Biết bị từ chối vẫn tỏ tình

12/03/2020 - 06:16

PNO - Có trải qua nhiều biến động trong cuộc sống, bao vết cắt trong trái tim, ông vẫn là hình ảnh đẹp nhất thời thanh xuân tươi đẹp của tôi.

Trên Facebook có một trạng thái:
Trong cuộc đời ít nhất trải qua bốn lần ĐIÊN:
1/ Bỏ công việc đang làm.
2/ Móc hết số tiền có được để mua một món hàng mình thích.
3/ Quẩy ba-lô du lịch một mình.
4/ Dám tỏ tình khi biết chắc bị từ chối.

Tôi bình luận mình đã “làm” tất cả điều trên khi ở tuổi 20. Mọi người “nhào” vào “phây” (Facebook) của tôi hỏi về điều thứ tư, và tôi xác nhận.

Trước năm 1975, học sinh phổ thông miền Nam học hai sinh ngữ: Anh và Pháp. Lớp đệ thất (lớp Sáu) học tiếng Pháp thì lớp đệ tam (lớp Mười) học thêm tiếng Anh hoặc ngược lại. 

Sinh ngữ chính của tôi là tiếng Pháp. Là người Công giáo, lại dạn dĩ trau dồi ngoại ngữ, nên tôi quen với một linh mục - cha F. Ngài là người Pháp, có thể nói tiếng Việt nhưng luôn giao tiếp cùng tôi bằng tiếng Pháp.

Biết mục đích tốt đẹp của tôi trong việc rèn luyện ngoại ngữ, nhất là tiếng Pháp, ngài sẵn sàng chỉnh sửa cách phát âm cũng như cách dùng từ của tôi. Ngài nhận tôi là con đỡ đầu.

Tôi sớm mồ côi cha, nên đây không chỉ là cơ hội gần ngài để học hỏi, mà còn là niềm hạnh phúc, khi mình đã có một tình thương của một người cha.

Tôi thường đến thăm ngài, trò chuyện tiếng Pháp cùng ngài vào chiều thứ bảy. Cùng đến thăm ngài không chỉ có tôi mà còn nhiều người khác, đa số là đồng hương của ngài đang làm việc tại Sài Gòn.

Ngài thường mời mọi người ngồi quanh bộ ghế salon trong phòng khách của tu viện. Và tôi có dịp thực tập tiếng Pháp với nhiều chất giọng khác nhau theo từng vùng miền của nước Pháp, có khi được nói cả tiếng Anh.

Trong số những vị khách của ngài có một giáo sư người Pháp tên Pierre, gần 50 tuổi. Trong trái tim đứa con gái mới lớn, ông là một hình tượng thật đẹp với kiến thức uyên bác, đôi mắt xanh mơ màng, mái tóc nâu bồng bềnh. Ông hát, đệm đàn rất hay mỗi lúc chỉ có tôi, ông và cha F. 

Tôi không thể gạt hình ảnh của ông ra khỏi tâm trí. Tôi nghĩ mình đã yêu ông. Tôi chia sẻ điều này cùng cha F. Ngài bình tĩnh phân tích cho tôi biết đó là một thứ “giống tình yêu” chứ không phải tình yêu. Theo ngài, tôi chỉ ngưỡng mộ ông Pierre chứ không phải yêu ông ấy. 

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Một chiều thứ bảy như thường lệ, ông Pierre đến tu viện. Trong khi chờ cha F. ra phòng khách, ông Pierre cho biết hôm đó là buổi cuối cùng của ông ở Việt Nam. Tối đó ông sẽ lên máy bay về Pháp.

Ông đến từ giã cha, và sẵn dịp nói lời chia tay với tôi. Tôi thấy mình cần bày tỏ tình cảm cùng ông, bất kể chuyện gì xảy ra, dù theo cha F., ông Pierre đã có gia đình và hai con gái. Tôi nghiêm mặt nói với ông từng câu tiếng Pháp rất chuẩn:

- Ông nghĩ sao nếu tôi nói tôi yêu ông? Tôi biết chắc ông sẽ từ chối, nhưng tôi không thể không nói lên tình cảm của mình cùng ông.

Hơi bất ngờ… Chỉ vài giây, ông Pierre bình tĩnh nói rằng tôi nhỏ tuổi hơn con gái ông. Tình cảm tôi dành cho ông chỉ là sự ngưỡng mộ và bồng bột của tuổi trẻ. Ông khẳng định chỉ vài tuần không gặp ông, tôi sẽ quên ông.

Ông mong tôi sẽ bình tâm chuẩn bị cho kỳ thi tú tài sắp đến. Tôi nhớ mình đã khóc thật nhiều. Cha F. bước ra, nhìn cảnh đó, ngài đã hiểu tất cả. Tôi ra về trong nước mắt.

Với tôi, việc học có lẽ quan trọng hơn cú sốc tình yêu với ông Pierre. Năm đó tôi vẫn đậu tú tài và vào đại học. Sau ngày 30/4, Cha F. về lại Paris. Tôi đã trải qua những tháng ngày cực khổ lên rừng xuống biển sau khi tốt nghiệp đại học ngành nông nghiệp thời bao cấp.

Đất nước đổi mới, tôi trở về Sài Gòn. Trải qua bao biến cố ở tuổi đẹp nhất của đời người, hình bóng ông như một kỷ niệm đẹp. Đã là đẹp thì khó có thể quên. Học nông nghiệp, tôi lại quen đọc sách chuyên môn bằng tiếng Anh. Và tiếng Pháp trôi dạt nơi nào trong ký ức của tôi hơn hàng chục năm qua. 

Cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, cùng một người bạn vào thư viện Idecaf, tôi cảm giác như ai đang nhìn mình. Và… ông Pierre xuất hiện ngỡ ngàng trước mặt tôi. Tự nhiên tôi và ông cùng mỉm cười. Ông nắm tay một cô bé mười mấy tuổi. Không hẹn, cả ông và tôi cùng bước đến gần nhau.

Ông trông vẫn phong độ dù đã 70 tuổi. Ông giới thiệu cô bé Catherine là cháu ngoại của ông. Ông giới thiệu tôi là người bạn cũ của ông 30 năm về trước tại Sài Gòn. Cô bé vui vẻ bắt tay tôi. Thăm Việt Nam, nơi ông ngoại bé từng phục vụ, là phần quà thi đỗ tú tài Pháp của bé.

Tôi cũng giới thiệu người bạn cùng đi với mình. Cả bốn chúng tôi đi dạo quanh sân của viện Idecaf. Lúc bạn tôi đang trò chuyện cùng Catherine, ông Pierre hỏi về cuộc sống của tôi.

Trước khi chia tay, ông bảo tôi hãy hứa với ông cố gắng sống hạnh phúc, hãy tìm một người đàn ông cho mình. Cô bạn đi chung khen ông phong độ, uyên bác, đẹp trai, trí thức nhưng… già quá.

Tôi chỉ cười. Nhìn ông Pierre và Catherine đi khuất, tôi không biết có thật tôi từng yêu ông không. Nếu có, chắc chắn tôi không hề hối hận cho mối tình đơn phương đó. Càng không hề xấu hổ với lời tỏ tình thuở 17 tuổi.

Vì tôi biết, có trải qua nhiều biến động trong cuộc sống, bao vết cắt trong trái tim, ông vẫn là hình ảnh đẹp nhất thời thanh xuân tươi đẹp của mình. Và hôm nay, ông vẫn có vị trí nào đó trong ký ức tôi. 

Ngọc Hà

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Petrus 12-03-2020 11:34:57

    "Chớ muốn vợ chồng người". Việc gì xảy ra nếu GS Pierre cũng chiều theo cảm xúc, vất bỏ giáo lý, gia đình mà tiến đến với tác giả? Chắc chắn nếu nhìn lại sẽ không còn là một kỷ niệm đẹp, một điều đáng tự hào mà nhắc lại. Rất may tác giả gặp đúng người tốt, sống chuẩn mực và mong tác giả hãy làm theo lời khuyên của các vị ấy.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI