Biết ơn kẻ 'lùi về'

28/04/2019 - 18:00

PNO - Nếu một mình phải gánh vác hết, chắc gì ta đã thành công như vậy. Thành công phải được chia sẻ bằng sự khiêm tốn, lòng biết ơn, thái độ ứng xử hòa nhã với chồng.

Nhiều người vẫn nhầm tưởng tiến lên là thành công trong nghề nghiệp, tài chính, nên xao nhãng quan hệ gia đình, hôn nhân, con cái. Họ bị mâu thuẫn vì stress, khủng hoảng thời gian. Chỉ phát triển bản thân để thành công trong sự nghiệp tài chính, hạnh phúc riêng tư mà không có gia đình hạnh phúc thì coi như chỉ thành công một nửa. Vẹn toàn là bài toán khó, nhưng có thể đạt được, nếu ý thức xây dựng từng mảng đồng đều nhau, không để mảng nào bị “lép”.

Biet on ke 'lui ve'
Ảnh minh họa

Thực ra, sự tiến bộ của một người thể hiện ở việc họ có làm chủ cuộc đời hay chưa. Với câu hỏi, nếu người vợ “bỏ xa” chồng về bằng cấp, địa vị, thu nhập, có nên giấu bớt thành công này để tránh tâm lý mặc cảm ở chồng; tôi cho rằng, không có gì phải giấu. Thành công nào cũng đáng được trân trọng, tự hào. Chắc chắn người chồng cũng tự hào với thành tựu của vợ.

Vấn đề không nằm ở chỗ người vợ giấu ém thành tựu hay chức vị ngoài xã hội mà là thái độ cư xử, cách sống, tương quan trong gia đình. Phải xem vị thế, thu nhập là cái bề ngoài, là cơ hội, may mắn, nhờ sự hy sinh, sắp xếp của chồng, người thân hỗ trợ mà bản thân mới có được. Nếu một mình phải gánh vác hết, chắc gì ta đã thành công như vậy. Thành công phải được chia sẻ bằng sự khiêm tốn, lòng biết ơn, thái độ ứng xử hòa nhã với chồng.

Lên mặt, ta đây, thiếu tôn trọng chồng mới thành chuyện. Nhiều phụ nữ có biểu hiện “khó ưa”: khi chồng thành đạt, nuôi nấng gia đình suốt khoảng thời gian dài thì không nhớ; đến khi mình thành công lại lên mặt kiêu ngạo, coi thường, chán chồng. Đàn bà quyền lực đáng sợ hơn đàn ông quyền lực nhiều. Mỗi ngày, vợ nên ứng xử sao cho chồng thấy anh đang có giá trị, anh đang làm việc thiêng liêng chăm sóc con cái, gia đình và anh được ghi nhận, cảm ơn vì những điều đó.

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI