Biết tha thứ và biết quên

06/09/2024 - 06:24

PNO - Bỏ qua, biết tha thứ và biết quên là liều thuốc tốt nhất, hiệu nghiệm nhất trong cuộc sống. Tha thứ, không nhớ về những điều buồn bã và cấm kị việc kể về nó như một kiểu “kể khổ” hay “kể công”.

Bộ phim Con trai bạn mẹ của Hàn Quốc khởi chiếu trên Netflix cuối tháng 8/2024 đang được nhiều người yêu thích. Câu chuyện phim xoay quanh gia đình 4 người bạn học cùng lớp thời trung học, nhà gần nhau, chơi thân với nhau mấy chục năm. Một người mẹ vì thường đi công tác ở nước ngoài đã phải gửi con trai mình cho người bạn trong nhóm nuôi giúp. Cô bạn lo từ miếng ăn con trai của bạn đến việc giáo dục.

Ở tập 6, tôi thật sự thích thú tình cảm giữa đôi vợ chồng người bạn tốt bụng này. Ông chồng sau nhiều phen “lên thác xuống ghềnh” về mở tiệm bán món Tokbokki. Ông luôn mặc cảm vì mình không làm được “này nọ” như những người chồng, người cha khác.

Một ngày, tiệm của ông bị 2 thanh niên chơi xấu khi bỏ một sợi tóc vào thức ăn, đồng thời bắt ông phải đền vì chiếc đồng hồ của chúng bị hư khi nước canh đổ vào. Người chồng sợ tiệm bị phạt lỗi không an toàn thực phẩm nếu chúng tố cáo, nên chấp nhận chi tiền mua sự im lặng của chúng. Ông lén lấy hết tiền ở nhà, vẫn không đủ, ông phải đi lái xe thuê vào đên khuya, dù chịu bao nhiêu ê chề chỉ mong kiếm tiền trả hết nợ. Một ngày “con trai bạn mẹ” phát hiện ra, anh âm thầm theo dõi và bắt được bọn tống tiền. Mẩu đối thoại giữa 2 vợ chồng thật cảm động. Anh chồng buồn bã nói với vợ:

- Anh chỉ biết làm Tokbokki. Nếu không biết làm Tokbokki anh thành thứ gì, anh đóng góp được gì cho nhà này. Rồi đời anh chẳng còn gì nữa!

Người vợ phản ứng:

- Anh không biết món Tokbokki khi ấy đặc biệt ra sao hả? Anh đứng lò mấy chục năm rồi. Ta nuôi con bằng món ăn quý báu đó. Anh nói chỉ biết Tokbokki không thôi là sao? Sao anh nói vậy được hả? Đời anh không có gì hả? Còn mẹ con em thì sao? Chẳng có ý nghĩa gì với anh hả?

- Không, mẹ con em là cả thế giới của anh, đều quá tốt với anh. Anh chẳng mong gì lớn lao cả. Anh chỉ mong chăm sóc được cho gia đình và làm cả nhà hạnh phúc Nhưng mà khó quá. Tại sao sống bình thường lại khó đến vậy!

Người vợ nhìn chồng:

- Ước mơ lớn nhất của bất kỳ ai đấy! Là ước mơ ý nghĩa nhất và giá trị nhất!

Rồi chị khuyến khích chồng:

- Nhưng anh biết ước mơ có thành hiện thực mà.

- Anh xin lỗi và cảm ơn em.

Sau khi nói cho chồng hiểu ra, người vợ động viên chồng:

- Anh đi đâu em sẽ đi chung. Ngày đẹp trời ta sẽ đi dã ngoại, ngắm hoa. Bị bệnh ta cùng đi khám. Dù là thiên đàng hay địa ngục hay ông trời cho ta đi đâu thì kiếp sau ta sẽ đi cùng nhau.

Lời thoại sâu sắc về tình nghĩa vợ chồng. Chẳng hẹn hò sống đến răng long đầu bạc, chỉ mơ ước bình thường có một cuộc hôn nhân bình thường trong hàng tỉ cặp vợ chồng trên hành tinh này; trong vô vàn điều bình thường đó, điều nhỏ nhoi nhất là ngày đẹp trời vợ chồng cùng đi dã ngoại, ngắm hoa, bị bệnh cùng đi khám.

Mấy ai có được điều này khi mà đa phần những cặp vợ chồng về già thường “kị rơ” nhau, nhiều người than càng già càng khó chiều nhau?

Để thấy, kết quả tốt đẹp của hôn nhân là gì? Sau một đời vững tay chèo vượt qua sóng to, gió lớn cuộc đời 2 con người bây giờ đã già ấy chỉ mong có phút thư thả đi cùng nhau, cùng ngắm hoa.

Sao cuộc đời kỳ lạ vậy? Sóng to gió lớn mấy chục năm, chồng thất nghiệp, vợ ốm đau, con làm ăn thất bại... Bao nhiêu gai góc trải qua được mà cuối cùng điều mơ ước quá đơn giản như vậy mấy người có được?

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trong chặng đường đi gần đến cái kết cuộc đời, người chồng điểm lại cuộc đời ông sao gặp nhiều thất bại, khiến ông mang mặc cảm tự ti là mình chẳng làm gì nên trò trống gì cho vợ con. Người vợ mãi quẩn quanh với những bài tính gia đình sao cho vén khéo: cơm áo gạo tiền con cái học hành, bức bách quá đôi lúc buột miệng than thở vô tình chồng nghe được, sự tự ti mặc cảm của chồng càng tăng thêm.

Gia đình nào cũng có sóng gió, đôi khi âm ỉ từ mâu thuẫn của người trong cuộc, đôi khi từ ngoại cảnh. Để vượt qua, có người vợ (hay chồng) âm thầm chịu đựng, nuốt nước mắt nhìn con cái lớn lên để có động lực tiếp tục, cũng có những người vợ (hay chồng) không thể vượt qua. Ngàn lẻ một chuyện cuộc đời, bạn tưởng tượng ra tình huống nào cũng có.

Để thấy một điều rằng, bỏ qua, biết tha thứ và biết quên là liều thuốc tốt nhất, hiệu nghiệm nhất trong cuộc sống. Tha thứ, không nhớ về những điều buồn bã và cấm kị việc kể về nó như một kiểu “kể khổ” hay “kể công”. Qua rồi, ngày buồn đã qua rồi, hãy nhớ về những màu sắc trong thực tại của những cánh hoa lay trong gió, để cám ơn cuộc đời cho ta biết vượt qua, biết chấp nhận, biết thứ tha...

Con người ai mà không có lỗi lầm, kể cả mình hay người ấy. Nhắc lại làm gì, chỉ mang ấm ức, nặng lòng. Trách nhau làm chi, bởi mọi thứ qua rồi, càng cố nhớ càng khó tha thứ và nặng lòng hơn.

Kim Duy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI