Biết ơn nỗi đau

25/02/2017 - 14:41

PNO - Tờ lịch đã lật qua hai năm sau cuộc ly hôn của tôi. Đến lúc này, tôi đã nhận thấy những gì xảy ra khi bạn sống lẻ loi một mình.

Cuộc đời thật khắc nghiệt khi nó cứ ấn xuống hết nỗi đau này đến mất mát khác. Nhưng khi ngồi nhìn lại, tôi thấy những mảnh vỡ sắc bén đó lại ghép thành những bài học mà tôi không bao giờ có thể học được bằng cách nào khác.

Biet on noi dau
 

Vài tháng sau ngày bà ra đi, mùa thu vừa rón rén tới, những cơn lạnh nho nhỏ chạm vào ngày đầu của tháng Chín. Tôi lái xe qua những con đường đầy gió để đón ông đi thăm mộ bà. Sáng hôm đó lẽ ra đã là dịp kỷ niệm 62 năm ngày cưới của họ. Tôi và chị mình dẫn ông qua nghĩa trang đầy nắng, nhìn ông đặt hoa mới lên mộ bà thay cho những bông hoa cũ vẫn chưa ngả màu.

Nắng hắt qua ông đang gò mình bên bình bông bằng đồng, tỉ mỉ sắp xếp những đóa hoa một cách ngăn nắp. Vừa làm, ông vừa nói chuyện thì thầm với bà, cứ như thể hôm đó vẫn là ngày kỷ niệm 62 năm chung sống. Cách ông đối diện với một thực tế mất mát vừa chân thật, vừa ý nghĩa. Liệu có còn những người đàn ông như thế nữa không? Chỉ vài tháng sau khi bà mất, tôi gặp một người quen hỏi ông tôi đã ổn chưa, đã tìm thấy niềm vui mới chưa? Tôi chẳng biết nên nói thế nào. Ông đã ở bên và vá lấp cả đời cùng bà. Mắt ông vẫn còn ngấn nước mỗi khi nhắc về bà.

Tờ lịch đã lật qua hai năm sau cuộc ly hôn của tôi. Đến lúc này, tôi đã nhận thấy những gì xảy ra khi bạn sống lẻ loi một mình. Tôi đã phải làm những gì mà trước kia không dám làm một mình. Tôi tự dọn dẹp nhà cửa, ngủ một mình, chi trả chi phí hàng tháng, tự đi xem và chọn nhà mới, dự đám cưới một mình. Rồi họp phụ huynh...

Lúc đầu, tôi còn cảm thấy sợ hãi và buồn, nhưng giống như khi ta đã vượt qua được bề mặt bên trên thì bể nước lạnh bên dưới lại có vẻ dễ chịu lạ thường. Những công việc khó khăn nhất, tôi đã tự mình làm được một cách nhẹ nhàng. Lần đầu tiên trong nhiều năm, nhận định của tôi về những gì mình cần từ một người bạn đời lại bắt đầu thay đổi. Cứ mỗi mùa trôi qua khi ở một mình, tiêu chuẩn đó lại trở nên cao hơn.

Giữa cuộc sống đổi thay đó, bà tôi bỗng đổ bệnh. Trong những ngày tháng đó, tôi chứng kiến ông ngoại làm những việc khó khăn nhất thế gian này: chăm sóc rồi từ bỏ. Ông không để cho bà lo lắng về chuyện hậu sự, ông cho bà một khoảng trống linh thiêng để thanh thản bước khỏi cuộc đời. Cao một mét bảy, mắt còn trong và tinh anh, ông vẫn giữ một vẻ kiên định lạ thường ở độ tuổi gần đất xa trời, với một sức mạnh tinh thần vượt xa hơn bất kỳ ai mà tôi biết.

Trong thời gian bà nằm viện, ông tích cực quán xuyến mọi việc, mặc cho con cái tìm cách vào thay cho ông. Gần như ông muốn mình phải là người chăm sóc cho bà, không ai hơn ông để làm việc này, và chúng tôi chấp nhận điều đó. Một đêm tháng Sáu, bác sĩ nói với chúng tôi bà chỉ còn chừng một tuần hoặc ít hơn, ông vẫn bình tĩnh, vững vàng như một tảng đá. Từ biệt chúng tôi và bác sĩ, ông quay vào phòng với bà. Tôi nghe tiếng ông thổn thức bên trong phòng bệnh, một mình cùng bà. Lúc đó, ông đã phải chấp nhận sự ra đi của người bạn đời 62 năm qua.

Tôi nghe trên báo đài và đọc những bài viết trên mạng, nơi người ta nói về những lời khuyên trong hôn nhân, cần làm thế này thế nọ khi mối quan hệ của bạn gặp trở ngại. Tôi nhận ra rằng, ngày nay, mọi người thường nghĩ rằng duy trì hôn nhân rất khó bởi họ không phải lúc nào cũng hạnh phúc. Bởi vì bạn về nhà sau một ngày làm việc mệt nhọc, con cái mè nheo đòi cái này cái nọ trong khi bạn đời không chia sẻ gánh nặng.

Như thế là khó khăn sao? Vì tôi đã thấy những việc còn khó hơn gấp vạn lần, như đau khổ khi bạn đời ra đi và chấp nhận từ bỏ họ. Những cái nồi cơm cháy, con trẻ quấy phá và căn phòng bừa bộn có vẻ như không phải là nguyên nhân chính của bất hạnh trong hôn nhân. Mà “hạnh phúc” là cái gì chứ? Nó cứ như một mục tiêu di động mà bạn mong đợi bạn đời của mình có thể cung cấp.

Mọi thứ đều kết nối với nhau. Nếu bạn không chấp nhận hy sinh để gầy dựng cuộc hôn nhân của mình trong những năm đầu, thì những năm sau đó sẽ ra sao? Mất 62 năm gian khó để ông và bà tôi tạo dựng cuộc hôn nhân của họ. Tôi học được rằng những điều nhỏ nhặt lại là những thứ quan trọng nhất. Sự chân thật, trung thành bắt đầu từ việc hỗ trợ lẫn nhau, cho nhau sự tôn trọng và xin thứ lỗi một cách thành khẩn khi cần. Nếu biết trước được bài học này, có lẽ cuộc hôn nhân của tôi đã không phải đổ vỡ. Nhưng lúc nào mà ta chẳng ước như thế.

Tôi rất biết ơn những bài học mà nỗi đau đã đem lại. Khám phá cái cảm giác như bị cắt bởi một lưỡi dao ngọt khi phải ly hôn, cái nhức nhối âm ỉ trong những ngày đầu bỗng dưng cô độc, tìm cách chống cự với hậu quả của cuộc ly hôn. Và nỗi đau quằn quại nhất khi phải chứng kiến sự kết thúc cưỡng ép cuộc hôn nhân của ông bà ngoại mà tôi thần tượng. Tôi chưa từng nghĩ rằng mình sẽ đơn thân ở tuổi 35. Tôi cảm thấy mình như một người lạc lõng trong thế giới của các cuộc hẹn hò chóng vánh và tình cảm vội vàng, của những dịch vụ hẹn hò qua mạng tiện lợi ở ngay trên đầu ngón tay cầm điện thoại.

Nhưng mùa xuân này, cuộc sống đã dạy cho tôi cách phải chân thật với chính bản thân mình, chân thật với bạn đời, và trân trọng giá trị của từng cá nhân cũng như sự cống hiến của họ. Tôi biết ơn rằng mình lại có một cơ hội mới để làm lại từ đầu, làm lại một cách đúng đắn hơn. Tôi không quan tâm nó sẽ cần bao nhiêu thời gian và công sức. Một cuộc hôn nhân vững chắc cần được gọt giũa chậm và tỉ mỉ.

Thành Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI