Năm nay, Trân về ăn tết với mẹ rất sớm. Hết tết, cô nấn ná mãi, muốn ở lại với mẹ, nhưng không thể nghỉ thêm. Mùng Mười, Trân quay lại TPHCM.
Buổi tối trước ngày Trân đi, mẹ đóng cho cô 1 thùng đầy thịt heo bò gà, cá, thêm 1 thùng carton rau củ và 1 túi to bánh mứt, thêm vài đòn bánh tét, mấy ràng bánh tráng.
Đêm, Trân xin qua ngủ chung với mẹ. Nằm với mẹ, tự nhiên cô thương mẹ vô cùng, muốn khóc nhưng phải cố kìm, vì sợ mẹ biết.
Ngay từ hôm về ăn tết, Trân đã mấy lần chực khóc khi nhìn dáng mẹ lầm lũi trong căn nhà rộng. Niềm vui mỗi ngày của mẹ là trồng mấy chậu bông, mấy luống rau, chăm đàn gà, nuôi mấy con mèo.
![Biết thế ngày đó để mẹ đi lấy chồng Trân thương mẹ và giận bản thân vô cùng, cô tự trách mình ích kỷ, ngày xưa, biết vậy đã để mẹ đi lấy chồng - Ảnh minh họa: Pexels](https://image.phunuonline.com.vn/fckeditor/upload/2025/20250206/images/9151_pexels-d-ng-nhan-324384-1510149-1.jpg) |
Trân thương mẹ và giận bản thân vô cùng, cô tự trách mình ích kỷ, ngày xưa, biết vậy đã để mẹ đi lấy chồng - Ảnh minh họa: Pexels |
Mẹ là con một của ông bà ngoại. Mẹ vào thành phố học đại học rồi lấy chồng. Mẹ sinh Trân được 8 tháng thì ba Trân bỏ đi sau đó quay về đòi ly hôn và đến giờ Trân chưa từng gặp ba. Năm đó, mẹ 28 tuổi.
Một mình mẹ vất vả nuôi Trân, đóng cả 2 vai, vừa làm cha vừa làm mẹ, cáng đáng mọi việc nặng nhẹ trong nhà. Mẹ cũng có ý định về quê sống với ông bà ngoại, nhưng không tìm được việc ở tỉnh, nên cứ lần lữa, chần chừ, rồi Trân lớn.
Năm Trân học lớp Bốn, mẹ có bạn trai. Bà ngoại yêu cầu mẹ, nếu đi lấy chồng thì phải gửi Trân về cho bà chăm, vì bà lo cảnh cha dượng - con vợ. Mẹ không đồng ý, còn Trân thì ghét người đàn ông đó ra mặt, luôn tìm cớ để mẹ không được gặp ông ta.
Trân còn khóc lóc: "Bộ mẹ hết thương con rồi sao? Mẹ đi lấy chồng, rồi mẹ sinh em, mẹ bỏ con sao?". Những câu nói của đứa con nhỏ dại làm mẹ thấy đau lòng. Vốn mẹ cũng định đi bước nữa, để nhà có thêm người đỡ đần lúc ốm đau, cũng là để những gã đàn ông xung quanh không còn dám buông lời chòng ghẹo.
Mẹ nói dù mẹ có lấy ai, yêu ai, thì tình thương dành cho Trân vẫn vậy, và dù mẹ có sinh bao nhiêu em bé, thì đứa con nào mẹ cũng thương bằng nhau. Nhưng Trân còn quá nhỏ, đứa trẻ lớp Bốn chỉ lo rằng mẹ đi lấy chồng sẽ bỏ rơi mình.
Đêm nằm với mẹ, Trân nhớ có những ngày mưa, mẹ đón Trâm từ trường về, mưa lớn ngập nửa bánh xe, xe chết máy, mẹ dẫn bộ, cô thấy mặt mẹ đầy nước, không biết là nước mắt hay nước mưa.
Trân nhớ có lần mẹ ngã bệnh, phải đi cấp cứu. 1 tay xách đồ, 1 tay bế con vào Bệnh viện Gia Định, nằm trong phòng cấp cứu, mẹ vẫn ôm Trân. Chờ cho đến khi bà ngoại nhờ được người từ quê vào chăm, Trân mới được về nhà, còn mẹ vào phòng mổ.
Bà ngoại vài lần nói với mẹ đem Trân về cho bà, rồi mẹ đi lấy chồng, chứ mẹ còn trẻ quá, còn cả thanh xuân. Mẹ không muốn xa Trân nên từ chối.
Năm Trân học lớp Tám, mẹ bị bệnh rất nặng, phải nhờ người dì bà con vô chăm Trân để ra vào bệnh viện. Bà ngoại đi chăm mẹ mấy bữa rồi quày quả về, vì ông ngoại đau ốm quanh năm. Bà nói với mẹ: "Thôi, lần này con đưa cháu về với má, không tìm được việc thì trồng bông trồng hoa, buôn bán sơ sơ rồi cũng đủ sống".
Mẹ có 1 người bạn đồng nghiệp, cũng đã ly hôn, có con gái hơn Trân 1 tuổi. Chú ấy thường đến giúp mẹ sửa vài món đồ hư hỏng trong nhà, đóng cái đinh hay cái kệ. Mẹ bệnh, chú thường xuyên vào bệnh viện thăm, nấu cháo đem cho mẹ.
Mẹ nằm bệnh viện 15 ngày, mỗi ngày chú đều đến, nói chuyện, chăm sóc mẹ, động viên mẹ mau hết bệnh để về với Trân. Mẹ và chú gặp nhau nhiều hơn. Mẹ nói với Trân, nếu mẹ lấy chồng, Trân có ưng không. Trân khóc 1 trận, giãy nảy, đòi bỏ nhà đi. Trân nói mẹ "không biết thương con". Trân còn ghét chú ra mặt. Khi chú đến thăm mẹ, Trân tỏ thái độ không bằng lòng.
Nhiều đêm, thấy mẹ khóc, Trân cũng thương, nhưng cứ nghĩ đến cảnh mẹ sẽ đem tình yêu đã dành cho Trân trọn vẹn để chia sẻ cho một người lạ, Trân lại muốn chiếm mẹ cho riêng mình.
Mẹ nói với Trân, nếu mẹ lấy chồng, Trân không hề bị mất tình thương của mẹ mà còn có thêm người yêu thương Trân. Trân sẽ có ba dượng và có chị gái. Mẹ là con một, không có anh chị em gì, sau này ông bà ngoại mất đi, mẹ bơ vơ giữa đời. Mẹ không muốn sau này Trân cũng như mẹ.
Trân phản đối kịch liệt. Cô khóc như mưa, nói 1 câu mà bây giờ nghĩ lại Trân tim vẫn đau nhói: "Con không cần chị ghẻ, cũng không cần anh chị em ruột. Mẹ đừng ích kỷ".
Rồi người đàn ông ấy không đến nữa, Trân vui ra mặt. Từ đó, mẹ sống khép kín, không mở lòng với ai, chỉ biết đi làm và về nhà. Những lúc rảnh rỗi, mẹ đọc sách, xem phim, nấu những món ăn mà Trân yêu thích rồi để đầy tủ lạnh.
Có người hỏi mẹ sao không đi bước nữa, mẹ Trân nói, mẹ không cần ai nữa, mẹ có Trân rồi, về già sẽ dựa vào Trân.
Có những bữa cơm, mẹ ngồi ăn chậm rãi, không nói lời nào. Đôi khi Trân tự mâu thuẫn với chính mình. Cô nửa muốn mẹ vui, hạnh phúc, nửa lại sợ mẹ có hạnh phúc mới rồi quên mình.
Ông bà ngoại gọi điện, hối mẹ về quê, mẹ thương Trân, sợ con phải chuyển trường, lo con không thích nghi được. Mẹ nấn ná ở lại Sài Gòn mãi, chăm lo cho Trân từng li từng tí, chờ cho đến ngày Trân ra trường.
Sau ngày Trân tốt nghiệp, mẹ về quê. Mẹ sống trong căn nhà rộng rãi có sân vườn mà mẹ đã mua từ trước. Mẹ trồng hoa, nuôi gà, nuôi mấy con mèo làm bạn. Mẹ về được vài năm thì ông bà ngoại qua đời.
Lần nào về thăm mẹ, Trân cũng bịn rịn không muốn rời xa, nhưng rồi cô cũng phải trở lại thành phố, vì còn phải mưu sinh. Trân muốn đón mẹ lên thành phố nhưng mẹ chỉ thích miền quê yên tĩnh.
Tối nào Trân cũng gọi video call cho mẹ, thấy yên tâm khi mẹ vẫn khỏe. Mãi gần đây, mẹ bệnh, Trân mới lắp camera trong nhà để xem tình hình của mẹ. Cảnh mẹ lủi thủi nấu cơm, dọn ra mâm và ngồi ăn một mình luôn làm Trân muốn khóc. Có những buổi chiều, mẹ ngồi nhìn mông lung ra vườn. Có những buổi tối, bóng mẹ lẻ loi nhỏ bé trong căn nhà rộng.
Nằm với mẹ, Trân muốn ôm mẹ thật lâu, những kỷ niệm cũ ùa về cùng niềm day dứt. Trân ân hận vô cùng. Biết thế này, ngày đó Trân đã để mẹ đi lấy chồng.
Lần này trở về thành phố, Trân sẽ sắp xếp lại mọi thứ, cô muốn trở về với mẹ.
Thiên Di