Ngày làm việc của Đội xử lý bom mìn lưu động tiếp tục khi người dân gọi đến đường dây nóng, báo tin họ thấy 1 quả mìn lớn khi đang làm ruộng. Xe của đội vội vã lăn bánh, và đó là vụ việc phải xử lý thứ 5 trong ngày. 

Quảng Trị ngày nay, khi chiến tranh lùi xa gần nửa thế kỷ, những mảnh đất khô cằn đã được phủ xanh. Nhưng dư âm về một thời lửa đạn chưa hoàn toàn mất đi. Nhiều vùng tại Quảng Trị bây giờ, dưới lớp đất sâu hay lồ lộ bên hiên nhà, bờ ao, thửa ruộng, trường học... vẫn mắc “kẹt” vật liệu gây nổ.

Trong lần được mời báo cáo trước Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc và cộng đồng quốc tế (ngày 8/4/2021), chị Nguyễn Thị Diệu Linh - Quản lý dự án RENEW và chương trình cấp tỉnh của Tổ chức Viện trợ nhân dân Na Uy (NPA) tại Quảng Trị - cho biết: Từ năm 1975 đến nay, riêng Quảng Trị có gần 3.500 người chết và hơn 5.000 người bị thương do bom mìn, vật liệu nổ. Đáng mừng là trong vòng 3, 4 năm trở lại đây, khi các hoạt động khảo sát, rà phá và giáo dục nhận thức về bom mìn được đẩy mạnh, con số thương vong tại tỉnh đã giảm, thậm chí về 0 một cách ngoạn mục.

Đổi lấy sự bình yên cho người Quảng Trị những năm qua là chuỗi ngày làm việc bất kể nắng mưa của khoảng 1.000 thành viên thuộc 3 tổ chức hoạt động trong lĩnh vực bom mìn độc lập, trong đó có NPA-RENEW (hơn 260 người). Với họ, việc phát hiện, rà phá thành công vật liệu nổ là một phần công việc đầy tự hào, là cách để bày tỏ tình cảm với quê hương, mang bình yên về từng xóm nhỏ. 

Đặc biệt, Tổ chức NPA-RENEW có 2 đội 100% nhân sự nữ, gồm Đội rà phá hiện trường (15 thành viên) và Đội xử lý bom mìn lưu động (6 thành viên). Trong đội, tất cả công việc từ lái xe, chăm sóc y tế, rà phá bom mìn... đều do các thành viên nữ đảm nhận. 

“Việc thành lập 2 đội nữ nhằm cho thấy sự bình đẳng giới trong công việc, tức việc nào mà nam giới làm được, phụ nữ cũng có thể hoàn thành, thậm chí hoàn thành tốt. Ngoài ra, chính sự hết mình, nghiêm túc trong công việc của các thành viên nữ sẽ tạo nên những hình mẫu cho nhiều phụ nữ, trẻ em gái, giúp họ có niềm tin rằng chỉ cần nỗ lực, họ có thể làm được nhiều việc hơn họ vẫn nghĩ”, chị Diệu Linh chia sẻ.

 

Một ngày cuối năm, đồng hồ điểm 6 giờ sáng, từng chiếc xe chở 2 đội toàn nữ lần lượt rời đơn vị, chia ra 2 ngả. Nắng sớm vừa nhẹ vương trên hàng keo lá tràm, phút chốc đã chuyển mưa rào, rồi không gian nhanh chóng trở lại vẻ hanh khô. Thời tiết “đỏng đảnh” không làm những câu chuyện về gia đình, chồng con trên xe bớt rôm rả. Có chị than đêm qua con bệnh, đến gần sáng bé mới ngủ được. Có chị hôm nay đưa con sang nhờ ông bà trông từ sớm để yên tâm đi làm. Vài chị bàn nhau về trận đánh bóng chuyền buổi chiều, gay cấn không khác gì ngày “quyết chiến”. Tiếng cười nói, tiếng thở dài lo lắng trộn lẫn, xôn xao mãi cho tới khi đến điểm tập kết.

Đội rà phá hiện trường có mặt tại rừng cao su thuộc xã Hải Thái, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Đây là địa phận rà phá mới của đội, bắt đầu thực hiện nhiệm vụ từ ngày 1/11/2022, và dự kiến kết thúc vào ngày 10/4/2023. Mỗi ngày, đội sẽ tiến hành theo kế hoạch để đảm bảo trong thời gian quy định, rà phá được toàn bộ khu vực rộng 451.070m2. Giữa cơn mưa nặng hạt, mỗi thành viên vào việc khẩn trương nhưng cẩn trọng. Họ liên tục báo tín hiệu qua bộ đàm để tất cả cùng nắm tình hình. Thấp thoáng sau những hàng cao su tăm tắp là bóng dáng bé nhỏ của chị em. Họ di chuyển chầm chậm trên thảm cỏ xanh cùng thiết bị rà mìn.

Ít ai nghĩ bên dưới nền đất của khung cảnh thơ mộng này là những vật liệu nổ còn sót lại từ thời chiến, tiềm ẩn nguy cơ chết người. Chỉ sau hơn một tuần làm nhiệm vụ, đội phát hiện 3 vật liệu nổ các loại và 2 bom chùm nằm im trong lòng đất gần nửa thế kỷ. Con số này cứ cộng dồn mỗi khi đội hoàn thành từng vùng nhỏ trên bản đồ.

 

Khác với Đội rà phá hiện trường, trong ngày, Đội xử lý bom mìn di chuyển lưu động khắp các địa điểm khác nhau trên địa bàn, chỉ cần người dân gọi báo phát hiện bom hay mìn, thì bất kể vài chục hay trăm cây số, đội cũng có mặt để xử lý. 

Trong lúc tiến hành kích nổ tại chỗ quả phóng lựu đạn cỡ 40mm từ cuộc gọi của bà Nguyễn Thị Kim Chung (thôn Lễ Môn, xã Phong Bình, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị), - Đội trưởng Trịnh Thị Hồng Thắm nhận được một cuộc gọi khác. Trong giọng người báo tin có nỗi sợ hãi, lo mìn phát nổ. Đội xử lý bom mìn lưu động lập tức lên đường. 

Ngày hôm đó, cả đội xử lý 5 vụ, trong đó 1 vụ cho mìn nổ tại chỗ, 4 vụ còn lại chuyển mìn về nơi tập kết và phân loại. Đội trưởng Thắm được giao kích nổ 3 quả, 1 quả còn lại, vì mức độ nguy hiểm cao, phải đợi sự điều phối của cấp trên.
Giữa mảnh đất rộng điểm vài bụi cỏ chơ vơ, chị Thắm tập hợp đội, phân công nhiệm vụ kích nổ 3 quả mìn. 4 người tỉa ra 4 hướng, cách nhau hơn 100m, liên tục phát tín hiệu: “Yêu cầu bà con, những ai đang làm việc hoặc chăn thả gia súc trong khu vực này tránh xa khoảng cách 150m, tìm nơi ẩn nấp để đảm bảo an toàn”. 

Sau hiệu lệnh cuối, tiếng nổ long trời ép tim đập thình thịch, mùi thuốc nổ kèm cột khói và âm thanh chói tai cho người chứng kiến cảm tưởng đang trong một trận chiến nào đó. Nhưng lạ kỳ, đàn trâu ăn cỏ gần bãi nổ vẫn lững thững, còn những thành viên nữ của đội nhanh chóng bước về chiếc xe đang đợi. 

“Công việc có mức nguy hiểm cao, nhưng chúng tôi được đào tạo bài bản để tự đánh giá được điều kiện an toàn. Mỗi lần tiếng nổ vang lên, trong tôi có cảm giác nhẹ nhõm vì đã loại được một mối nguy”, chị Thắm chia sẻ.

Khi ví von tiếng nổ là “âm thanh của hạnh phúc”, là cảm giác nhẹ nhõm, tưởng như các chị trào lộng, nhưng đó là cảm xúc thật của họ hiện tại. Trong quá khứ, tiếng nổ kinh hoàng ấy từng là nguồn cơn đau thương, mất mát, gây nỗi ám ảnh cho không ít thành viên. Chị Phan Thị Thu Hương, Đội phó Đội rà phá hiện trường, không bao giờ quên âm thanh của một tiếng nổ khủng khiếp khiến mắt phải của ba chị hỏng vĩnh viễn khi đang làm ruộng. Nhiều người quen biết của chị cũng mất tay, mất chân, thậm chí không giữ được mạng sống do vấp bom mìn còn sót. Những đau thương ấy là lý do để chị Hương xin vào đội, nhận nhiệm vụ trực tiếp đối mặt với hiểm nguy.

Chị em trong Đội rà phá hiện trường vẫn xúc động khi nhắc lại lần Đội trưởng Hồng Thắm yêu cầu mọi người giữ khoảng cách an toàn để mình chị tiếp cận quả đạn pháo lớn. Sau khi đo đạc, xác định quả đạn an toàn để di chuyển, chị Thắm tự tay ôm quả đạn pháo nặng ra xe. Ở khoảnh khắc ấy, chị Thắm bộc lộ tư chất đội trưởng, cho đồng đội cảm giác tin tưởng, an tâm.

Làm việc giữa thời tiết miền Trung khắc nghiệt, mùa mưa dầm dề còn ngày nắng nóng thì như thiêu đốt da thịt, nhưng sau mỗi lớp khẩu trang, dưới vành nón tai bèo là một bông hoa rạng ngời. Vẻ đẹp dịu dàng, nữ tính của từng thành viên khi tháo đồ bảo hộ khiến người đối diện có cảm giác đang… nhầm lẫn. Tuy vậy, công việc để lại trên đôi tay của từng thành viên, đặc biệt là 2 đội trưởng Trịnh Thị Hồng Thắm và Nguyễn Thị Hải Vân nhiều vết chai, thô sần. 

Thật lạ, các chị không hề xem việc mình đang làm là đặc biệt như cách nhiều người nhìn vào. Họ coi rà phá bom mìn là một công việc bình thường, cũng có lúc vui, khi vất vả như nhiều nghề nghiệp khác. Các chị giải thích với khách: “Chúng tôi chỉ làm một công việc như mọi công việc. Như người giáo viên cặm cụi trên bục giảng, như người ngư dân lênh đênh bám biển khơi xa và rất nhiều nghề nghiệp vất vả, thầm lặng…”.

 

Hai ngày theo chân các chị em trong đội rà phá bom mìn, tận mắt chứng kiến họ làm việc giữa thời tiết thất thường và nguy hiểm, trong tôi đầy ắp tình thương quý, nỗi cảm phục. Đành rằng mỗi công việc đều có niềm vui, sự khó khăn khác nhau, nhưng tôi tin bất cứ ai đã đồng hành cùng các chị, sẽ cảm nhận được các chị đã nỗ lực thật nhiều. Có những chị trong giai đoạn mang thai vẫn cùng đứa con trong bụng ra hiện trường làm việc. Các chị không thể về ăn cơm trưa cùng chồng con. Con bệnh, con sốt các chị phải nhờ ông bà, nhờ chồng. Ông xã của chị Diệu Linh là đội trưởng Đội rà phá bom mìn ở tổ chức khác trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. “Vợ chồng cùng nghề, chúng tôi thông cảm được cho nhau, trước giờ đi làm, tôi hay dặn anh không được chủ quan!”, chị Diệu Linh tâm sự.


Với chị Thắm, chị Linh và nhiều thành viên rà phá bom mìn, gia đình nhỏ là nơi chốn yêu thương, là động lực cố gắng, là lý do để họ hoàn thành công việc mỗi ngày. Và khi cùng nhau cố gắng, họ đã làm nên mạng lưới những người “khâu” vết thương cho quê hương đầy chuyên nghiệp, họ góp sức để 2 chữ hòa bình trọn vẹn.

Chia sẻ bài viết: