Biến thể Lambda xuất hiện ở Peru nguy hiểm đến đâu?

10/07/2021 - 05:45

PNO - Trong những tuần gần đây, nhiều tin tức đưa ra cảnh báo về biến thể Lambda - được phát hiện lần đầu tiên ở Peru vào cuối năm ngoái với tên gọi ban đầu là C.37 và đang lây lan nhanh chóng qua các vùng của Nam Mỹ. Nhưng loại biến thể này có mức độ nguy hiểm như thế nào thì đến nay vẫn còn là một câu hỏi.

Vào ngày 14/6, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xác nhận Lambda là một “biến thể cần được quan tâm”. Nghĩa là, về cơ bản, các chuyên gia nghi ngờ nó có thể nguy hiểm hơn chủng COVID-19 đầu tiên.

Một bác sĩ khám cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại nhà ở ngoại ô Lima, Peru.biến thể Lambda, lần đầu tiên được xác định ở Peru, đã được báo cáo ở 29 quốc gia - Ảnh: Getty Images
Một bác sĩ khám cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại nhà ở ngoại ô Lima, Peru. Tính đến tháng 6/2021, biến thể Lambda đã được báo cáo ở 29 quốc gia - Ảnh: Getty Images

“Nhưng chúng tôi hiện không có nhiều thông tin để so sánh Lambda với các biến thể khác”, Ricardo Soto-Rifo - một nhà virus học tại Đại học Chile, người đã nghiên cứu về Lambda - cho biết.

“Mọi người đang quan tâm đến việc xuất hiện của một biến thể mới với một tên gọi mới. Nhưng tôi nghĩ rằng hiện chưa có cơ sở để phải quá lo lắng, khi mà chúng ta chưa hiểu biết rõ về biến thể này”, tiến sĩ Nathaniel Landau - một nhà vi sinh vật học của Trường Y khoa Grossman thuộc Đại học New York, người đang nghiên cứu các biến thể COVID-19 mới - nhận định.

Đến nay, vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy Lambda nguy hiểm hơn Delta - biến thể có tốc độ lây lan rất nhanh và hiện đang là mối đe dọa lớn của nhiều nước trên thế giới. “Không có lý do gì để nghĩ rằng Lambda nguy hiểm hơn Delta’, tiến sĩ Landau nói thêm.

Pablo Tsukayama - một nhà vi sinh vật học của Đại học Cayetano Heredia ở Peru, người đã ghi lại sự xuất hiện của Lambda - cũng đồng tình với quan điểm nói trên. “Các quốc gia Mỹ Latinh có những hạn chế nhất định về năng lực trong việc theo dõi, giải mã các bộ gen của các biến thể virus mới. Điều này có thể dẫn đến một số thông tin chưa chính xác về Lambda. Nhưng tôi không nghĩ rằng biến thể này sẽ nguy hiểm hơn những loại biến thể đã từng xuất hiện trước nay trên thế giới”, Tsukayama giải thích.

Tính đến giữa tháng 6, Lambda đã được ghi nhận ở 29 quốc gia, vùng lãnh thổ hoặc khu vực, theo thông tin cập nhật của WHO vào ngày 15/6. Cơ quan này cho biết, Lambda đã được phát hiện trong 81% số mẫu virus COVID-19 được giải trình tự gen ở Peru từ tháng 4 đến nay, và tỷ lệ này ở Chile là 31% trong cùng giai đoạn.

Theo GISAID - một kho lưu trữ dữ liệu bộ gen của virus - biến thể Lambda hiện chiếm chưa đến 1% các mẫu virus được giải trình tự gen ở Mỹ.

Lambda chứa 8 đột biến đáng chú ý, trong đó có 7 đột biến gen tạo ra protein gai, được tìm thấy trên bề mặt của virus. Một số đột biến này cũng xuất hiện ở các biến thể khác và có thể làm cho virus có khả năng lây lan nhanh hơn, hoặc giúp virus tránh các phản ứng miễn dịch của cơ thể.

Qua một số nghiên cứu ban đầu từ phòng thí nghiệm và chưa được công bố trên các tạp chí đã được giới khoa học đánh giá đầy đủ, một nhóm các nhà khoa học - do các tiến sĩ Soto-Rifo và Landau dẫn đầu - đã phát hiện các loại vắc xin Pfizer, Moderna và CoronaVac tuy có tác dụng chống Lambda kém hơn so với các biến thể trước đây, nhưng nhìn chung vẫn có thể vô hiệu hóa biến thể này.

Mặc dù vẫn còn nhiều nghi vấn nhưng Trevor Bedford - một nhà sinh học tiến hóa của Trung tâm Nghiên cứu ung thư Fred Hutchinson ở Seattle - cho rằng Lambda không đáng lo ngại như Delta và ông hy vọng nó sẽ không lan rộng ra toàn cầu.

Nhất Nguyên (theo NYT)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI