Biết bệnh, càng chủ động trong tình yêu và xây dựng tổ ấm

29/11/2023 - 17:33

PNO - Chúng tôi yêu nhau và dự định tiến tới hôn nhân vào năm 2006. Thời điểm này, vấn đề tư vấn - khám sức khỏe tiền hôn nhân ít được đặt ra trong xã hội, nhưng chúng tôi vẫn đi khám.

Tôi khuyến khích người yêu đi tư vấn và khám ngay khi 2 đứa chọn được ngày cưới vào 2 tháng sau đó. Trước phản ứng có phần bực dọc, khó chịu của người yêu đối với đề nghị này, tôi nói: “Tình cảm của em dành cho anh không có gì lay chuyển được. Em chỉ muốn khám để biết tình trạng sức khỏe 2 đứa. Nếu có điều gì ngoài ý muốn thì mình cũng chủ động, đón bắt và cùng nhau vượt qua”. 

Ảnh mang tính minh họa - Tirachardz
Ảnh mang tính minh họa - Tirachardz

Và một trong những điều chúng tôi phải vượt qua là những rối loạn tâm lý của anh. Với những biểu hiện vốn có như cáu gắt, nhiều khi khó kiểm soát lời nói, hành vi, thường xuyên mất ngủ, thỉnh thoảng nghĩ tiêu cực… Anh vẫn xem thường nó và không nhận diện được từ lâu đã chung sống với chứng trầm cảm (theo chẩn đoán của bác sĩ tâm - thần kinh khi khám sức khỏe tiền hôn nhân). 

Dịp đi khám sức khỏe tiền hôn nhân, anh cũng thú thật cho tôi biết anh có đứa em trai kế bị tâm thần phân liệt đã 5 năm (trước đây, anh chỉ nói qua loa rằng chú ấy đi làm ăn xa). Biết khó khăn của anh, biết các vấn đề về sức khỏe tâm thần có yếu tố gia đình, tôi càng quan tâm, chăm sóc anh hơn. Chúng tôi tạm dời ngày cưới, tập trung cho anh điều trị bằng thuốc, kèm trị liệu tâm lý để chuyển biến nhanh, cùng nhiều kế hoạch sống vui tươi, tích cực. 

Thay vì mở công ty, mua nhà trả góp ngay sau khi cưới, chúng tôi hoạch định công việc, mục tiêu tài chính và cách tổ chức cuộc sống nhẹ nhàng, đỡ áp lực; ưu tiên học hỏi, phát triển bản thân. Vợ chồng cùng hòa đồng với nhóm bạn của nhau, cuối tuần í ới uống cà phê, đi chơi ở ngoại thành. Bên cạnh lo cho gia đình nhỏ, tôi cũng sẵn sàng trích ra một phần thu nhập của vợ chồng để lo cho đại gia đình, nhất là chú em bị tâm thần. Tôi học cách cư xử ôn hòa, kiên nhẫn thay cho cái nết hay “đổ dầu vào lửa” như trước kia.

Ảnh mang tính minh họa - Pressfoto
Ảnh mang tính minh họa - Pressfoto

Vẫn là nụ cười tươi của chú rể trong ngày cưới, vẫn là nụ cười mãn nguyện của người cha của 2 đứa con gái, giờ đây anh đã tránh được bi kịch đối với bản thân và gia đình nhờ đi tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân. Quan trọng là anh đã mạnh dạn, sớm chia sẻ những khó khăn với bạn đời là tôi.

Chúng tôi được quá nhiều nhờ điều này nên mong các cặp sắp kết hôn đều sẵn sàng, chủ động bước lên cỗ xe hôn nhân với tấm vé thông hành, ít nhất là từ những chuyên gia y tế. Người ta vẫn gọi bạn đời hay người yêu là “nửa kia”. Nếu hiểu biết lờ mờ về tính cách, quan niệm sống, thái độ sống và đặc biệt là về sức khỏe của nhau thì “nửa này”, “nửa kia” sao có thể đồng hành? 

Hằng Ngôn (quận 4, TPHCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI