Biệt đội nữ shipper

24/07/2019 - 06:26

PNO - Do đã lớn tuổi, lại chạy xe đạp điện nên địa bàn hoạt động của bà Kim chỉ loanh quanh trong phường. “Cũng đỡ lắm đó cô. Có thêm đồng ra đồng vô để nuôi hai đứa cháu ngoại” - bà Kim thổ lộ.

Tổ chế biến và chuyển giao hàng hóa P.An Phú, Q.2, TP.HCM ra mắt hôm 12/7. Mô hình này đang mở ra cơ hội việc làm và vươn lên thoát nghèo cho nhiều chị em có hoàn cảnh khó khăn. 

30 năm ở trọ Sài Gòn

Trưa 22/7, nhận tin “có đơn hàng” từ chị Nguyễn Thị Kim Phượng - Chủ tịch Hội LHPN P.An Phú, bà Dương Thị Kim, 60 tuổi, ở khu phố 4 lật đật chạy lên UBND phường.

Từ ngày tổ chế biến và chuyển giao hàng hóa đi vào vận hành, thời gian nghỉ ngơi của bà Kim ít lại, thay vào đó là những chuyến giao hàng như gà tiềm, sữa chua nếp cẩm, túi ni-lông tự hủy, thùng đựng rác… cho khách.

Do đã lớn tuổi, lại chạy xe đạp điện nên địa bàn hoạt động của bà Kim chỉ loanh quanh trong phường. “Cũng đỡ lắm đó cô. Có thêm đồng ra đồng vô để nuôi hai đứa cháu ngoại” - bà Kim thổ lộ. 

Biet doi nu shipper
Bà Kim (bìa phải) và chị Gái chuẩn bị đi giao hàng cho khách

Quê ở Đồng Tháp, từ thời con gái bà Kim đã ngược xuôi buôn bán. Năm 1980, bà lên Sài Gòn làm thuê tại Q.1. Đến năm 1990, bà xuống Q.2 đẩy xe bán cà phê giải khát. Bà có một cô con gái, nhưng năm 2009 chị đã mất sau một trận hỏa hoạn, bỏ lại hai con nhỏ cho bà Kim nuôi. Hiện ba bà cháu tá túc trong căn phòng trọ nhỏ. Mỗi ngày, tiền lời từ xe nước vỉa hè chỉ 50.000-70.000 đồng, mà hai đứa cháu thì đang tuổi ăn tuổi học nên bà xoay xở kiểu gì cũng không đủ. Nhiều bữa cơm chẳng đủ no. 

Cảm thông với hoàn cảnh của bà Kim, cuối năm 2014, khi về công tác ở Hội Phụ nữ P.An Phú, chị Nguyễn Thị Kim Phượng thường xuyên ghé thăm bà, vận động kinh phí tặng học bổng, gạo, mắm cho ba bà cháu. 

Chị Kim Phượng cho biết, ý tưởng xây dựng tổ chế biến và chuyển giao hàng hóa xuất phát từ trăn trở của chị trước những hoàn cảnh như cô Kim. “Mình tặng gạo, tặng học bổng chỉ là giải pháp tạm thời, nhưng cần hơn vẫn phải là cái gì đó có tính đường dài. Tổ chia thành hai nhóm, chế biến và chuyển hàng, trong đó nhóm chuyển hàng đều thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Cái may mắn là tay nghề nấu nướng của nhóm chế biến rất khá, đã được chị em cán bộ, hội viên biết đến nhiều nên cũng có đơn đặt hàng" - chị Phượng thông tin. 

Thêm vào đó, hưởng ứng phong trào chống rác thải nhựa nên nhu cầu mua thùng rác đa năng, túi ni-lông tự hủy, túi thân thiện với môi trường của các hộ dân và chị em tiểu thương cũng nhiều. Các sản phẩm liên quan đến bảo vệ môi trường do Hội làm đầu mối phân phối. "Chúng tôi vừa nhận đơn đặt hàng vừa phân công chị em trong tổ mỗi người một việc. Thời gian hoạt động chưa lâu, nhưng tôi thấy hướng phát triển rất khả quan” - chị Nguyễn Thị Kim Phượng chia sẻ. 

Chung nhau phận nghèo

Tổ chế biến và chuyển giao hàng hóa P.An Phú có 9 thành viên, mỗi người một cảnh, nhưng đều có chung phận nghèo. Em Nguyễn Ngọc Gia Hân, ở khu phố 5, đang học nghề nấu ăn. Em trai Gia Hân mắc bệnh hiểm nghèo, thường xuyên phải đi bệnh viện. Cha Gia Hân làm bảo vệ, mẹ có một sạp rau củ nhỏ trước nhà. Để đỡ đần cha mẹ, ngoài giờ học, Hân đi phụ bán quán cà phê và nhận thêm công việc giao hàng.

Chị Nguyễn Thị Tuyết Trinh, ở khu phố 5, đang làm cấp dưỡng trường mầm non, gia đình thuộc diện hộ nghèo. Từ khi tham gia tổ, cứ hết giờ làm ở trường là chị lại ào ra đường. 

Cũng như bà Kim, chị Nguyễn Thị Gái, ở khu phố 5 cả đời bươn chải buôn thúng bán bưng. Chồng chị là anh Trần Văn Tám, trước đây theo nghề lặn mò phế liệu khắp các vùng sông nước. Về sau, anh chuyển qua làm phụ hồ, nhưng không có việc làm thường xuyên nên thu nhập bấp bênh. Để nuôi hai con ăn học, mỗi ngày chị Gái ra chợ đầu mối lấy trái cây, trứng cút mang về bán tại chợ Bình Khánh. Nghe tin Hội chuẩn bị ra mắt tổ chế biến và chuyển giao hàng hóa, chị xin một chân giao hàng mong cải thiện thu nhập. Chị Gái tâm tình: “Tôi bán từ sáng tới 11g và từ 15-17g, thời gian còn lại thì chạy xe giao hàng. Chỉ mong sao có đơn hàng thường xuyên để chị em cùng nhau làm việc”. 

Tổ chế biến và chuyển giao hàng hóa là mô hình rất sáng tạo, bước đầu giúp chị em có thêm nguồn thu từ chính sức lao động của mình. Sắp tới, quận Hội sẽ chủ động chia sẻ thông tin trong hệ thống Hội, kết nối các hàng quán kinh doanh thức ăn, hy vọng tổ sẽ có nhiều đơn hàng hơn. Chúng tôi đánh giá cao nỗ lực của Hội LHPN P.An Phú trong quá trình hỗ trợ chị em học nghề, tạo việc làm. Đơn vị này đã xây dựng được nhiều mô hình hay, hoạt động hiệu quả như tổ dịch vụ nấu ăn, vẽ trên nón lá, mượn đất trồng rau sạch… để thu hút chị em ở các lứa tuổi, hoàn cảnh khác nhau đến với tổ chức Hội. 

Bà Nguyễn Thị Tuyết Nga - Chủ tịch Hội LHPN Q.2 

THẢO NGUYÊN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI