Từ kẻ cướp thành nhà sư ẩn tu
“Cha tôi tên Thụ, đặt tên tôi là Hưởng. Chẳng biết cái tên có vận vào người hay không mà tôi từng trải, hưởng thụ mọi lạc thú trên đời, từ ăn chơi sa đọa, hút chích ma túy đến đâm thuê chém mướn, vào tù ra khám, ngập ngụa trong trụy lạc, tội lỗi” - sư Thích Minh Thủy cởi mở thổ lộ với chúng tôi về thời trai trẻ dữ dội của mình.
|
Dẫu ẩn tu trên núi Thị Vải, sư Thích Minh Thủy vẫn luôn nhớ về Sài Gòn với lòng tri ân sâu đậm - Ảnh: Diệu Hiền |
Sư Minh Thủy có tên thật là Phạm Văn Hưởng, sinh năm 1953, quê ở tỉnh Thái Bình. Là thầy đồ, cha ông kỳ vọng sau này ông sẽ học thành bác sĩ nhưng khi lớn lên, ông trượt dài trong “tứ đổ tường” và trở thành tên cướp hung hăng ở Sài Gòn. Sư nói: “Hơn 20 năm nay, tôi ẩn tu trên núi Thị Vải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), cuộc đời thảnh thơi, an lạc. Để có điều này, tôi mang ơn cha mẹ đã cho tôi hình hài, mang ơn Phật pháp đã soi sáng cho tôi thoát khỏi mê lầm, mang ơn những ân nhân ở Sài Gòn đã sinh tôi ra lần nữa”.
Vị ân nhân đầu tiên là người chị quá cố của ông, tên Phạm Thị Át (Hiên), ở huyện Hóc Môn, TPHCM. Bà đã thay em mình phụng dưỡng cha mẹ bệnh tật, lo hậu sự cuối đời. Bà đã dành cho em tình thương vô bờ bến bất kể em có hư hỏng, bất nghĩa, lừa lấy tài sản của mình. Bà vẫn nấu cho ông những bữa ăn ngon kèm theo lời khuyên nhủ, động viên nhẹ nhàng để ông vượt qua mặc cảm, có động lực thay đổi.
Năm 1988, sau khi ra tù vì hành vi cướp có dùng súng, ông Hưởng liền quay lại chốn giang hồ và càng hung hăng, bất chấp. Một lần, chịu đựng quá ngưỡng, bà Hiên đã nói với ông: “Em cũng có tuổi rồi, lo mà tu tâm dưỡng tánh, nếu không thì chị đành phải cắt đứt tình chị em. Ăn chơi như vậy mãi thì đời em sẽ về đâu? Em nên vào chùa làm công quả để sám hối tội lỗi”. Lời nói này khiến ông trắng đêm thao thức. Ông hiểu rằng, 2 chữ “cắt đứt” của chị không phải là lời dọa suông.
Năm 1995, ông bắt đầu vào làm bảo vệ trong chùa Hoằng Pháp (huyện Hóc Môn). Tình thương, lòng kiên nhẫn của thượng tọa Thích Chân Tính - Trụ trì chùa - và các sư đã từng bước giúp ông khắc chế “cái tôi” ngỗ nghịch, tự mãn để sống chan hòa với người đồng tu, với phật tử bốn phương. Quá khứ của ông được các sư đặt ngoài cổng chùa, chỉ còn lại niềm tin và lời khuyên nhủ, vỗ về để ông an tâm lo tròn trách nhiệm và hoàn lương.
3 năm ở chùa, ông rũ bỏ lớp áo của một tên giang hồ để trở thành một người bảo vệ mẫn cán. Tại đây, ông có duyên gặp được hòa thượng Thích Giác Viên của tịnh xá Ngọc Phật, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, được hòa thượng thâu nhận làm đệ tử, đặt cho pháp danh Thích Minh Thủy. Từ ngày 13/5/2000, ông tới ẩn tu trên núi Thị Vải.
Sau phút tọa thiền, sư Minh Thủy nhẹ nhàng đi qua các tảng đá, dẫn chúng tôi tham quan núi Thị Vải. Phóng tầm mắt xa ngút, sư Minh Thủy chỉ tay về hướng TPHCM với ánh mắt trìu mến. Sư luôn giữ trong lòng mình những kỷ niệm với Sài Gòn, cả những ngày lầm lạc hay những lần lột xác nhờ niềm tin và ngọn lửa thiện lương từ chị và sư thầy.
Khi được hỏi “yêu Sài Gòn, sao sư lại rời xa”, sư Minh Thủy đáp: “Do sư có duyên tu núi nên phải rời Sài Gòn. Sư chỉ rời chứ không xa bởi sư vẫn thỉnh thoảng về đó thăm lại chùa Hoằng Pháp hay tham gia các chương trình quyên góp giúp bệnh nhân nghèo, trẻ mồ côi, đi nói chuyện với giới trẻ ở chùa chiền, nhà giam… để chúng tránh xa con đường tối như sư từng sa vào”.
Như bà vú nuôi chân tình
Khi con gái học lớp Năm uống thuốc tự vẫn do bị ông hàng xóm xâm hại tình dục mà kẻ xâm hại vẫn nhởn nhơ, chị Hữu Thị Lợi (huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) đã một mình tới TPHCM gõ cửa nhiều nơi để nhờ can thiệp.
Thấu cảm nỗi oan khiên của chị, 5 luật sư và hàng chục báo, đài ở TPHCM đã vào cuộc, đồng hành với chị tìm công lý. Và rồi năm 2018, tòa đã tuyên án 7 năm tù giam cho kẻ ấu dâm. Không dừng lại ở đó, trong đại dịch COVID-19 hay những lúc gặp khó khăn, chị tiếp tục được những người không thân thích nhắn tin xin địa chỉ, ship cho thức ăn kèm lời động viên.
|
Tất bật với công việc và lệch múi giờ, thạc sĩ Nguyễn Phạm Hoàng Lan vẫn luôn tìm cách góp sức xây dựng và phát triển y tế nước nhà - Ảnh do nhân vật cung cấp |
Thạc sĩ Nguyễn Phạm Hoàng Lan - quê ở tỉnh Bến Tre, hiện sinh sống, làm việc ở Mỹ - rất cảm kích về mảnh đất Sài Gòn - TPHCM, nơi chị từng có thời gian học tập và làm việc. Những tháng ngày cuối đời, cha chị đã nhận được sự chăm sóc tận tình của đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy.
Chị thầm nguyện mai này sẽ góp chút sức mình cho ngành y tế TPHCM và nước nhà. Chị chấp nhận gác lại chương trình nghiên cứu sinh tiến sĩ hóa học với suất học bổng mà bao người mơ ước và theo học chương trình thạc sĩ ở Mỹ về quản trị bệnh viện.
Sau khi tốt nghiệp, chị nhận được cơ hội làm việc ở phòng quản lý chất lượng của hệ thống bệnh viện Main Line Health ở ngoại ô TP Philadelphia, bang Pennsylvania, Mỹ. Năm 2015, có duyên kết nối được với các đồng nghiệp trong hệ thống y tế ở TPHCM, chị nhận hướng dẫn về quản lý chất lượng và vận hành bệnh viện cho nhiều cơ sở y tế ở Việt Nam.
Năm 2022, chị cùng các đồng nghiệp góp phần đưa Bệnh viện Quốc tế Phương Châu chi nhánh Cần Thơ trở thành bệnh viện thứ sáu ở Việt Nam và là bệnh viện đầu tiên của vùng đồng bằng sông Cửu Long đạt chứng nhận về chất lượng và độ an toàn của Ủy ban Thẩm định quốc tế (Joint Commission International) - một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở chính ở TP Chicago, tiểu bang Illinois, Mỹ. Tình yêu và sự hàm ơn đối với Sài Gòn giúp chị chinh phục dần những mục tiêu, đạt được hoài bão góp sức mình cho nền y tế Việt Nam.
***
Ghé Sài Gòn, bạn có bị níu chân bởi những điểm sửa xe miễn phí, những giường trọ 0 đồng, những người bộ hành xắn tay xách giỏ nặng phụ bạn qua đoạn đường ngập nước, những phần cơm chay từ thiện, những gói xôi ấm trong mưa đêm khi đang lỡ đường đói lả?
Gần 30 năm trước, từ tỉnh Bến Tre đến TPHCM học, tôi từng dị ứng với những con kênh nước đen hôi nồng nặc, những người bán hàng nói thách. Nhưng càng sống trong lòng thành phố này, tôi càng thấy Sài Gòn như bà vú nuôi chân tình, ít hờn, mau quên và thương con vô điều kiện.
Tác phẩm tham gia cuộc thi viết về Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, chủ đề “Thành phố của tôi” xin gửi về: tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM, 311 Điện Biên Phủ, quận 3, TPHCM; ngoài bì thư ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi” hoặc gửi qua email: saigon-tphcm@baophunu.org.vn; tiêu đề ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi”. Hạn chót nhận bài thi: 31/12/2024. Cơ cấu giải thưởng: - 1 giải Đặc biệt trị giá 70 triệu đồng. - 1 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng. - 2 giải Nhì, trị giá 40 triệu đồng/giải. - 3 giải Ba, trị giá 30 triệu đồng/giải. - 10 giải Khuyến khích, trị giá 10 triệu đồng/giải. - 1 giải Bài viết hay nhất về phụ nữ TPHCM trị giá 30 triệu đồng. - 1 giải Bài viết hay dành cho tác giả là người nước ngoài, kiều bào sinh sống ở nước ngoài, trị giá 30 triệu đồng. - Giải tháng: 10 triệu đồng/giải. Ngoài ra, còn có các giải ấn tượng do ban giám khảo bình chọn cho bài viết chân dung phụ nữ, tác giả nữ cao tuổi nhất, tác giả có nhiều bài chất lượng nhất… Đặc biệt, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM sẽ xem xét trao giải cho bài viết hay vào mỗi quý. Xem thông tin chi tiết về cuộc thi tại đây: https://www.phunuonline.com.vn/cong-bo-cuoc-thi-viet-thanh-pho-cua-toi-a1503685.html |
Tô Diệu Hiền