Biết ơn thử thách để sống hạnh phúc hơn

17/11/2018 - 10:25

PNO - Bất kỳ ai từng trải nghiệm trạng thái biết ơn, sẽ thấm thía rằng đây là một trạng thái vô cùng đẹp đẽ.

Cuối tháng Mười, tôi tham gia một chương trình quốc tế về yoga diễn ra tại Ấn Độ. Vốn nhút nhát, tôi thường chỉ im lặng ngồi nghe, nên chọn một góc khuất. Lần này, chủ tọa mời tôi phát biểu. Tôi không chuẩn bị trước cho tình huống này nên lúng túng lắc đầu. Chủ tọa cầm micro nói: cô ấy không giỏi tiếng Anh. 

Bình thường, tôi vẫn thoải mái nói với mọi người mình không giỏi tiếng Anh. Nhưng vào lúc đó, tôi cảm thấy mình thua kém mọi người và sau cuộc họp, tôi tránh mặt những người trong ban tổ chức, nhất là chủ tọa. Tôi mất cả một ngày trong trạng thái không thoải mái và quyết định cần phải điều trị cho tâm hồn.

Tĩnh lặng để chiêm nghiệm

Tôi chọn một nơi thanh vắng, ngồi suy xét lại những gì đã diễn ra và nhất là những gì đang thực sự diễn ra trong tôi. Tôi vẫn thường tự nói mình không giỏi tiếng Anh và chưa bao giờ tổn thương về điều đó. Chủ tọa cũng đơn giản nói điều tôi đã nói nhưng sao tôi lại cảm thấy tổn thương. Vậy vấn đề không phải câu nói ấy mà là cách tôi nhìn nhận về câu nói ấy.

Mike George, diễn giả người Anh nổi tiếng trong lĩnh vực phát triển con người, từng phân tích rất rõ rằng, không phải tình huống hay người khác tạo ra cảm xúc cho mình mà chính việc mình trao ý nghĩa cho tình huống, hành động hay lời nói của người khác mới tạo ra cảm nhận.

Nếu chính tôi là người trao ý nghĩa cho sự việc, vậy thì để thay đổi cảm xúc, tôi cần thay đổi cách mình nhìn nhận vấn đề. Tôi cảm thấy việc mình bị nhận xét không giỏi tiếng Anh giữa đông người là bị chê bai. Rồi tôi tự hỏi mình đánh giá như thế nào về ai đó không giỏi tiếng Anh.

Tôi thấy rõ giỏi tiếng Anh chỉ là một kỹ năng. Tôi và nhiều người vẫn tôn trọng, quý mến ai đó không giỏi tiếng Anh nhưng tính tình dễ gần. Vì vậy, thiếu hay không có một kỹ năng nào đó không làm tôi mất đi giá trị của mình. Điều cần thiết là tiếp tục học hỏi, hoàn thiện bản thân.

Chúng ta chẳng ai hoàn hảo cả. 

Điều tôi cần làm là vượt qua tính nhút nhát của bản thân, dám phát biểu ý kiến một cách tự tin trước mọi người.

Biet on thu thach de song hanh phuc hon
Bất kỳ ai từng trải nghiệm trạng thái biết ơn, sẽ thấm thía rằng đây là một trạng thái vô cùng đẹp đẽ. (Ảnh minh họa)

Nhìn vào lợi ích tiềm ẩn

Sau khi đã nhìn nhận sự việc như một bài học quý giá cho mình chứ không phải một kỷ niệm tổn thương, tôi bắt đầu nhìn ra được lợi ích của tình huống này. Nếu chủ tọa không đưa ra câu nói ấy, tôi sẽ không có cơ hội suy xét một cách nghiêm túc về bản tính nhút nhát của mình. Tôi sẽ lại tiếp tục tìm một góc khuất trong các cuộc họp và ngại đưa ra ý kiến. Nhờ sự việc xảy ra mà tôi có cơ hội nhìn lại mình. Hơn nữa, tôi cảm thấy mình thật may mắn khi có mặt trong một cuộc họp quốc tế như thế, đó là cơ hội để học hỏi từ bạn bè các nước.

Từ chỗ cảm thấy tổn thương, tôi nhìn ra giải pháp đó là thay đổi cách nhìn nhận của mình, rút ra bài học, trân quý tình huống như một cơ hội. Giờ đây, tôi cảm thấy thật sự biết ơn. Chính là trong thử thách mà mỗi chúng ta mới có thể trưởng thành. Khi ai đó phê bình, chỉ trích, khó tính hay nhận xét không hay với chúng ta, thật ra họ đang giúp chúng ta nhìn lại mình rõ hơn và khiến chúng ta nỗ lực hoàn thiện bản thân. Một người giúp mình điều đặc biệt như thế thì hẳn mình sẽ thật sự biết ơn. 

Bất kỳ ai từng trải nghiệm trạng thái biết ơn, sẽ thấm thía rằng đây là một trạng thái vô cùng đẹp đẽ. Nhà tâm lý học David Hawkins đã phát hiện rằng, lòng biết ơn tạo ra một làn sóng rung động rất cao quý. Nhà khoa học Masaru Emoto thì nói: “Tình yêu thương và lòng biết ơn sẽ nâng đỡ thế giới”. 

Phương Trinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI