Thôi thì, ngay cả trong nội tâm, mỗi người cũng có một “điểm chết” bất khả xâm phạm. Qua bao phen bão táp tơi bời thì cũng nên dụng công định vị “điểm chết” trong tâm tư của bạn đời, để mà… tránh, để còn ăn đời ở kiếp, thiên hạ thái bình. Bằng không, cứ một bên nhạy cảm, một bên… thi gan, ngoan cố chạm vào “vùng chết”, thì có “chết” cũng… ráng mà chịu!
Làm ơn mắc oán
Trên đời này có “ông chồng tốt bụng” nào không một lần can thiệp vào chuyện dinh dưỡng của vợ? Vậy mà, chỉ vì cản vợ ăn miếng chả giò “đầy dầu mỡ và bột” trong bữa tiệc cuối năm, Tân đã gặp họa. Đêm đó, sau khi trằn trọc, vợ Tân thủng thẳng nói: “Anh thấy em mập lắm đúng không? Em mập đến nỗi không được ăn uống như người bình thường nữa?”.
Tân chưa hiểu mô tê, thì vợ anh đã lập tức ví dụ bằng chuyện miếng chả giò ban chiều. Cô miêu tả rành rẽ lại phân đoạn gắp thức ăn mà anh đã quên béng. Xong, cô đúc rút nhanh gọn: “Anh mặc định vợ quá mập nên sẽ… vô thức ngăn em ăn bột và dầu mỡ. Đã vậy, anh còn chưa bao giờ trực tiếp góp ý, mà chỉ lẳng lặng kiểm soát em…”.
Quả thực, hầu hết các ông chồng có vợ nhạy cảm đều trải nghiệm nỗi oan giống Tân như… cơm bữa. Nguy hiểm nhất là những lần đi mua quần áo cùng vợ. Khen cũng không được, chê cũng không xong. Lỡ khen bộ áo mới nhiều quá, sẽ lập tức bị hỏi “bộ bình thường em mặc đồ xấu lắm sao?”. Còn lỡ thật thà chê cái vai hơi chật, phần eo hơi xấu, sẽ được nâng lên thành “eo em hay eo áo? Ý anh bây giờ trông em đã giống cái bánh mì rồi chứ gì?”. Chuyện áo quần thành ra hại não.
Tưởng gia đình có “thiếu phụ mong manh” mới phải lâm cảnh đi nhẹ nói khẽ cười duyên. Chẳng dè, với cả người đã về hưu, gia đình vẫn lao đao mỗi bận có người “lên cơn nhạy cảm”.
Chuyện cũng tại ngay cái chỗ… “về hưu”. Hôm đó, vợ chồng U60 đưa một đứa con trai và một… bầy cháu gái đi dã ngoại. Bọn trẻ cũng đã ngoài hai mươi tuổi, nhưng theo truyền thống gia đình, hễ đứa nào chưa dựng vợ gả chồng thì đến cuối tuần lại xúm xít bên cha mẹ, cậu dì.
Đoàn đi chỉ có hai vợ chồng là “người lớn”. Cuộc vui đang giữa chừng, bỗng dưng đứa con trai phát hiện ra cái bếp chuyên dụng mang theo bị thiếu mất cái vỉ nướng. Chồng ung dung cầm lái, mặc kệ mọi người phía sau lúi húi lục tìm.
Khi con trai kết luận: “Không thấy”, người chồng mới quay sang, nhiệt tình: “Hay là mẹ mày mang thiếu?”. Hẳn là vậy rồi. Chị vợ quay sang cô cháu, nói: “Dạo này dì hay quên ghê”. Anh chồng sẵn cơn nhiệt tình, lại nói: “Về hưu rồi…”. Nhưng anh chưa dứt câu, chị đã quay ngoắt qua: “Ừ, tui già rồi đó!”. Đứa cháu gái phì cười với câu nói bỏ lửng của dượng, tuy “phanh gấp”, nhưng… đã muộn.
|
Ảnh minh họa |
Chị vừa “xử đẹp” ông chồng xong thì quay qua cô cháu: “Sao con cười cợt dễ dãi vậy? Dượng nói như thế mà con cười theo là xúc phạm dì”. Cô cháu lập tức thanh minh. Đứa con trai cũng vội bênh em họ khỏi một pha oan ức. Chị “bụp” luôn con trai. Hai mẹ con bùng lên tranh cãi về sự vô lý của mẹ và sự hỗn láo của con. Cuộc vui vỡ tan tành.
Con trai mặt mũi buồn xo. Cháu gái bình thường thấy dì hiền dịu, yêu thương con cháu, nay bất ngờ gặp tai bay vạ gió, nó ấm ức khóc. Chị cũng khóc. Anh chồng - nạn nhân rành rành của tai họa bất thần này lại phải lao vào… giải cứu. Anh tặc lưỡi: “Trời ơi, ý anh là về hưu lâu ngày không làm việc nên đầu óc dễ quên lắm…”.
Nếu chị vẫn là người ăn nói áp đảo, lấn lướt mọi người đã đành. Đằng này, chị vốn nhỏ nhẹ, nhường nhịn mọi người, yêu chiều con cháu. Mấy lần phản ứng ngược ngạo đó như biến chị thành người khác, khiến mọi người sốc nặng. Chỉ có anh chồng là trân mình chịu trận.
Thế nhưng, đâu phải cứ im lặng là xong chuyện. Mạng xã hội bấy nay vẫn chia sẻ không ngừng một tấm truyện tranh như “cắt” ra từ trăm ngàn phân đoạn oái ăm của đời sống vợ chồng. Trong tranh, một cặp vợ chồng đang nằm quay lưng về nhau. Anh chồng đang quay cuồng đăm chiêu với các “kế hoạch tháng, KPI, hợp đồng, đối tác…”. Phía bên kia, chị vợ cũng đăm chiêu, nghĩ “ổng đang nhớ cô nào?”. Trang vẽ này có vô số “dị bản”, nhưng tất cả đều có cùng nội dung nhằm vào “cái lưng vô tội” của anh chồng, và sự nhạy cảm… trớt quớt của chị vợ.
Đàn ông cũng… nhạy cảm như ai
Thế nhưng, đừng tưởng chỉ phụ nữ mới nhạy cảm. Khi đàn ông nhạy cảm, thì còn… khó đỡ gấp ngàn lần đàn bà. Nếu mấy pha nhạy cảm của các bà nghe như hài kịch, thì nhóm đàn ông nhạy cảm toàn chuốc lấy bi kịch.
Hôm nọ, đang bận dọn dẹp nhà cửa thì cô bạn thân triệu tập tôi ra quán cà phê gần nhà. Ra đến nơi thì thấy bạn hiền đang ngồi mặt ủ mày chau, mắt sưng như đã khóc từ… tuần trước. Cổ thở đánh thượt: “Ổng nói tao coi thường ổng, khi dễ ổng, coi ổng không bằng cái nùi giẻ”. Thì ra, cũng trong những ngày tổng vệ sinh cuối năm, thiếu phụ đảm đang mới lĩnh hội lối sống tối giản, bèn đem hết mớ đồ cũ ra soạn. Phần đồ còn tinh tươm, cô gửi từ thiện. Mớ đồ không thể tái sử dụng, cô đem… lau nhà.
Tối hôm trước, thấy cái áo của mình trong sọt rác, anh chồng hỏi ra thì được biết cái áo rách vai ba năm không mặc của anh đã được vợ dùng lau nhà trước khi vứt vào sọt rác. Anh không nói không rằng suốt một ngày một đêm, hỏi gì cũng không trả lời, cô bực bội bảo chồng coi thường mình.
Anh chồng chỉ chờ có vậy, vội bảo chính anh mới là người bị coi thường, rằng vợ anh coi anh… không bằng cái nùi giẻ. Triệt để hơn, anh bảo, cái nùi giẻ dùng lau nhà xong còn được giặt phơi, còn cái áo của anh, dùng lau nhà xong thì vứt thẳng vô sọt rác.
Tôi ráng ghìm cái phì cười, vì tôi biết câu chuyện mắc cười này thật ra rất mắc… khóc. Chuyện vợ chồng bạn tôi bao nhiêu năm khóc lên khóc xuống cũng chỉ vì trạng thái “cảm thấy bị coi thường” luôn ám ảnh anh chồng. Lần đầu cô “nếm mùi” chính là trong bữa ăn gia đình đầu tiên sau ngày cưới. Hôm đó, chị gái cô khoe mới được chồng tặng chiếc nhẫn kim cương. Cả nhà xúm lại trầm trồ, đoán già đoán non giá tiền. Bạn tôi cũng hồn nhiên tham gia.
|
Ảnh minh họa |
Ngay đêm đó, cô bị chồng khép tội “coi thường chồng quá đáng”, vì trước mặt chồng mà cứ luôn miệng khen chị mình “sướng”, khen anh rể “cưng vợ”. Cô như… té ngửa. Dù ra sức giải thích, cô vẫn cảm giác chồng không thực sự được giải tỏa. Rồi cái cảm giác ấm ức như cứ lẳng lặng chìm sâu giữa hai vợ chồng cho đến một lần… “cảm thấy bị coi thường” khác của anh.
Cô vợ mới đầu còn sốc, nhưng về sau, cô cũng dần điều chỉnh, cắt bỏ dần những câu nói đa nghĩa, tránh né những ứng xử dễ bị suy diễn thành “coi thường chồng”. Nhưng đến lượt cái “bi kịch nùi giẻ” này, cô phải ngửa mặt kêu trời rằng “quá sức chịu đựng!”.
Rõ ràng, nhạy cảm quá đáng là một “thuộc tính” quá phiền nhiễu, có thể sinh ra những hiểu lầm, những kiểu suy diễn dở khóc dở cười. Sống với người siêu nhạy cảm như sống bên một quan tòa đồng bóng. Giữa lúc đang nói ý đẹp lời hay vẫn có thể bị kết tội… ngang hông, oan thấu trời. “Nạn nhân” của nạn nhạy cảm thường chỉ biết sống chung với… thiên tai - chẳng có quy luật, và mọi dự đoán đều tám phần sai số. Nhưng, xâu chuỗi lại diễn tiến của từng “ca bệnh”, lại thấy, mỗi nhân vật có một “đề tài” nhạy cảm rất nhất quán.
Người thì mẫn cảm với chữ “mập” và các từ vựng liên quan. Người thì mặc cảm thua kém. Người lớn tuổi, người thất nghiệp hoặc trót lầm lỡ thì như “có thù” với những gì gợi nhắc đến sự vô dụng. Phụ nữ hầu hết đều rất nhạy với phạm trù “xấu đẹp”. Đặc biệt, khi một cô gái đẹp đi ngang một cặp vợ chồng, thì hầu như mọi cô vợ đều bất thần trở nên “siêu nhạy cảm”.
Thôi thì, ngay cả trong nội tâm, mỗi người cũng có một “điểm chết” bất khả xâm phạm. Qua bao phen bão táp tơi bời thì cũng nên dụng công định vị “điểm chết” trong tâm tư của bạn đời, để mà… tránh, để còn ăn đời ở kiếp, thiên hạ thái bình. Bằng không, cứ một bên nhạy cảm, một bên… thi gan, ngoan cố chạm vào “vùng chết”, thì có “chết” cũng… ráng mà chịu!
Thanh Tân