Biết thông số để có hành động cải thiện chất lượng không khí

08/01/2020 - 08:25

PNO - Trên toàn thế giới, cứ 10 trẻ dưới 5 tuổi thì có một em chết do ô nhiễm không khí. Trẻ em là đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất bởi cơ thể đang phát triển, ít được bảo vệ hơn, thở nhanh hơn nên dễ bị tác động bởi ô nhiễm không khí.

Chiều 7/1, Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TPHCM đã tổ chức buổi trao đổi với bên liên quan tham gia dự án xây dựng nhận thức của cộng đồng và hành động vì chất lượng không khí ở TPHCM thông qua việc thiết lập 13 trạm đo chất lượng không khí tại các quận 2, 3, 7, 9, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp và huyện Hóc Môn.

Ô nhiễm không khí hiện diện quanh mình

Bà Đinh Thị Thiên Ân - Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Đa (P.27, Q. Bình Thạnh) - ngỡ ngàng sau khi quyết định cho trường tham gia mạng lưới lắp đặt các máy đo chất lượng không khí từ tháng 10/2019: “Trường của chúng tôi nằm trên một bán đảo ở sông Sài Gòn và xung quanh còn rất nhiều mảng xanh nông nghiệp, nhưng khi đọc các kết quả đo được từ thiết bị, chúng tôi hết sức bất ngờ về các chỉ số CO2, độ ẩm, bụi mịn (PM2.5)… lên tới mức vàng, rồi cam, thậm chí màu đỏ (báo động). Ô nhiễm đang hiển hiện trong môi trường sống, học tập, làm việc hằng ngày của chúng tôi”.

Theo bà Ân, sau ba tháng theo dõi máy đo chất lượng không khí, các học sinh đã thống kê được: bụi mịn ở bán đảo Thanh Đa có nồng độ khá cao vào khoảng 6-8g và 11-13g, sau đó chuyển từ màu đỏ về màu cam. Nhìn cô bé Trịnh Ngọc Thiên Hương - học sinh lớp 8/3 - tự tin trình bày quan điểm và kiến thức của mình về môi trường thông qua chất lượng không khí, bà Ân không khỏi tự hào về thành công của chương trình.

Bà Marie Damour - Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TPHCM  tại buổi trao đổi về dự án xây dựng nhận thức cộng đồng và hành động vì chất lượng không khí - Ảnh: Quốc Ngọc
Bà Marie Damour - Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TPHCM tại buổi trao đổi về dự án xây dựng nhận thức cộng đồng và hành động vì chất lượng không khí - Ảnh: Quốc Ngọc

Ngày ngày, học sinh đến trường đứng nhìn thiết bị, đọc các thông số một cách thành thục rồi hân hoan, lo lắng xung quanh màu đỏ, màu vàng. Bà Ân nhận xét: “Học sinh có ý thức hơn trong việc phân loại rác, bảo vệ mảng xanh, bỏ rác đúng quy định. Học sinh đã trưởng thành hơn khi biết quan tâm đến xung quanh, sống có trách nhiệm với cộng đồng, có ý thức với bản thân thông qua những con số gần gũi với cuộc sống hằng ngày”.

Các thông số được cập nhật mỗi ngày qua hệ thống Zalo, Facebook, website của trường hoặc học sinh, phụ huynh có thể dùng thiết bị di động truy cập thông số thoải mái, thú vị với sự tồn tại của một trạm quan trắc mang tên Trường THCS Thanh Đa trên bản đồ định vị của hệ thống Air Visual. Từ đây, hội phụ huynh trường tiếp tục có thêm ý tưởng tặng cho trường một xe điện để đưa đón 3-4 học sinh khuyết tật đến trường và UBND P.27 cũng đã sử dụng thông số của trường để cập nhật trên bảng thông tin ở các giao lộ.

Hy vọng có thêm nhiều máy đo 

Bà Marianne Oehlers - đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), đơn vị tài trợ 3/13 máy đo chất lượng không khí nói trên - cho hay, việc hiểu hơn về mức độ và tác hại ô nhiễm không khí là bước đầu bảo vệ một trong những quyền cơ bản của trẻ em, đó là quyền được thở không khí sạch. Nếu quyền này không được đáp ứng, sẽ ảnh hưởng đến quyền được tồn tại, quyền được tiếp cận giáo dục và nhiều quyền khác.
“Trên toàn thế giới, cứ 10 trẻ dưới 5 tuổi thì có một em chết do ô nhiễm không khí. Trẻ em là đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất bởi cơ thể đang phát triển, ít được bảo vệ hơn, thở nhanh hơn nên dễ bị tác động bởi ô nhiễm không khí. Quý vị có con dưới 5 tuổi sẽ thấy chúng thường phải đến cơ sở y tế để kiểm tra các bệnh về đường hô hấp” - bà Marianne dẫn chứng.

Nhiều nghiên cứu chứng minh, ô nhiễm không khí không chỉ tác động đến thể chất mà còn tác động về mặt phát triển tâm thần của trẻ nhỏ, thanh thiếu niên. “Một khi càng có nhiều thông tin và kiến thức, chúng ta càng dễ có cơ sở để hành động hơn. Đó là lý do UNICEF cũng như Liên Hiệp Quốc đã và đang phối hợp với nhiều chính phủ và các bên liên quan giải quyết vấn đề này” - bà Marianne nói.

Theo bà, chưa bao giờ, vấn đề ô nhiễm không khí được quan tâm nhiều trên toàn cầu cũng như Việt Nam như hiện nay. Đây là lúc thuận tiện để các bên tranh thủ tập trung giải quyết vấn đề. Ngoài TPHCM, UNICEF còn hợp tác với các bộ Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội… “Với ngành giáo dục, chúng tôi có kế hoạch tới năm 2021 với hy vọng tất cả các trường ở Việt Nam sẽ có những chương trình quản lý, hành động liên quan đến chất lượng không khí” - bà Marianne cho hay.

Theo ông Nguyễn Hữu Nhân - giảng viên Trường đại học RMIT, người đề xuất chương trình - một mặt, dự án giúp học sinh và cộng đồng biết ô nhiễm không khí gây ra cái chết từ từ với các bệnh lý về hô hấp, tim, thần kinh, não, thận, gan… và có ý thức về các nguồn gây ra ô nhiễm không khí, bao gồm đốt nhiên liệu hóa thạch trong quá trình sản xuất điện, các hoạt động giao thông, sản xuất công nghiệp sử dụng dung môi, xử lý chất thải. “Tôi đặc biệt nhấn mạnh, trừ những hoạt động tự nhiên như núi lửa phun trào, phần lớn các nguyên nhân gây ô nhiễm đều là những điều mà chúng ta có thể thay đổi được” - ông Nhân nói.

Nếu như trong tháng 6/2019, có 147.000 người theo dõi chất lượng không khí của TPHCM qua ứng dụng Air Visual thuộc dự án thì đến ngày 2/1 vừa qua, con số này đã vọt lên 2,39 triệu người theo dõi, thông qua 15 máy đo (trước đó chỉ có 5 máy). Ông Nhân hy vọng, sẽ có thêm nhiều máy đo ô nhiễm không khí hơn nữa, cũng như những hành động thiết thực hơn nữa tại TPHCM. 

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI