Biến thể Delta chậm lại ở Trung Quốc

19/08/2021 - 15:56

PNO - Biến thể Delta có dấu hiệu chậm lại ở Trung Quốc, trong khi tiếp tục hoành hành dữ dội trên khắp thế giới.

Nhân viên y tế kiểm tra mẫu xét nghiệm COVID-19 của người dân địa phương tại một phòng thí nghiệm kiểm tra di động ở Dương Châu, Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 17/8 - Ảnh: CNN
Nhân viên y tế kiểm tra mẫu xét nghiệm COVID-19 của người dân địa phương tại một phòng thí nghiệm kiểm tra di động ở Dương Châu, Trung Quốc - Ảnh: CNN

Khi đang ở đỉnh dịch, mỗi ngày Trung Quốc báo cáo hơn 140 ca nhiễm mới COVID-19 có triệu chứng, mặc dù con số này chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong dân số 1,4 tỷ người của đất nước đông dân nhất thế giới, nhưng nó đánh dấu “một sự gia tăng đáng kể” ở một quốc gia trong nhiều tháng về cơ bản đã ngăn chặn được sự lây lan của virus.

Nhưng chưa đầy một tháng sau, dịch bệnh ở Trung Quốc có dấu hiệu sớm hạ nhiệt. Các con số lây nhiễm giảm đều đặn, và nước này hôm 17/8 chỉ báo cáo 6 ca nhiễm có triệu chứng trong cộng đồng, ngày 18/8 báo cáo thêm 6 trường hợp mới nữa.

Diễn biến dịch bệnh ở Trung Quốc đại lục rõ ràng là hoàn toàn trái ngược với nhiều quốc gia khác vẫn đang vật lộn với các đợt bùng phát lớn do biến thể Delta gây ra, trong đó có Mỹ.

Biến thể Delta hiện chiếm hơn 93% tổng số ca nhiễm COVID-19 hiện hành ở Mỹ và đang đẩy các bệnh viện vào tình trạng quá tải một lần nữa. Các chuyên gia cảnh báo, Mỹ có thể sớm ghi nhận hơn 200.000 ca nhiễm mới COVID-19 mỗi ngày khi virus tiếp tục lây lan, đặc biệt là giữa những người vì một lý do nào đó chưa tiêm chủng.

Trong khi đó, ở Châu Á Thái Bình Dương, biến thể Delta cũng đã buộc nhiều khu vực của Úc và cả nước News Zealand quay trở lại tình trạng phong tỏa. Biến thể nguy hiểm này cũng tàn phá nặng nề các quốc gia Đông Nam Á như Malaysia và Thái Lan.

Hiện trạng giảm ca nhiễm của Trung Quốc được các phương tiện truyền thông nhà nước giới thiệu là “bằng chứng cho thấy các biện pháp kiểm soát “zero COVID-19” nghiêm ngặt của nước này đang phát huy tác dụng”, mặc dù một số chuyên gia y tế công cộng nổi tiếng của Trung Quốc không chia sẻ quan điểm trên.

Cái gọi là mô hình "không lây truyền", cũng được thấy ở những nơi như New Zealand và Hồng Kông, cho đến nay đã tỏ ra rất hiệu quả trong việc hạn chế sự lây lan trên diện rộng. Các quốc gia và vùng lãnh thổ trên đối mặt với những đợt bùng phát ít nghiêm trọng hơn so với những nơi khác trên thế giới, số ca nhiễm và tử vong nhìn chung cũng thấp hơn.

Tuy nhiên, cách tiếp cận này đòi hỏi phải áp dụng “các biện pháp trừng phạt, áp đặt” mà nhiều người cho rằng nó không bền vững về lâu dài, đặc biệt là khi các biến thể mới lan rộng và các quốc gia khác công khai phản đối. Các chuyên gia cho rằng “các pháo đài” cuối cùng sẽ phải thay đổi chiến lược, vì họ không thể đóng cửa mãi mãi với thế giới.

Sau đợt bùng phát ban đầu, nhà chức trách Trung Quốc đã nhanh chóng bắt tay vào hành động, nhiều thành phố lớn phát động các chiến dịch xét nghiệm hàng loạt và xây dựng các phòng xét nghiệm di động. Thành phố Dương Châu (Giang Tô) - một trong những điểm nóng về lây nhiễm với dân số 4,5 triệu người - cho đến nay đã tiến hành 7 đợt xét nghiệm hàng loạt cho cư dân của thành phố.

Các cộng đồng có ca nhiễm mới được phong tỏa ngay lập tức, cư dân các nơi này không thể rời đi trừ những lý do khẩn cấp. Hàng chục triệu người bị giới hạn đi lại và di chuyển, cũng như các thủ tục sàng lọc bổ sung và cách ly bắt buộc đối với bất kỳ ai đi lại giữa các thành phố hoặc các tỉnh.

Trong khi đó, nhà chức trách đồng thời tăng cường chiến dịch tiêm chủng trên toàn quốc. Hơn 1,8 tỷ liều vắc xin đã được tiêm cho đến nay, theo Ủy ban Y tế Quốc gia (NHC).

Theo giám đốc NHC Mã Hiểu Vỹ, tính đến ngày 14/8, tổng số 36 trong số 48 thành phố bị lây nhiễm virus ở đại lục đã báo cáo không có ca nhiễm mới nào trong ít nhất 6 ngày liên tiếp.

Trả lời phỏng vấn của Tân Hoa Xã hôm 16/8, ông Mã nói rằng Trung Quốc sẽ cố gắng kiểm soát sự bùng phát dịch bệnh vào cuối tháng 8, trước khi học sinh trở lại trường học để bắt đầu học kỳ mới, và đất nước trở lại cuộc sống bình thường càng sớm càng tốt.

Quế Lâm (theo CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI