Những vấn đề về sức khỏe tinh thần do căng thẳng, tình trạng mất động lực, thiếu định hướng trong học tập, công việc và cuộc sống… đang gia tăng trước những biến động của tình hình kinh tế, xã hội.
Để tìm giải pháp cho vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc gặp gỡ với chị Nguyễn Thị Bích Hà - Chủ nhiệm Chi hội Khoa học tâm lý giáo dục các giá trị sống (LVEC), thành viên của Hội Khoa học tâm lý giáo dục TPHCM, thành viên tại Việt Nam của Hiệp hội Giáo dục các giá trị sống quốc tế (ALIVE).
|
Các giáo viên mầm non học về giá trị sống |
Phóng viên: Trong bối cảnh có nhiều biến động như kinh tế suy thoái, làn sóng sa thải, công nghệ phát triển… thì việc thực hành giá trị sống có ý nghĩa như thế nào, thưa chị?
Chị Nguyễn Thị Bích Hà: Giá trị sống là những nguyên tắc, niềm tin bên trong con người. Khi xác định các giá trị sống cốt lõi cho bản thân và sống dựa trên các giá trị ấy, con người sẽ lựa chọn thái độ, suy nghĩ và cảm xúc, từ đó quyết định cách họ sử dụng các kỹ năng, thời gian… Đây là yếu tố quyết định tình trạng sức khỏe tâm trí, sức khỏe thể chất và chất lượng của các mối quan hệ.
Cuộc sống giống như một cỗ xe và tâm trí là con ngựa kéo. Để khỏe mạnh và kéo được cỗ xe trên đường đời, con ngựa cần được ăn. Thực hành các giá trị sống là cách người ta lựa chọn các thực phẩm bổ dưỡng cho tâm trí nhằm gia tăng trí tuệ cảm xúc, chất lượng mối quan hệ với bản thân và với những người xung quanh.
Trong cuộc sống nhiều biến động, vai trò của giáo dục giá trị sống càng cần thiết hơn để con người có khả năng đối phó với thay đổi, học điều mới và duy trì cân bằng tâm lý. Tái khám phá và thực hành giá trị sống là thấu hiểu chính mình. Học hỏi để thích ứng với ngoại cảnh là khả năng hiểu và phát huy được những giá trị cốt lõi bên trong, từ đó sống có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng.
* Việc thực hành các giá trị sống nên diễn ra như thế nào để thích ứng với những thay đổi?
- Thứ nhất, người học trực tiếp khám phá và hiểu rõ các giá trị sống từ chính bản thân họ. Họ sẽ học tập thông qua trải nghiệm thay vì hướng dẫn giáo khoa, có thời gian suy ngẫm, tham gia các hoạt động và chia sẻ trong một môi trường hỗ trợ của bầu không khí dựa trên các giá trị - một thành tố quan trọng trong các chương trình của LVEC.
Thứ hai, người học sẽ khám phá nội tâm và áp dụng những hiểu biết của họ trong nhiều tình huống và vấn đề. Các hoạt động đa dạng như suy ngẫm, mường tượng/hình dung, thực hành tập trung thư giãn, sáng tạo nghệ thuật, phát triển bản thân, thực hành các kỹ năng xã hội… nhằm nhấn mạnh và khám phá sự kết nối trọng yếu giữa nhân tính của con người với kinh nghiệm sống và làm việc của họ.
Trong mỗi hoạt động, học viên sử dụng ít nhất 5 trong 7 loại hình trí thông minh: ngôn ngữ - dưới hình thức lắng nghe và viết; tư duy logic - thông qua giải quyết vấn đề; âm nhạc; vận động; trực quan/thị giác - thông qua hình ảnh, tưởng tượng, bản đồ tâm trí; trí thông minh nội tâm - bằng hình thức suy ngẫm; trí thông minh tương tác cá nhân - thông qua quá trình chia sẻ, làm việc theo cặp hoặc theo nhóm.
Kể từ đại dịch, ALIVE đã phát triển thêm chương trình quốc tế học Giá trị sống từ xa (Distant Facilitator Training). Hiện tại, LVEC đang tiến hành Việt hóa chương trình này và sẽ giới thiệu trong năm 2024.
Điều quan trọng là cá nhân cần thực hành việc yêu thương và chăm sóc bản thân. Họ cần ứng dụng các giá trị tôn trọng, khoan dung, yêu thương, trách nhiệm với chính mình trước, trao cho mình lòng tự trọng để ghi nhận bản thân với những điều làm được mỗi ngày. Nhờ đó, họ sẽ loại bỏ được những cảm xúc tiêu cực như sự ganh tị, cái tôi cao ngạo, sự tự ti…
Kế đến, họ cần thực hành kỹ năng tạo nên bầu không khí dựa trên giá trị, sự tôn trọng và sống hài hòa với giá trị của người khác. Trung thực, khiêm tốn, hợp tác, hạnh phúc, bình an, tự do… là kim chỉ nam hành động khi tương tác với người khác, mở rộng học hỏi, xem thử thách là bài học để từ đó có thể thích ứng với mọi hoàn cảnh.
|
Chị Bích Hà (bìa trái) tham gia hội nghị Giáo dục giá trị sống khu vực châu Á tại Colombo, Sri Lanka |
* Nếu lựa chọn một giá trị sống quan trọng nhất để thực hành ngay từ bây giờ thì theo chị đó là giá trị nào? Vì sao?
- Lòng biết ơn là một giá trị hết sức quan trọng và thiết thực để thực hiện mỗi ngày. Giá trị này đem lại kết quả tuyệt vời cho những người đã thực hành nó và có sự liên quan rất chặt chẽ với rất nhiều giá trị sống khác. Bất kỳ ai, dù là thanh thiếu niên hay người lớn đều có thể thực hành. Trẻ nhỏ cần được người lớn hướng dẫn để làm theo.
Thực hành lòng biết ơn là trân trọng những gì chúng ta đang có, kể cả những bài học từ những khó khăn trong cuộc sống, từ đó hình thành suy nghĩ lạc quan trước mọi tình huống. Khi lạc quan hơn, chúng ta sẽ ít bị căng thẳng hơn, chăm sóc bản thân tốt hơn, sẵn sàng trải nghiệm và cho đi nhiều hơn và nhờ đó cảm thấy hạnh phúc hơn. Lòng biết ơn, vì vậy, có tác dụng toàn diện đến tâm lý, sức khỏe thể chất và chất lượng các mối quan hệ của người thực hành.
Tính đến nay, LVEC đã tổ chức 28 khóa Viết sổ biết ơn trực tuyến với gần 1.500 người tham gia miễn phí. Trong suốt 28 ngày liên tục, LVEC đưa ra những hướng dẫn cụ thể để biến việc thực hành này trở thành một thói quen lành mạnh. Một khảo sát của LVEC đối với 114 thành viên thực hành lòng biết ơn liên tục trong 28 ngày (sau COVID-19) dưới hình thức viết sổ biết ơn ghi nhận: hơn 80% người chuyển suy nghĩ từ tiêu cực sang tích cực, cụ thể là ở các khía cạnh được quan tâm nhất trong cuộc sống như sức khỏe, công việc, mối quan hệ và tiền bạc.
* Tháng 10/2023, TPHCM là địa phương đầu tiên xây dựng và áp dụng bộ tiêu chí trường học hạnh phúc; trong đó, có những tiêu chí khá tương đồng với các giá trị sống mà LVEC nỗ lực lan tỏa như tôn trọng, khoan dung, hợp tác, lòng biết ơn… Chị có suy nghĩ gì trước sự kiện này?
- Trọng tâm hoạt động của LVEC luôn là lĩnh vực giáo dục để nuôi dưỡng các giá trị cho thế hệ tương lai ngay từ nhỏ. LVEC rất trân trọng và đánh giá cao việc xây dựng và áp dụng bộ tiêu chí trường học hạnh phúc của TPHCM. Toàn bộ 18 tiêu chí được đưa ra cũng là cách tiếp cận của chương trình Giáo dục các giá trị sống.
LVEC cũng như nhiều thành viên khác thuộc Hội Khoa học tâm lý giáo dục TPHCM sẵn sàng chung sức cho quá trình triển khai bộ tiêu chí này tại các cơ sở giáo dục ở TPHCM và cả nước, thông qua việc đào tạo về giá trị sống và các kỹ năng tạo dựng bầu không khí dựa trên các giá trị cho đội ngũ quản lý, giáo viên, nhân sự khác của nhà trường…
* Xin cảm ơn chị.
Chương trình Giáo dục các giá trị sống (Living Values Education) xuất phát từ một dự án có tên “Hợp tác toàn cầu vì một thế giới tốt đẹp hơn” (năm 1996) dựa trên sáng kiến và sự thiết kế của 20 nhà giáo dục từ 5 châu lục. Chương trình do Hiệp hội Giáo dục các giá trị sống quốc tế (ALIVE), trụ sở tại Thụy Sĩ điều phối và được thực hiện tại hơn 40 quốc gia. Tại Việt Nam, chương trình được Chi hội Khoa học tâm lý giáo dục các giá trị sống (LVEC), trực thuộc Hội Khoa học tâm lý giáo dục TPHCM thực hiện. |
Phương Thy (thực hiện)