Biến thể Delta phá vỡ tham vọng zero-COVID ở châu Á - Thái Bình Dương

26/08/2021 - 20:23

PNO - Biến thể Delta rất dễ lây lan đang đẩy cao giới hạn của việc phong tỏa và kiểm soát biên giới trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời làm dấy lên nghi ngờ về tham vọng loại bỏ COVID-19 hoàn toàn khi nhiều nước đã bắt đầu chuyển sang kế hoạch sống chung với virus.

Biến thể Delta đang làm dấy lên sự nghi ngờ về tính khả thi và bền vững của chiến lược không có COVID (zero COVID) ở Châu Á - Thái Bình Dương, khi các ca nhiễm ngày càng tăng.

Sự vỡ mộng với các chính sách loại trừ hoàn toàn COVID-19 đang diễn ra ở các nước như Thái Lan, Việt Nam, Malaysia... khi đang thực hiện một số biện pháp ngăn chặn nghiêm ngặt nhất nhưng vẫn chưa hạn chế sự lây lan của biến thể Delta. Biến thể này được cho là có khả năng lây truyền cao gấp đôi so với chủng ban đầu được xác định lần đầu ở Vũ Hán, Trung Quốc .

Peter Collignon, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trường Y Đại học Quốc gia Úc, cho biết “cuộc chơi đã thay đổi” sau sự xuất hiện của biến thể Delta. “Mặc dù nhiều nước phong tỏa rất sớm, nhưng nó vẫn đang lan rộng. Vì vậy, trên thực tế, tôi nghĩ không có chuyện "không có COVID-19" trên khu vực. Nên nhớ rằng, điều đó sẽ không bao giờ xảy ra một khi các nước có mức độ tiêm chủng còn hạn chế".

Hành khách mặc đồ bảo hộ xếp hàng lên chuyến bay quốc tế tại sân bay Hong Kong. Ảnh: Reuters
Hành khách mặc đồ bảo hộ xếp hàng lên chuyến bay quốc tế tại sân bay Hồng Kông - Ảnh: Reuters

Frederik Gollob, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Hồng Kông, nói rằng các nước sẽ phải học cách chung sống với COVID-19, chỉ là sớm hơn hay muộn hơn. “Với cách nhấn mạnh vào chiến lược zero-Covid của nhiều nước, tôi thấy nó sẽ còn rất lâu, nếu không nói là vô thời hạn”, ông nói.

Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết: “Một khi đất nước có 70% dân số được tiêm chủng và tương lai là 80% thì mới hy vọng".  Riêng thủ hiến bang New South Wales Gladys Berejiklian cho rằng mọi người sẽ cần phải học cách sống chung với virus sau khi 80% người lớn đã được tiêm chủng. “Bạn không thể cứ mãi chạy theo ngăn chặn biến thể Delta”, bà nói.

Australia hiện đang bị phong tỏa trong nỗ lực hạn chế các đợt bùng phát khi hôm 25/8 đã báo cáo trên 1.000 trường hợp nhiễm mới, nhiều nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu.

Catherine Bennett, một chuyên gia y tế công cộng và nhà dịch tễ học tại Đại học Deakin ở Melbourne, cho biết sự xuất hiện của một đợt bùng phát lớn ở Sydney vào tháng 6 đã là dấu chấm hết cho thí nghiệm zero-COVID của Australia. “Các bang và vùng lãnh thổ khác hiện không thể ngăn chặn sự lây lan này, ngay cả khi phong tỏa sớm và nghiêm ngặt. Hiện tại virus đã xâm nhập và nó đang ở lại", bà nói.

Tại New Zealand, Bộ trưởng Chris Hipkins cuối tuần qua cho rằng biến thể Delta đã nêu ra "những câu hỏi lớn" về các kế hoạch tương lai của đất nước. Hipkins cho biết các hệ thống phòng dịch của nước này đã bắt đầu lộ vẻ “thiếu đầy đủ và yếu kém".

Singapore, quốc gia đã tiêm phòng đầy đủ cho hơn 3/4 dân số, trong những tuần gần đây đã chuyển sang sống chung với virus đồng thời thông báo du khách đến từ Hồng Kông, Ma Cao, Đức và Brunei được miễn kiểm dịch.

Tại các quốc gia được tiêm chủng cao như Israel, đã bắt đầu tiêm phòng nhắc lại cho những người trên 40 tuổi do các ca bệnh ngày càng tăng do biến thể Delta, mặc dù số ca tử vong và nhập viện đã giảm một phần nhỏ so với thời điểm đỉnh của đại dịch.

“Bởi vì các loại vắc xin hiện tại chống lại COVID-19 không tạo ra miễn dịch hoàn toàn vì thế, một người được tiêm vắc xin đầy đủ vẫn có thể bị nhiễm COVID-19 và truyền vi rút cho người khác", Alexandra Martiniuk, nhà dịch tễ học tại Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Sydney, cho biết.

Hàng dài phương tiện chờ thử nghiệm Covid-19 ở Auckland, New Zealand, ngày 19 tháng 8. Ảnh: AP
Tài xế xếp hàng dài chờ xét nghiệm COVID-19 ở Auckland, New Zealand, ngày 19/8. Ảnh: AP

Tuy nhiên, vẫn có một số chuyên gia y tế tiếp tục coi chiến lược zero-Covid là điều đáng theo đuổi và hy vọng có thể đạt được. Bộ trưởng Thương mại Hồng Kông Edward Yau cho biết chính phủ đang theo đuổi một “chiến lược an toàn” và việc mở lại biên giới vẫn là ưu tiên số 1. Michael Baker, một giáo sư về sức khỏe cộng đồng tại Đại học Otago ở Wellington, cho biết ông tin rằng vẫn có thể đưa các đợt bùng phát Delta trở về con số 0.

“Các đợt bùng phát gần đây ở Trung Quốc, Đài Loan và Singapore dường như đã được kiểm soát, với số ca bệnh giảm dần cho thấy việc loại bỏ có thể sẽ đạt được. Ở Úc, một số bang dường như đã thành công trong chiến lược này như là Nam Úc và Queensland”, ông nói.

Nicholas Thomas, một chuyên gia về an ninh y tế tại Đại học Hồng Kông, cho biết ông dự kiến ​​thành phố sẽ cần tiêm chủng hoàn toàn để mở cửa trở lại. “Con đường duy nhất đối với Hồng Kông là tăng tỷ lệ vắc-xin và sau đó sẽ có liều tăng cường - đặc biệt là vắc xin Pfizer BioNTech hoặc có thể là Moderna. Chúng ta cần bảo vệ cộng đồng để Hồng Kông có thể mở cửa với thế giới sau đại dịch và không bị bỏ lại phía sau”.

Nick Wilson, giáo sư sức khỏe cộng đồng tại Đại học Otago, cho biết ông tin New Zealand sẽ kiểm soát được dịch đang bùng phát, nhưng cũng thừa nhận biến thể Delta đã thay đổi cách tính toán cho các quốc gia. “Delta rất khó ngăn chặn và khả năng loại trừ COVID-19 hoàn toàn không phải là chuyện một sớm một chiều".

Thảo Nguyễn (theo AFP, SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI