Biếu quà cuối năm, nhận về nỗi băn khoăn

20/01/2025 - 13:56

PNO - Mỗi khi nhận được quà, Cúc thường chụp ảnh món quà, gửi báo cho người gửi biết là mình đã nhận, cùng thể hiện cảm xúc là mình đã rất vui.

Khi ta nhận quà là nhận cả tấm lòng của người gửi (ảnh minh họa)
Khi ta nhận quà là nhận cả tấm lòng của người gửi (ảnh minh họa)

Gia đình Cúc có thói quen mỗi dịp cuối năm biếu quà cho nhau. Đó là những món quà đơn sơ thôi, ai có gì biếu nấy. Như cô em gái Cúc có khiếu làm món kim chi rất ngon, ai ăn cũng thích. Thế là mỗi năm, cô ấy tranh thủ làm mẻ kim chi đi biếu từng gia đình.

Nhà cô em út của Cúc thì ở tận Củ Chi, đất vườn rộng mà vợ chồng lại mê trồng cây. Mỗi năm lại canh thời gian để trồng các loại hoa, cây chưng trong dịp tết để biếu mỗi gia đình cặp cây về chơi tết. Có năm trồng thành công cả vườn tắc, ra trái trĩu trịt đúng mùa xuân, thế là mỗi nhà có cặp tắc sum suê chưng trước cửa.

Anh trai của Cúc thì có tài làm những món truyền thống như là gói bánh chưng, bó giò thủ, nem nắm. Cứ gần tết là “đánh tiếng” sẽ làm món gì, để anh chị em biết khỏi mua món ăn đó cho gia đình. Nhà Cúc đông anh chị em, ai cũng xuề xòa dễ tính lại hòa thuận nên lễ tết rất vui. Nếu như biếu quà cho các mối quan hệ ngoài xã hội là việc “khó nhằn” với Cúc, bởi phải để ý từng chút một, lại tùy theo mối quan hệ, sở thích cá nhân để biếu sao cho được, thì với người trong gia đình Cúc chẳng có chút áp lực nào.

Năm nay, Cúc chần chừ trước mẻ bánh bông lan mà mình định làm biếu mọi người như hàng năm. Chuyện là, tình cờ Cúc biết được nhà chị Tư không thích ăn bánh bông lan Cúc gửi. Cúc nghe được thông tin chị Tư nói: “Nhà chẳng ai ăn nên đem cho người làm hết!”. Không dưng, câu nói ấy cứ váng vất trong đầu Cúc. Cúc thấy thương mình, thương những chiếc bánh mà cô chăm chút từng công đoạn, sao cho mẻ bánh ra lò thơm ngon nhất để đi biếu.

Ở nhà Cúc, mấy đứa con đứa nào cũng mê bánh mẹ làm. Mà không phải lúc nào Cúc cũng làm cho con ăn được. Cúc tay ngang, học trên mạng để làm thôi nên mỗi lần bày biện ra cũng khá mất công. Đứa lớn nhà Cúc bữa nào mẹ làm bánh là nó dành ổ lớn, để ăn bữa sáng trước khi đi học. Cắt một góc, uống thêm ly sữa nữa là no bụng đến trưa. Cúc cũng vậy, những lúc bận rộn chẳng kịp ăn sáng thì bánh bông lan nhà làm là bữa sáng hợp khẩu vị với Cúc.

Với ý nghĩ đó, mỗi dịp cuối năm, Cúc tranh thủ làm bánh biếu mọi người, nhưng đáp lại thành ý của Cúc là để cho “người giúp việc ăn”. Khi đón nhận thông tin có độ chính xác cao từ người truyền đi ấy, Cúc đã lặng đi vì buồn.

Rồi Cúc nghĩ lại, sở thích ăn uống mỗi người mỗi khác. Nhà chị Tư không hợp món bánh bông lan của Cúc cũng là bình thường. Như Cúc, Cúc không thích ăn ngọt nên các loại mứt vốn rất ưa chuộng ngày tết nhưng Cúc cũng chẳng chạm tay vào. Nếu như ai đó tặng mứt tết cho Cúc, bỏ thì lãng phí nên Cúc cũng đem cho người thích ăn món đó. Khi nghĩ vậy, Cúc không còn buồn nhiều nữa.

Rồi Cúc lại nghe thêm thông tin về món khô gà của chị gái từ phương xa gửi về biếu cũng trở thành món ăn thừa thãi trong gia đình anh Năm. Chị gái Cúc đã ở tuổi 60, mà mỗi năm lại tự tay đi lựa khô gà ở chỗ quen để mua cho yên tâm, rồi gói hàng gửi đến từng đứa em ở miền xa. Hẳn nhiên trong lúc gói quà gửi đi ấy, chị gửi gắm thêm biết bao yêu thương, với niềm tin món ăn sẽ làm đầy bàn ăn trong những ngày tết cho tụi nhỏ. Vậy mà…

Cúc nhớ lại xem, mình đã từng làm buồn lòng ai khi nhận món quà gì đó từ họ, ngay cả khi mình không dùng đến chưa?

Thật may, Cúc chưa từng có một lời dè bỉu gì về bất cứ món quà to nhỏ nào. Cúc nghĩ, khi gửi quà cho mình thì thành ý của người gửi đã là món quà quý giá nhất rồi. Thường thì Cúc chụp ảnh món quà, gửi báo cho họ biết là mình đã nhận, cùng thể hiện cảm xúc là mình đã rất vui khi nhận.

Dù bản thân tự thấy chưa gây ra sự tổn thương cho ai, nhưng Cúc cũng xem đó là bài học cho mình, và dặn dò từng đứa con rất kỹ về thái độ khi chúng nhận được bất cứ món quà nào.

Cúc nghĩ, đó cũng là bài học cần thiết với người lớn và cả trẻ em.

Ban Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI