Biến thức ăn thừa thành bữa ăn giá rẻ đang phát triển ở châu Á

18/08/2022 - 06:14

PNO - Theo Liên Hiệp Quốc (LHQ), số lượng rác thải thực phẩm trên toàn cầu lên tới 2,6 ngàn tỷ USD mỗi năm. Trong đó, châu Á được xem là một trong những khu vực có mức lãng phí cao nhất.

Tại những nhà hàng, khách sạn 5 sao, những món ăn hấp dẫn và cao cấp như gà sa tế, cua huỳnh đế hay tôm sú ướp lạnh có giá từ 70 cho đến vài trăm USD. Thế nhưng giờ thì những người có tài chính eo hẹp có thể thưởng thức nó và chỉ phải trả bằng 1/10 của giá đó. 

Trên khắp châu Á, các công ty khởi nghiệp công nghệ đang đẩy mạnh xu hướng lấy thức ăn chế biến thừa đáng nhẽ bị bỏ đi để cung cấp chúng như các bữa ăn giảm giá thông qua các ứng dụng hoặc ứng dụng trên điện thoại di động. Điều này đang được khách hàng hưởng ứng đặc biệt.

Theo LHQ, khoảng 1/3 lương thực bị thất thoát hoặc lãng phí hàng năm trên toàn cầu, và hàng núi chất thải được ước tính gây ra 8-10% lượng khí thải nhà kính như mêtan chẳng hạn. Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương là một trong những khu vực tồi tệ nhất trên thế giới về tình trạng lãng phí thực phẩm, chiếm hơn một nửa lượng thực phẩm bị lãng phí trên toàn cầu.

Ở Singapore, Công ty Dịch vụ công nghệ Treatsure kết hợp với các chuỗi khách sạn Hyatt, Accor Group và Singapore Marriott Tang Plaza Hotel để cho phép người dùng ứng dụng chọn và nhận một bữa “buffet trong hộp” mà nếu không, những thức ăn này sẽ bị vứt bỏ. Ông Preston Wong - Giám đốc điều hành và đồng sáng lập công ty - cho biết: “Mô hình này đã có hơn 30.000 người sử dụng kể từ khi ra mắt vào năm 2017, giúp tiết kiệm ước tính khoảng 30 tấn thực phẩm”.

Preston Wong - Giám đốc điều hành và đồng sáng lập ứng dụng Treatsure giúp người dùng mua được các món ăn tại nhà hàng với giá rẻ
Preston Wong - Giám đốc điều hành và đồng sáng lập ứng dụng Treatsure giúp người dùng mua được các món ăn tại nhà hàng với giá rẻ

Hồng Kông (Trung Quốc) cũng gặp phải vấn đề tương tự với thực phẩm. Theo Cục Bảo vệ môi trường Hồng Kông, đến năm 2020, thức ăn thừa đã lấp đầy 13 bãi chôn lấp, và khoảng 3.300 tấn chất thải thực phẩm được đổ vào các bãi chôn lấp còn lại mỗi ngày. Bà Anne-Claire Beraud - Giám đốc Phenix Hồng Kông của ứng dụng OnTheList - cho biết: “Không gian rất hạn chế. Mọi thứ đều quá nhiều và dày đặc. Vì vậy, chúng tôi không có nhiều không gian để xử lý tất cả những chất thải này”.

Ứng dụng OnTheList cho phép người dùng chọn “Giỏ bí ẩn” của thực phẩm tại các cửa hàng với nhiều món ăn ngon, mức giảm giá tối thiểu 50%. Đến nay, công ty đã bán được 25.000 giỏ hàng, mỗi giỏ tương đương với việc tiết kiệm được khoảng 1kg thực phẩm và 4,5kg khí CO2 từ chất thải. Nền tảng ban đầu của Phenix được ra mắt tại Pháp năm 2014 và mở rộng sang bốn nước châu Âu khác. Sau đó, công ty đã hợp tác với OnTheList để đưa ứng dụng này đến châu Á.

Khái niệm về tính bền vững của lương thực vẫn còn sơ khai ở châu Á, so với Bắc Mỹ và châu Âu, nơi các nhà chức trách đang thực hiện rất quyết liệt nhằm giảm tình trạng lãng phí khi bỏ thức ăn thừa. Pháp đã cấm các siêu thị vứt bỏ thực phẩm không bán được và Tây Ban Nha gần đây đã soạn thảo luật để giải quyết vấn đề lãng phí bằng cách phạt tiền. Các bang của Mỹ bao gồm California và New Jersey có luật giảm lượng thực phẩm đổ vào các bãi chôn lấp. Điều này đã thúc đẩy sự phổ biến của các ứng dụng như Too Good To Go, được ra mắt ở Đan Mạch vào năm 2016 và hiện hoạt động ở 17 quốc gia. 

Trong một khu vực đa dạng về văn hóa như châu Á, các công ty khởi nghiệp nhỏ hơn đang có được chỗ đứng vững chắc tại thị trường quê hương của họ. Ông Taichi Isaku - đồng sáng lập và Giám đốc sản phẩm của CoCooking, công ty tạo ra ứng dụng cứu hộ thực phẩm Tabete ở Nhật Bản - cho biết các công ty phải tìm hiểu và chọn cách kinh doanh phù hợp với văn hóa và thói quen của khu vực đó. Công ty Tabete được vận hành vào năm 2018, đã tiết kiệm hơn 384.000 bữa ăn, tích lũy một danh sách lên đến 525.000 người dùng.

Bà Tess Kermode, giám đốc mở rộng quốc tế của Olio có trụ sở tại Anh, đồng ý rằng các công ty kinh doanh lĩnh vực này cần hiểu văn hóa và con người ở nơi họ hướng tới. Bà cho biết, công ty của mình đã hoạt động tại 62 quốc gia bao gồm Ấn Độ, Sri Lanka, Nepal, Thái Lan và Philippines. Olio cho biết ứng dụng đã giúp tiết kiệm gần 58 triệu phần thực phẩm trên toàn thế giới. Thị trường quốc tế lớn nhất của công ty là Singapore, nơi nó có hơn 125.000 người dùng và có quan hệ đối tác chính thức với thị trường trực tuyến của foodpanda. Công ty có tham vọng mở rộng nhưng cũng giống như các ứng dụng khác bởi sự thiếu nhận thức về tính bền vững của thực phẩm ở châu Á  hiện là yếu tố kìm hãm tăng trưởng tại đây.

Anthony Bennett, quan chức cấp cao về hệ thống thực phẩm của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) tại Châu Á - Thái Bình Dương cho biết: “Công nghệ hướng tới người tiêu dùng như các ứng dụng trên thiết bị cá nhân có thể rất hữu ích. Tuy nhiên, chủ đề này nên được xem xét cùng với việc nâng cao hiểu biết về thực phẩm nói chung cho người tiêu dùng”.

Về lâu dài, các chuyên gia cho rằng cần nâng cao hiểu biết về thực phẩm nói chung, cách thức giảm lãng phí thực phẩm cho người tiêu dùng. “Ở Bắc Mỹ và châu Âu, đã có sự trưởng thành nhất định trong việc hiểu và giải quyết những thách thức này. Nhưng ở châu Á, câu chuyện mới chỉ bắt đầu…”, ông Preston Wong nói. 

Thu Thanh (theo AFP, Bloomberg)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI