Biết làm gì với giáo viên dạy dở?

30/10/2018 - 06:00

PNO - Có những người thầy được học trò thực sự yêu thích, hâm mộ, nhưng cũng có những giáo viên chỉ là người thợ dạy không tốt, khiến học trò chán ngán.

Thầy C., từng là giáo viên dạy toán cấp 2, sau đó chuyển về dạy tin học tại Trường THPT A. Dạy môn phụ được một thời gian ngắn, thầy đi học nâng cấp lên đại học sư phạm toán và xin chuyển đổi sang dạy toán luôn. Trở lại dạy toán chẳng được bao lâu thì thầy C. bị phụ huynh làm đơn “tố” dạy dở, học sinh không hiểu và đề nghị đổi giáo viên. Ban giám hiệu đành phân công thầy C. đứng lớp ít hơn và kiêm thêm chân giám thị. Nhưng thầy tỏ ra không phục.

Về vấn đề của thầy C., hiệu trưởng lúng túng: “Khổ là chúng tôi cũng không thể đáp ứng yêu cầu của một vài phụ huynh mà đổi giáo viên, vì như thế sẽ xáo trộn nhiều thứ”. Ông đưa ra mấy cái khó: đổi thầy C. sang lớp khác thì lại bị học sinh lớp khác phản ứng; không thể không phân công thầy ấy đứng lớp vì như thế là vi phạm quy định về sử dụng lao động; trả về nơi tuyển dụng thì không nỡ… Giờ chúng tôi chỉ còn biết để tổ chuyên môn nhắc nhở đôn đốc rồi kiểm tra dự giờ thêm để khắc phục dần.

Biet lam gi voi giao vien day do?

Thầy giáo Trần Tuấn Anh, dạy môn Giáo dục công dân, được học trò mệnh danh là "ông thẩy cảm động"

Chuyện nhà trường không làm được gì với những giáo viên yếu kém trong giảng dạy, không đáp ứng được yêu cầu của học sinh không phải hiếm. Rất nhiều giáo viên chỉ tồn tại vật vờ, dạy đủ tiết nghĩa vụ rồi chờ đến tháng lãnh lương mà bỏ mặc cảm nhận của học trò, đang tồn tại ở rất nhiều trường. T., một học sinh lớp 10 Trường THPT Đ. khổ sở vì cô giáo dạy văn. “Cô nói gì riết rồi tụi con chẳng hiểu, mà không phải một mình con, rất nhiều bạn trong lớp đều nhận định cô dạy khó hiểu. Con phải đi học thêm môn văn - đó là môn mà từ đó đến giờ con không nghĩ mình phải đi học thêm!”, T. nói.

Ai đã từng đi học đều biết, nếu gặp giáo viên dạy giỏi, có phương pháp dạy hay, thu hút, thì tiết học sẽ trôi qua rất nhanh, thậm chí hết giờ lúc nào không hay. Nhưng nếu giáo viên giảng mà trò không hiểu, thì việc học sẽ là cực hình mà học sinh phải chịu đựng. Ngồi trong lớp nhưng học sinh chỉ chờ tiếng trống hết giờ. Bởi vậy, có những người thầy được học trò thực sự yêu thích, hâm mộ; nhưng cũng có những giáo viên chỉ là người thợ dạy tồi khiến học trò chán ngán.

Thế nhưng, dù được học sinh hâm mộ hay chán ngán thì họ cũng vẫn tồn tại như nhau. “Đối với giáo viên THPT, trường có thể trả về Sở GD - ĐT là đơn vị tuyển dụng. Nhưng cũng rất khó để làm được việc này, vì đều là đồng nghiệp, đồng thời cũng rất khó định lượng thế nào là dạy dở. Dạy hay, dở chỉ là định tính. Nếu mình làm không khéo rất dễ bị kiện ngược lại. Đó là lý do mà rất nhiều hiệu trưởng sợ, không dám “xử” mạnh tay với những giáo viên dạy dở”, một hiệu trưởng trần tình.

Thật ra, giải quyết được hay không đều do ban giám hiệu có muốn hay không. Nếu chỉ vì vị nể, vì sợ bị kiện mà không dám quyết liệt với giáo viên dạy dở tức là chúng ta đang làm khổ học trò. Việc định lượng dạy hay, dạy dở  cũng chăng khó nếu căn cứ vào kết quả học tập của học sinh qua từng học kỳ, từng năm học. Hơn nữa, học sinh chính là trung tâm của quá trình dạy học nên chỉ cần lấy ý kiến của người học sẽ biết việc dạy học đang như thế nào. Thầy đứng lớp mà có nhiều học sinh không tiếp thu được, không thích, tức là phương pháp của thầy đang có vấn đề.

Học trò đến trường là để được tiếp thu kiến thức mới, cho nên không có học trò dở. Người thầy khi lên lớp luôn phải ở tâm thế: học trò đến đây để học và hãy dạy như các em chưa biết gì và làm cho các em hiểu rồi biết và vận dụng. Xin đừng giảng như kiểu các em đã biết chín, chỉ cần dạy thêm một và ra lớp học thêm sẽ được củng cố lại tất cả!

Ý kiến một phụ huynh ẩn danh

Thanh Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI