vào các phong trào chống Trump. Tính đến nay, hơn 35.000 người đã tham gia các nhóm “chống Trump” trên trang Meetup và dự kiến tổ chức 625 sự kiện trên khắp thế giới.

Nhà đầu tư mạo hiểm Bijan Sabet (Mỹ) cũng đăng một dòng tin trên twitter kêu gọi gây quỹ cho Hiệp hội tự do dân sự Mỹ. Ông Sabet dự đoán phải mất đến hai tháng để đạt mục tiêu 50.000 USD. Nhưng chỉ trong một tuần, quỹ thu về 24 triệu USD.

Tuy nhiên, xu hướng mạng xã hội mang cả ưu điểm và nhược điểm. Dù có khả năng huy động lực lượng nhanh chóng, mối liên hệ lại lỏng lẻo khiến mọi người không nắm bắt được “nỗ lực dài hạn” cần thiết để duy trì phong trào.

Bieu tinh chong ong Trump lan rong vi mang xa hoi
Truyền thông xã hội giúp người dân bày tỏ ý kiến của mình và tìm kiếm các hội nhóm cùng chí hướng.

Tarun Banerjee, giáo sư xã hội học tại Đại học Pittsburgh bình luận: “Truyền thông xã hội góp phần lan truyền tin tức, phá bỏ các rào cản và nâng cao nhận thức người dân. Dù mọi người không thể thay đổi quyết định của Tổng thống thông qua mạng xã hội. nhưng chắc chắn tiếng nói của họ sẽ được lắng nghe”.

Bảo Tùng (Theo AP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI