Tròn 50 năm, Chuyện tình (Love Story) trong một mô-típ cũ kỹ giữa chàng “công tử Harvard” Oliver Barrett IV và cô gái nghèo Jennifer Cavilleri (thường gọi Jenny) vẫn hằng đêm lấy cạn nước mắt - không chỉ các thế hệ bé gái mới lớn, mà còn ở cả những người trưởng thành. Bộ phim diễn ra trong loạt hồi tưởng của Oliver, do Ryan O’Neal thủ vai, được khởi đi bằng sự kết thúc: “Bạn có thể nói gì về cái chết của một cô gái 25 tuổi?”- anh chất vấn người xem ngay từ đầu phim.
- Dẹp mẹ Paris đi! - Jenny bấn loạn trên giường bệnh.
- Sao vậy cưng? - Oliver hỏi vợ.
- Dẹp Paris, âm nhạc và tất cả mọi thứ đi!
- Anh luôn tự trách là anh đã không làm được những điều ấy cho em.
- Em chả quan tâm đến chúng, tin không? Và ra khỏi đây đi, em không muốn anh ở cạnh giường chết của em nữa!
- Anh tin. Anh cũng chả quan tâm đến chúng nữa.
Jenny thở khó:
- Vậy tốt hơn rồi đó. Anh làm điều này cho em được không? Làm ơn ôm em đi! Ý em là anh leo lên đây, nằm cạnh em đi!
Khi Oliver đã ở cạnh bên, trên giường bệnh, Jenny thì thào “cám ơn” và chìm vào giấc ngủ thiên thu trong vòng tay chồng. Cho đến bây giờ, cái chết ấy vẫn ám ảnh hàng triệu khán giả yêu điện ảnh, cũng như triệu triệu người khác là độc giả trung thành của Erich Segal - tác giả cuốn tiểu thuyết “best seller” cùng tên.
Như ảo mộng lãng mạn được tạo ra, tình yêu của họ bị ngăn trở chỉ vì chuyện “môn đăng hộ đối”. Đáp lại, những kẻ yêu nhau dĩ nhiên khăng khăng cắt đứt các mối liên hệ với gia đình, quyết xây dựng “túp lều tranh, hai quả tim vàng” giữa Boston. Họ kết hôn và chết đói cùng nhau. Thế nhưng, tất cả không làm cả hai hãi hùng bằng sự “đói khát” nếu như không có nhau. Để rồi sau một ít thành công và hạnh phúc ban đầu về “cơm áo gạo tiền”, mộng tưởng của họ bị xô đập không thương tiếc.
Cô gái sớm phát hiện mình bị mắc một chứng nan y, và chỉ còn có thể sống một thời gian ngắn. Điều khó chấp nhận đến nỗi khiến chàng trai - cũng như tất cả khán giả - nghẹn ngào biết rằng, khi đã không còn nhau thì chẳng có lời xin lỗi, hay hành động hối tiếc nào ngoài sự giằng xé trái tim của tất cả chúng ta.
Vào vai cô gái mang một tình yêu cứng đến mức có thể làm gãy vụn mọi thử thách như Jenny, nữ diễn viên Ali MacGraw - mang vẻ đẹp của một ngôi sao điện ảnh thập niên 1940 - lại làm cuốn tiểu thuyết của Segal trở nên ướt át hơn trên phim.
Để tương phản với phong cách quý tộc của gia đình nhà chồng, nhân vật nữ chính sử dụng một loạt từ ngữ, cử chỉ hết sức bình dân, thậm chí thô thiển. Ít nhất bảy lần, Jenny nói ra câu trứ danh trở thành câu cửa miệng của giới trẻ, và trở thành slogan cho bộ phim trong các bản đĩa phát hành sau này: “Yêu là không hối tiếc”.
Vâng, không ai có thể giải thích đầy đủ ý nghĩa “hiến chương tình yêu” này của Jenny. Các thế hệ chỉ có thể tạm chấp nhận đó chính là sự cào cấu, giằng xé ngay khi bạn chưa có, đang yêu hoặc đã mất tình yêu/người mình yêu mà thôi.
“Tương truyền”, Robert Evans - Giám đốc sản xuất của Paramount - rất thích sự kiêu kỳ đến bình thản của Ali. Cô mới chính là lý do khiến hãng phim “đột nhiên” có hứng thú với Chuyện tình. Đến nỗi, trên dưới ba mươi lần kịch bản được viết lại để phù hợp nhất với diễn viên. Bù lại, bộ phim chính là cú nổ tung phòng vé giữa “kỷ băng hà” của Hollywood, và nhận đến bảy đề cử Oscar.
Kể cho chúng ta một câu chuyện đẹp bi thảm, đạo diễn Arthur Hiller không có “mánh khóe” nào ngoài một chút mù mờ về những người tình trẻ bị ngăn cách nhau bởi cái chết. Tuy nhiên, nếu như cuốn sách đã được viết ra một cách kiên quyết lạnh lùng để vắt kiệt nước mắt người đọc, bộ phim lại chủ yếu lấy cái chết của Jenny để bàn về cuộc sống.
Một điều nữa phải ghi nhận, ra đời trong kỷ nguyên của cách mạng tình dục, vậy mà tác phẩm của Arthur Hiller chỉ mê hoặc người xem bằng dàn ngôi sao điện ảnh cố gắng làm sao trông giống mọi người nhất, không giả tạo mà đời thực nhất có thể.
Các “cảnh nóng” nhất ngoài nụ hôn, chỉ là những lần cặp tình nhân cùng nằm trên sofa, người này gối đầu lên đùi người kia… đọc sách. Hay cảnh gần gũi cuối cùng, họ bên nhau trên giường bệnh, để Jenny thì thào: “Làm ơn ôm em đi!”. Màu sắc tươi sáng của mùa thu ở Boston ngả sang màu tuyết rực rỡ khi cái chết lơ lửng ở cuối phim. Trời chắc chắn là lạnh.
Hai hình hài ôm lấy nhau, lướt qua lớp tuyết cô đơn, nhỏ dần khi máy quay zoom-out để thấy sự bất lực trong nỗi đau. Cái chết xông đến, cô gái trong vòng tay chàng trai, đầy đủ nhận thức để hiểu rằng mỗi khoảnh khắc đều sẽ là lần cuối cùng. Đó cũng là thông điệp nhỏ mà cá nhân tôi rút ra từ bộ phim.
Đối với khán giả Việt Nam, ấn tượng khó phai đối với Love Story còn là bài hát chủ đề phim, do Francis Lai viết nhạc. Phần lời của Carl Sigman mở đầu bằng câu “Where do I begin…” đã được nhạc sĩ tài hoa Phạm Duy đặt lời Việt cực sát nghĩa nhưng cũng cực kỳ bay bổng: “Biết dùng lời rất khó…” đã khiến không ít người say sưa ngang ngửa một ca khúc trữ tình Việt Nam thứ thiệt.
Giải Oscar cho ca khúc trong phim hay nhất đã thuộc về Love Story. Đây cũng là giải Oscar duy nhất trong bảy đề cử của bộ phim đã tồn tại như một trong những bi kịch tình yêu trứ danh mọi thời đại, sau Romeo và Juliet của William Shakespeare.
Đoàn Phó Ba