Biến thể nguy hiểm Delta có thể “tự diệt”?

23/11/2021 - 16:02

PNO - Một số nhà khoa học ở Nhật đã đưa ra giả thuyết rằng biến thể nguy hiểm Delta của SARS-CoV-2 sẽ có khả năng tự “biến mất” trong trong quá trình tạo ra các đột biến và bị các “lỗi sao chép”.

Nhật Bản hiện đang ghi nhận khoảng 140 ca nhiễm mới/ngày với triệu chứng nhẹ, mặc dù nước này vừa mới bị biến chủng Delta hoành hành chỉ 3 tháng trước đây.

Các nhà khoa học Nhật cho rằng biến thể Delta có thể tự diệt
Các nhà khoa học Nhật Bản cho rằng biến thể Delta có thể "tự diệt"

Đợt bùng phát dịch lớn nhất ở Nhật là vào cuối mùa hè năm nay, với số ca nhiễm mới mỗi ngày tăng lên con số kỷ lục khoảng 23.000 trong tháng 8/2021.

Nhưng làn sóng lây nhiễm này đột ngột dừng lại và gần như hoàn toàn biết mất trong thời gian gần đây. Hôm 19/11, thủ đô Tokyo chỉ ghi nhận 16 trường hợp nhiễm mới.

Một nhóm chuyên gia di truyền học ở Nhật đã đưa ra giả thuyết là do biến thể Delta đã tự “biến mất” qua quá trình đột biến.

Theo đó, khi virus nhân lên, các gen của nó sẽ bị các “lỗi sao chép” ngẫu nhiên, và theo thời gian, điều này dẫn đến những thay đổi trong bề mặt của virus.

Các đột biến có thể làm cho virus có khả năng lây lan nhanh hơn, chống lại hệ miễn dịch của người tốt hơn hoặc gây ra bệnh nặng.

“Tuy nhiên, trong một số trường hợp, những đột biến này tự đi vào “ngõ cụt” của quá trình tiến hóa”, các chuyên gia giải thích.

Dưới sự chủ trì của Viện Di truyền quốc gia (NIG), các chuyên gia đã tập trung nghiên cứu quá trình các enzym sửa lỗi của Delta có tên là nsp14. Từ đây, họ đã tìm thấy nhiều thay đổi về gen và sau đó là sự dừng lại đột ngột của quá trình tiến hóa.

Ituro Inoue - một giáo sư di truyền học của NIG - cho biết biến thể Delta đã gặp nhiều khó khăn trong quá trình sửa lỗi và tiếp tục nhân rộng.

“Chúng tôi thực sự bị sốc trước những phát hiện này. Biến thể Delta ở Nhật rất dễ lây lan và lấn át các biến thể khác. Nhưng khi biến thể này sinh ra quá nhiều đột biến mới, chúng tôi tin rằng cuối cùng nó đã trở thành một loại virus bị lỗi và không thể tạo ra các bản sao của chính nó.

Dựa trên thực tế số trường hợp nhiễm mới không tăng mạnh trong thời gian gần đây, chúng tôi nghĩ rằng, tại một số thời điểm trong quá trình đột biến gen như trên, biến thể Delta sẽ tự đưa nó đến chỗ tuyệt chủng một cách tự nhiên”, giáo sư Inoeu chia sẻ với tờ The Japan Times. Giáo sư giải thích thêm, nếu Delta vẫn còn “sống và khỏe”, thì số ca nhiễm mới có thể vẫn đang tăng lên rất nhanh.

Số ca nhiễm giảm ở Nhật Bản là một bất ngờ- nhiều người cho rằng đó là nhờ tỷ lệ tiêm chủng đã lên đến 75%
Số ca nhiễm ở Nhật Bản giảm là một bất ngờ, nhiều người cho rằng đó là nhờ tỷ lệ tiêm chủng đã lên đến 75%

Biến thể của virus gây bệnh COVID-19 có khả năng lây nhiễm cao và đã tạo ra nhiều “con cái” hay “dòng dõi”, có chung một số đặc điểm. Đây cũng là loại coronavirus chiếm ưu thế nhất trên toàn cầu, được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ vào cuối năm 2020 và đã tàn phá nước này dữ dội.

Tiến sĩ Simon Clarke - Trưởng khoa Khoa học y sinh và kỹ thuật y sinh tại Đại học Reading (Anh) - cũng đã giải thích một cách ẩn dụ về cách Delta “tự chết”: “Virus này tích tụ quá nhiều đột biến và do đó không thể nhân bản. Khi bạn nhiễm một loại virus như vậy, nó sẽ tự chết đi. Nó cũng tương tự như một người không bao giờ có con, không tạo ra sự di truyền. Nhưng điều đó không có nghĩa là những người khác sẽ ngừng sinh con”.

Tiến sĩ Clarke cũng cho biết đây có thể là điều đã xảy ra với SARS, một loại coronavirus khác đã gây ra 2 đợt dịch lớn ở châu Á vào đầu những năm 2000.

Trên thực tế, nhóm các nhà nghiên cứu ở Nhật đã phát hiện ra rằng, khi họ tạo ra nhiều đột biến ở các enzyme nsp14 của virus SARS hiện đã tuyệt chủng, thì virus này không thể nhân lên do các đột biến chồng chất lên nhau.

Các chuyên gia cũng cho biết, hiện vẫn còn quá sớm để kết luận rằng các biến thể của SARS-CoV-2 như Delta sẽ trải qua quá trình “tự diệt”, tương tự như ở Nhật, trên phạm vi toàn cầu.

“Vẫn có thể xảy ra khả năng này nhưng sẽ quá lạc quan nếu khẳng định điều đó vào thời điểm hiện tại”, giáo sư Inoue nói.

Nhất Nguyên (theo The New York Post)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI