Biến thể BA.4 và BA.5 đẩy số ca nhiễm COVID-19 mới tăng 20% ​

30/06/2022 - 09:56

PNO - Hôm 29/6, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết số ca nhiễm COVID-19 mới đang gia tăng ở khoảng 110 quốc gia, do sự xuất hiện của biến thể BA.4 và BA.5., với mức tăng đột biến 20%.

 

WHO cho biết, số ca tử vong ở 3 trong 6 khu vực trên thế giới do tổ chức này theo dõi cũng đang tăng lên.
WHO cho biết, số ca tử vong ở 3 trong 6 khu vực trên thế giới do tổ chức này theo dõi cũng đang tăng lên.

Trong cuộc họp báo hàng tuần, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh rằng, số ca nhiễm mới trên toàn cầu nhìn chung vẫn “tương đối ổn định”, nhưng cũng không nên vì thế mà “ảo tưởng” COVID-19 đang bị xóa sổ.

“Đại dịch đang thay đổi và vẫn chưa thể kết thúc, mặc dù chúng ta đã đạt được một số tiến bộ nhất định. Cần có sự phối hợp hành động từ các chính phủ, các cơ quan quốc tế và khu vực tư nhân, chúng ta mới có thể giải quyết được các thách thức đang ngày càng tăng lên”, người đứng đầu WHO nhận định.

Ông Tedros cũng cảnh báo rằng, khả năng theo dõi virus của thế giới đang bị đe dọa do việc báo cáo về các trường hợp nhiễm mới không còn chặt chẽ như trước, đồng thời việc giải trình tự gen để tìm hiểu sự tiến hóa của các biến thể cũng đang giảm bớt. 

Ngoài ra, việc tất cả các quốc gia trên thế giới đạt mục tiêu tiêm chủng cho ít nhất 70% dân số vào giữa năm nay cũng là điều khó khả thi. Hiện, tỷ lệ này ở các nước thu nhập thấp chỉ là 13%.

Theo WHO, điểm sáng trong công tác phòng chống dịch toàn cầu là trong 18 tháng qua, hơn 12 tỷ liều vắc xin đã được phân phối trên khắp thế giới, 75% nhân viên y tế trên thế giới và những người trên 60 tuổi hiện đã được tiêm chủng.

The Lancet, một tạp chí y khoa có uy tín, ước tính rằng 20 triệu người trên toàn cầu đã được cứu sống nhờ vắc xin, ông Tedros cho biết.

Năm ngoái, việc các nước giàu và sản xuất tích trữ vắc xin đã được cho là tạo ra rào cản lớn trong việc tiếp cận nguồn lực này đối với các nước có thu nhập thấp. Tuy nhiên, ông Tedros cho rằng, những thách thức mới trong năm nay là “cam kết của các chính phủ trong việc cung cấp vắc xin cho người dân, và những thông tin sai lệch về việc tiêm ngừa”, vốn đang cản trở tốc độ tiêm chủng ở cấp quốc gia.

Ông kêu gọi các nước cần tiêm vắc xin và tiêm mũi tăng cường cho tất cả các nhóm có nguy cơ, càng sớm càng tốt.

Tổng giám đốc của WHO cũng cho biết, các trường hợp bị nhiễm tuy ở mức độ nhẹ, vẫn tiếp tục gây xáo trộn và làm tổn hại đời sống của nhiều người dân trên thế giới, khiến trẻ em không được đến trường, người lớn không thể làm việc, và gây ra sự gián đoạn kinh tế cũng như chuỗi cung ứng.

Ông Tedros nói thêm rằng điều quan trọng là phải đảm bảo nguồn tài chính cho “vắc xin thế hệ thứ hai”, cũng như việc thử nghiệm và điều trị bằng loại vắc xin này.

“Giải pháp lý tưởng sẽ là phát triển vắc xin pan-coronavirus, có thể chống lại tất cả các biến thể từ trước đến nay, và cả những biến thể trong tương lai. Điều này là khả thi, WHO đang tiếp tục triệu tập các nhà khoa học và nhà nghiên cứu, và hiện đã có rất nhiều nghiên cứu về loại virus này, cũng như những hiểu biết tổng thể về miễn dịch học”, ông Tedros chia sẻ.

Nhất Nguyên (theo UN News)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI