Biết ơn cha dượng của các con

05/04/2024 - 18:19

PNO - Nếu ngày ấy không gặp được anh có thể cuộc đời tôi sẽ khác. Bằng tấm lòng bao dung, nhân hậu, anh đã che chở và dìu dắt các con tôi nên người.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đến bây giờ khi tất cả con cái đều đã yên bề gia thất, ngôi nhà của chúng tôi chỉ còn lại 2 vợ chồng già. Tôi muốn kể lại câu chuyện của tôi như một cách cảm ơn người bạn đời - chỗ dựa vững chắc của mẹ con tôi.

Tôi lấy chồng năm 18 tuổi. Đến năm 23 tuổi tôi có 3 đứa con gái, đứa lớn nhất 4 tuổi, đứa nhỏ nhất chỉ vừa thôi nôi thì chồng tôi đột ngột ra đi trong một tai nạn giao thông. Tôi như người từ trên cao rớt xuống vực sâu. Cuộc sống sau đó đến với mấy mẹ con rất khó khăn. Từ một người chỉ biết loay hoay với công việc nội trợ, không nghề nghiệp, không vốn liếng, tôi bắt đầu tập tành buôn bán để nuôi con bằng một tủ thuốc lá nhỏ trước nhà. Rồi tôi mua thêm mì gói, xà bông, nước mắm… dần dần phát triển thành cửa hàng tạp hóa.

2 năm sau tôi gặp anh. Anh là một trong những bạn hàng của tôi. Khi ấy anh đã gần 40, vợ anh mất đã 2 năm và không có đứa con nào. Anh đến với tôi bằng tình yêu chân thành, anh quan tâm mẹ con tôi chu đáo. Anh thường nói anh thèm không khí gia đình, thèm nghe tiếng khóc, tiếng cười của con trẻ, nghe tiếng bi bô hay ê a học bài của chúng.

Năm sau chúng tôi cưới nhau. Từ ngày lấy anh, tôi nghỉ hẳn việc buôn bán, giao cửa hàng lại cho anh để lui vào nhà làm công việc nội trợ và sinh thêm một cháu trai. Thời gian dần trôi, việc làm ăn có lúc thịnh lúc suy, nhưng nhà tôi lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười, các con tôi coi anh như người cha ruột của chúng. Với anh, chẳng có ranh giới nào phân biệt con chung, con riêng.

Các con tôi lớn dần lên, học hành nên người trong vòng tay thương yêu chăm sóc của gia đình mà anh luôn là trụ cột, là tấm gương cho các cháu.

Tôi nhớ mãi ngày đám cưới Hạnh, con gái đầu của tôi. Cô dẫn chương trình giới thiệu đại diện nhà gái phát biểu, chồng tôi kéo tay chú rể đứng cạnh anh. Cầm micro, anh nói: "18 năm trước, mỗi sáng có một cô gái nhỏ ăn sáng xong thì chờ xe đến nhà đưa đi học. Cô bé thường ngồi trên đùi ba để ba chải đầu và cột tóc bằng một cái nơ màu xanh hay hồng. Giờ đây cô bé ấy đã nên người, lập gia đình, chính vì vậy mà ba muốn trao lại cho con cái lược nhỏ này để con thay ba săn sóc Hạnh như ba đã từng chăm sóc em.

Chải tóc cho con gái (hình minh hoạ)
Chải tóc cho con gái (ảnh minh hoạ)

Vừa nói anh vừa lấy trong túi áo vest ra cái lược nhỏ đưa cho chú rể. Con gái tôi đứng trên sân khấu khóc trôi hết son phấn cô dâu. Riêng tôi thì lặng đi với những dòng nước mắt tuôn ra không kìm được.

Đến đám cưới Hân, con gái út tôi, anh cũng gọi chàng rể đến đưa cho đôi đũa và nói rằng: “Đây là đôi đũa thần. Lúc còn nhỏ, Hân thường khóc vì đòi được dùng đũa như các chị trong những bữa cơm tối. Có đôi đũa là Hân nín khóc ngay. Con hãy dùng đôi đũa này mà dỗ Hân khi em có chuyện buồn, hay mỗi khi Hân khóc”.

Các con tôi lập gia đình ra riêng nhưng anh luôn quan tâm, hỏi han và động viên khi cần thiết. Hàng ngày, nếu không thấy chúng điện thoại về là anh thắc thỏm. Dù gia đình có lập nhóm Zalo nhưng anh ít khi mở ra. Anh bảo, những con chữ vô hồn trên điện thoại không thể thay thế giọng nói.

Hàng tuần, nếu các con bận không về, anh lại chở tôi đi thăm chúng. Gia đình đứa nào có chuyện giận hờn là anh ra tay can thiệp, khuyên bảo, dỗ dành. Các cháu ngoại, nếu cha mẹ chúng không có điều kiện chăm sóc thì anh nhận trông coi. Các chàng rể cần tư vấn làm ăn, anh sẵn sàng giúp đỡ. Và cũng thật may mắn cho gia đình chúng tôi là cả bố vợ và con rể không ai thích nhậu nhẹt.

Tôi cám ơn cuộc đời đã mang lại cho tôi một bóng tùng để mẹ con tôi núp vào. Bằng tấm lòng nhân hậu, anh đã che chở và dìu dắt các con tôi nên người.

Kim Duy

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI