Biết tôi mong con, mà vợ vẫn nỡ bỏ đi giọt máu của mình

29/03/2022 - 09:00

PNO - Em không câu nệ “con chung, con riêng”, nhưng vì muốn lo cho con riêng mà cô ấy dứt bỏ máu mủ của mình, của em

Chị Hạnh Dung kính mến,

Em 40 tuổi, đã tái hôn được hai năm. Vợ em nhỏ hơn bảy tuổi. Từng đổ vỡ do vợ cũ ngoại tình nên em khá dè dặt trong tình cảm. Đến khi gặp người bây giờ em mới có đủ niềm tin để mở lòng.

Thế nhưng em lại mới vấp thêm một cú sốc.

Từ lúc cưới nhau, vợ chồng đã quyết sẽ không tránh thai mà sinh con ngay khi có thể. Vợ em vốn có hai con với chồng trước, một bé sống với vợ chồng em. Em không có con nên xem bé như con ruột, vợ em hay khoe điều đó với mọi người.

Trong suốt ba năm hôn nhân, em rất hạnh phúc. Vợ em một lòng với gia đình, tan làm là về nhà lo cho chồng con. Dù nóng lòng mong có con với vợ, nhưng em chỉ an ủi, động viên vợ, vì sợ cô ấy áp lực.

Thế nhưng, mới đây em vô tình biết vợ đã chủ động cấy que ngừa thai từ lâu. Thấy em sốc, cô ấy khóc than và nói cô ấy sợ có con, rằng cuộc hôn nhân cũ làm cô ấy ám ảnh trách nhiệm với con cái. 

Em bỏ vào công ty ngủ một đêm, rồi không về nhà mà qua thẳng nhà vợ để tâm sự với mẹ vợ. Mẹ vợ em mới nói hớ ra rằng vợ em đã từng phá thai sau khi cưới em. Mẹ nói: “Con bé rất khổ, nó sợ bé An (con riêng của vợ) chưa kịp thích nghi với bố mới mà đã có thêm em nên đành đoạn bỏ thai”.

Em nghe như sét đánh ngang tai, thấy sao người ta tàn nhẫn quá. Cô ấy biết em rất yêu bé An, em không câu nệ “con chung, con riêng” nhưng vì muốn lo cho con riêng mà cô ấy dứt bỏ máu mủ của mình, của em…

Đã rất nhiều đêm em không về nhà. Em không biết sẽ làm gì tiếp theo với cuộc hôn nhân này. Xin chị cho em lời khuyên.

H.M. (Q.8, TP.HCM)

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

H.M. mến,

Hạnh Dung xin chia sẻ với em về nỗi đau này. Hạnh Dung hiểu, có rất nhiều sự thật đằng sau cú sốc và em đang giải mã nó, càng giải mã càng đau lòng vì thấy đằng sau nó là sự vô tâm, vô tình của vợ với mình.

Nhưng, điều đó chưa hẳn đã đúng. Tàn nhẫn và vô tình không phải là mấu chốt. Dường như cô ấy đã bị dẫn dắt bởi nỗi sợ, nỗi ám ảnh từ đổ vỡ cũ. Đó là nỗi ám ảnh vì không thể đảm đương cho con cái một gia đình hạnh phúc.

Đây là một tâm lý hậu ly hôn rất phổ biến, nhưng nó nặng nhẹ tùy mức ở từng người. Nếu bị nỗi sợ chi phối quá mạnh, lại không mở lòng chia sẻ, không được đồng hành để soi sáng, thì người ta rất dễ hành động mù quáng. 

Bây giờ, chuyện đã phơi bày, cảm giác uất hận của em là rất dễ hiểu. Em hãy để mình được sống trong cảm xúc của mình và nghĩ về nỗi khổ của cả hai.

Em có nỗi khổ của người đàn ông mong con. Vợ em có nỗi khổ của người mẹ từng thất bại trong việc bảo vệ tổ ấm cho con. 

Để nương tựa vào nhau, cần rất nhiều sự mở lòng và cảm thông. Nếu dùng lý lẽ, cách hành xử thông thường để đối với nhau, chắc chắn sẽ chỉ biến hôn nhân trở thành áp lực, và mỗi người đều cô độc, đều phải tự xoay xở bảo vệ vết thương của mình (như vợ em đã làm).

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

Em hãy nghĩ đến những hạt giống đau khổ đó để thông cảm hơn với vợ, để phần nào vượt qua mặc cảm bị phản bội, bị đối xử tàn nhẫn. Đến khi cảm thấy đã có chút động lực để đối diện với vợ, em hãy trở về nhà.

Hãy nghe cô ấy nói. Chỉ khi nghe và chia sẻ thật lòng với nhau, em mới biết đủ để hiểu đúng, và có một lựa chọn phù hợp.

Sau khi đã chia sẻ hết những sợ hãi, mong mỏi của nhau, em hãy thử tìm một bác sĩ tâm lý. Người có chuyên môn sẽ giúp hai em hiểu thật đúng về những nỗi sợ của chính mình. Có khi, sau khi nhìn thật rõ vào chúng, ta có hướng giải quyết phù hợp.

Mong em rắn rỏi và sớm bình yên! 

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn 

Chat với Hạnh Dung
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI