Biển vẫn một màu

01/07/2016 - 10:54

PNO - 11 giờ trưa ngày 30/6, trong tiếng nhạc Hồn tử sĩ rền vang, cả đất nước nghiêng mình tiễn đưa chín người con. “Đời tuôn nước mắt trời tuôn mưa”.

Những gương mặt góa phụ, những ánh mắt mồ côi cha; và đôi chân bụ bẫm của bé gái lọt thỏm giữa thềm đá lạnh tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng. Không ai không khỏi xót đau, nghẹn ngào. Những người lính của bầu trời xanh, đã ngã xuống trong lòng biển lạnh. Biển ôm ấp, biển đưa các anh theo sóng về với đất liền. Ấm áp. Thiêng liêng.

Các anh mang trên mình bộ quân phục của Quân đội nhân dân Việt Nam. Nay, nhân dân đón các anh trở về. Như thể một cuộc sum vầy. Đau xót. Nhưng hòa trong nỗi đau, dậy lên một góc trong tim là niềm tự hào về những người con ưu tú. Nếu được chết vì quê hương, nếu được hy sinh vì đồng đội, vì mỗi tấc đất này, vì dòng nước xanh, con sóng trắng này, không một giây nao núng hay tiếc rẻ.

Bien van mot mau

17g30 chiều ngày 30/6, lời xác nhận “Formosa xả độc tố khiến cá chết” - mấy mươi triệu người Việt Nam buộc phải đối diện một sự thật mang tên hủy diệt. Những bờ cát trắng xác cá, những làng biển đìu hiu trong tiếng thở dài. Không ai tin biển cả nổi giận, chẳng một cơn cớ nào để những luồng cá tức tưởi dạt vào bờ, nhưng chúng ta vẫn cứ cố vin vào đâu đó, một “bí ẩn” nào đó từ lòng biển, từ hệ sinh thái đại dương để không phải rơi vào thảm kịch của tội đồ Formosa - một chỉ dẫn xấu xí của lòng tham, sự dối trá và vô cảm với cộng đồng, với môi trường, với loài người.

Formosa gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Và môi trường, không chỉ là biển. Con người tồn tại trong môi trường với muôn vàn chiều kích không - thời gian của nó.

Bien van mot mau
Ảnh: Internet

Một ngày. Hai cảm xúc.

Những cái chết trong tư thế ngẩng cao đầu. Họ khiến cả dân tộc này cúi đầu mặc niệm. Tưởng nhớ. Biết ơn.

Và có những con người, phải cúi đầu xin lỗi vạn con người, xin lỗi bao thế hệ, xin lỗi về những hành vi, những toan tính chỉ chực chống lại con người, làm hại con người, ngoại trừ họ chăng!

Biển ngoài kia vẫn vỗ sóng, vẫn hiền hòa, rộng lớn để rẽ sóng đưa những người con về lại đất liền; và biển sẽ bất bình bởi có những kẻ làm người lại luồn trong sóng, tuồn xuống biển hàng trăm tấn độc tố, lợi mình, hại biển.

Chợt nghĩ, hình như, với đất nước này - một quốc gia mang tính chất bán đảo rõ rệt - thì biển muôn đời là sự sống, là chủ quyền, là dòng chảy huyền thoại - văn hóa bất tận. Vị trí địa chiến lược (geostrategic) lẫn vị thế địa văn hóa xã hội (geosociocultural) đã tạo nên một tâm thế, một vóc dáng giao hòa của các dòng văn hóa văn minh và cư dân lục địa châu Á. Một vị thế mà theo mô tả là “tựa lưng vào núi, ngoảnh mặt ra biển”, từ đó, thế ứng xử vừa mang tính biển - đầy phóng khoáng, bao dung, thích ứng; vừa vững chãi, bền chặt, căn cơ như đất, như núi…

Những đau buồn, mất mát, hy sinh sẽ đi qua, sẽ còn ở lại.

Những thảm họa, những bài học đau đớn, những giải pháp khắc phục, sửa sai, đền bù… vẫn còn đó.

Giọt nước mắt tiễn đưa và tự hào. Còn đọng mãi.

Giọt nước mắt của sự tức tưởi, phẫn nộ. Để rồi cũng trôi theo sự tha thứ, sự mở ra một đoạn dài thăm thẳm để “sám hối” trước biển, trước môi trường sống, vẽ ra bao lộ trình để khắc phục và bù đắp những thiệt thòi, những thiệt hại với con người. Bởi rốt cùng, sống chung, sống hòa điệu với thiên nhiên, với biển, với cộng đồng, cộng cảm luôn là thế ứng xử văn hóa của con người Việt…

Lê Huyền Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI